Bỏ qua nội dung chính
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
9
5
7
2
9
Tin tức sự kiện 02 Tháng Mười Một 2015 2:05:00 CH

Gặp gỡ người con dâu hiếu thảo điển hình

Chị thảo tại Lễ tuyên dương gương người con hiếu thảo năm 2015

Nhiều người dân ở khu phố 4, phường An Phú Đông thường nhắc đến chị Vũ Thị Thảo, sinh năm 1979, ngụ số 442/21/8, tổ 12 với sự mến phục. Không chỉ nhiệt tình trong các hoạt động phong trào ở địa phương, chị còn luôn làm tròn bổn phận của người con dâu, người vợ, người mẹ trong gia đình. Dù đã hơn 80 tuổi và đã qua một cơn tai biến, nhưng cha chồng chị vẫn còn mạnh khỏe, đó là nhờ một phần rất lớn từ sự tận tụy chăm lo chu đáo của chị. Chị tâm sự: “Với bổn phận của người con, mình phải yêu thương và chăm sóc tận tình các bậc sinh thành, không phân biệt là cha mẹ chồng hay cha mẹ ruột”.

Với bà con chòm xóm, chị được nêu lên như một tấm gương sáng của lòng hiếu thảo, sự hy sinh, chịu đựng và chị rất xứng đáng là điển hình “Người con hiếu thảo” của phường nhiều năm liền. Chị về làm dâu trong gia đình chồng khi nhà chồng chỉ còn cha chồng đã già yếu nên công việc trong gia đình do một tay chị quán xuyến, chồng thì đi làm công nhân sửa máy nên thường xuyên đi sớm về muộn, mỗi ngày chị vừa lo việc gia đình, cơm nước cho cha chồng và đưa đón con đi học. Chị kể lại: năm 2010 cha chồng bị tai biến phải nằm một chỗ, chị càng vất vả hơn trong việc sắp xếp công việc gia đình, việc học của con và việc chăm cho cha chồng từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Dù vất vả nhưng chị vẫn thay chồng chu toàn mọi việc, chị không quản ngại ngày ngày trực tiếp chăm sóc, lo lắng cho ông từ bữa cơm, giấc ngủ. Nhờ được chăm sóc tốt nên sau 4 năm cha chồng chị đã có thể đi đứng lại được. Tuy nhiên, gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai chồng với cả nhà 4 miệng ăn, vừa phải lo thuốc thang cho cha, tiền học cho con, trong khi tất cả chỉ chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng, nên khi con đã lớn tự đi học được, chị chủ động sắp xếp việc nhà, sắp xếp thời gian cơm nước cho cha, chị xin đi làm công nhân để phụ giúp chồng trong kinh tế gia đình, lo cho con ăn học.

Nhìn cách chị chăm sóc cha chồng đang ốm đau, người đời có thể quên đi cái quan niệm lạc hậu về nàng dâu “khác máu tanh lòng”. Những cử chỉ ân cần, chu đáo của chị vừa là trách nhiệm, vừa là tình thương yêu tự đáy lòng. Nhiều năm qua, chồng bận rộn, con cái còn nhỏ, trong nhà chỉ mình chị là phụ nữ, chị phải cáng đáng tất cả. Thế nhưng chưa bao giờ thấy chị kêu ca phàn nàn. Trái lại, với người phụ nữ đảm đang, tần tảo này, được quan tâm, chăm sóc mọi người cũng là một cách để tận hưởng cảm giác hạnh phúc. Chị quan niệm, không bao giờ so sánh công việc ở bên ngoài với công việc gia đình, hay đánh đổi cái này để có cái kia, chị bảo: “Không có sự phân biệt giữa cha mẹ ruột hay cha mẹ chồng. Tôi cứ làm mọi việc bằng tấm lòng của mình để đem lại cho cha điều tốt nhất mà đứa con cần làm. Tôi cũng dạy con mình phải biết yêu thương, trân trọng sức khỏe của ông hiện có và làm cuộc sống của ông mỗi ngày đều được vui vẻ, phải biết ân cần lễ phép trong từng bát cơm ly nước mời ông hay ngày nào cũng thăm hỏi sức khỏe, trò chuyện với ông bằng tấm lòng tôn kính”.

Không có mẫu số chung nào của biểu lộ hiếu thảo trong cuộc sống ngày nay. Nhưng, để là người con hiếu thảo, trong cuộc sống chỉ cần biết ứng xử, hành động bằng trái tim yêu thương, hướng đến lẽ phải cùng những điều tốt đẹp, sống hết mình trong mỗi vai trò, chức phận như chị Vũ Thị Thảo đã và đang làm mỗi ngày là đủ.

Quốc Khoa (BT)

 


Số lượt người xem: 3485    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA