Trong cái nắng ấm áp của buổi sáng mùa xuân cùng không khí hân hoan rộn rã chào đón xuân mới của mọi người, mọi nhà cũng là thời điểm Đảng ta mừng sinh nhật lần thứ 86, trong thời khắc gọi là “lý tưởng” này chúng tôi hòa vào dòng người đi trên phố để tìm đến với những đảng viên qua các thế hệ.
Ông Nguyễn Văn Lượng đang vận động người dân trong khu phố thực hiện nếp sống văn minh đô thị
Chúng tôi tìm đến Ban điều hành khu phố 1, phường Thới An, nơi ông Nguyễn Văn Lượng (SN1944) làm Bí thư chi bộ và Trưởng Văn phòng khu phố, khi khu phố đang tất bật chuẩn bị những phần quà đến với hộ nghèo, ông cũng đã dành ít thời gian cùng ngồi chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm của những năm tháng tham gia cách mạng, quá trình làm cho ông thêm gắn bó và tin yêu đối với Đảng. Ông kể: Hồi đó, tuy chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng trước cảnh đạn bom giày xéo, ông đã tham gia vào đội quân du kích địa phương ở Nhuận Đức, Củ Chi, cùng đào hầm địa đạo, tiếp tế lương thực cho bộ đội trong phong trào Đồng Khởi, 3 năm sau đến tháng 1/1962 ông được nhập ngũ và được phân công phụ trách công tác thống kê tổng hợp tại Văn phòng Quân khu ủy Sài Gòn - Gia Định, rồi làm công tác nhận báo và tài liệu từ Campuchia về. Đến chiến tranh Mậu Thân 1968, với vai trò Trưởng trạm giao liên, Bí thư chi bộ phân khu 6, đặt tại Sông Sở Thượng, Huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đây được xem là bàn đạp giao liên chuyên đóng tàu 2 đáy để chuyển vũ khí vào nội thành. Mùa hè 1972, trong trận chống càn đám máy bay của Mỹ đã xả đạn chống phá khu vực này, ông đã bị bắn trúng đạn và bể bàng quang, sau 50 tiếng cắt nối ruột, may bàng quang và hồi sức ông được cứu sống trong sự tận tình cứu chữa của y tá Trạm xá Hồng Ngự và sự đùm bộc của đồng chí, đồng đội, bà con nhân dân nơi đây. Đến tháng 1/1973 khi hiệp định Paris được ký kết, ông được triệu tập ra Hà Nội học tại Học viện Hậu cần, tốt nghiệp ông về làm Chủ nhiệm hậu cần Trường Quân chính và Hạ sĩ quan Quân đoàn 4, đến năm 1978 ông tiếp tục tham gia giải phóng Campuchia, rồi về Ban Thanh Tra Thành ủy, Giám đốc Công ty thủy sản ở Phnom Penh, Phó giám đốc Lâm sản Hóc Môn và nghỉ hưu vào năm 1993. Sau đó gần 9 năm ổn định kinh tế gia đình, ông lại tiếp tục tham gia công tác tại khu phố cho đến nay. Trở về với cuộc sống hôm nay, bằng những việc làm chăm lo phát triển địa phương, chăm lo hộ nghèo, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, khi có chủ trương mở rộng vòng xoay cầu vượt Tân Thới Hiệp gia đình ông đã tiên phong đi đầu và vận động nhân dân trong khu phố tự tháo dỡ phần kiến trúc thuộc dự án để giải phóng mặt bằng cho công trình sớm thi công. Đối với ông chính những bài học mà Đảng và Bác dạy đã khắc sâu và trở thành sức mạnh động viên cho ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở mọi cương vị, với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Năm nay với 72 năm tuổi đời và 53 năm tuổi đảng, ông chẳng mong gì cho riêng mình, mà với ông còn sức khỏe ngày nào là còn cống hiến, với mong muốn địa phương, đất nước ngày càng phát triển và mãi phồn vinh, ai cũng có cuộc sống ấm no đầy đủ.
Chia tay với ông Nguyễn Văn Lượng, chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Văn Trinh (SN 1945). Mái tóc bạc trắng không lấp đi được khuôn mặt dạn dày sương gió của người cựu chiến binh. Trong không khí đất trời sang xuân, làn khói của tách trà nóng thắm đượm nghĩa tình càng làm cho cuộc trò chuyện của chúng tôi thêm phần ấm áp. Người Cựu Chiến binh này không nén được xúc động khi kể về những ngày nếm mật nằm gai, về những kỷ niệm của tình đồng chí đồng đội. Vì tiếng gọi Tổ quốc bảo vệ non sông, khi tốt nghiệp THPT ông theo đội quân tình nguyện chống Mỹ cứu nước lên đường ra tiền tuyến. Ông nhớ lần đầu tiên Quân đoàn 2, sư đoàn 341, đường dây 559 của ông trước khi bước chân qua địa phận Lào ông đã một mình ghé thăm và thắp hương mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân - người anh hùng với khẩu hiệu “Nhắm thẳng quân thù mà bắn” khi vừa mới mất được 3 ngày và hứa quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập dân tộc, rồi đến cái chết của người bạn gái cùng học chung trường mà ông chỉ vừa mới vui mừng được gặp lại trong chiến trường chiều hôm trước, đến những cái ôm thật chặt của anh em đồng chí đồng đội khi ông vượt qua được thử thách khắc nghiệt nơi chiến trường trở về… Những điều này đã hung đúc ý chí, nghị lực vượt qua thách thức trước quân thù cũng như trước những khó khăn của cuộc sống. Từ quân ngũ, trở về đời thường, với những phẩm chất, nhiệt huyết cách mạng của người lính ông tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành nông nghiệp tại Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp và nhận Huy hiệu vì sự nghiệp nông nghiệp đất nước. Đối với anh bộ đội Cụ Hồ luôn một lòng trung kiên với Đảng như ông Lê Văn Trinh, bài học của Đảng mà ông tâm đắc nhất chính là bài học đoàn kết và gắn bó máu thịt với nhân dân. Năm 2006 về hưu, ông tham gia ngay vào công tác xã hội địa phương rồi làm bí thư chi bộ khu phố. Ông đã nỗ lực đưa khu phố 6, phường Hiệp Thành nhiều năm liền đạt chi bộ Trong sạch vững mạnh, khu phố đạt Khu phố văn hóa 3 năm liền (2013 - 2015), chi bộ 2 năm liên tục hoàn thành xuất sắc tiêu biểu,… Đối với một người Đảng viên có hơn 35 tuổi Đảng, giáp mặt nhiều trận mạc, vượt nhiều gian nan, ông đã chia sẻ với chúng tôi cảm xúc về Đảng bằng những câu chuyện giản dị. Đó là bài học từ đồng đội, từ nhân dân, đặc biệt là bài học sâu sắc từ tấm gương đạo đức của Bác Hồ, bản thân ông cũng luôn nhắc nhở mình phải giữ vững lý tưởng cộng sản trong thời đại mới và không ngừng kỳ vọng vào thế hệ trẻ ngày nay.
Ông Lê Văn Trinh (giữa) đang triển khai công tác năm 2016 của khu phố
Xuân này, trò chuyện với những Đảng viên cao tuổi đảng chúng tôi như thấy lớn lên thêm trong suy nghĩ và hành động, bởi những câu chuyện của những thế hệ Đảng viên đi trước có hình ảnh cao đẹp về lý tưởng cộng sản. Họ là tấm gương sáng cho cán bộ trẻ hiện nay về sự cống hiến tận tụy suốt đời cho Đảng cho dân. Nối tiếp cha anh mình, thế hệ Đảng viên trẻ ngày nay cũng đang sống hết mình cho Tổ quốc, cho dân tộc. Chúng tôi đã tìm gặp Bí thư Quận đoàn đồng chí Phan Văn Nam khi anh đang tất bật chuẩn bị các hoạt động chăm lo Tết.
Là thủ lĩnh Đoàn thanh niên quận, trong thời gian qua anh đã lãnh đạo tổ chức Đoàn Thanh niên quận tổ chức nhiều hoạt động để góp phần cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ quận cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận nhà. Đặc biệt trong năm 2015, thiết thực chào mừng 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn Thanh niên quận đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào để chào mừng, trong đó Đoàn Thanh niên quận đã có 02 công trình thanh niên: đó là sân chơi đa năng cho thiếu nhi và xây dựng 4 tuyến hẻm văn minh - sạch đẹp - an toàn. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở Đoàn trực thuộc đều có các công trình chào mừng… điều đó phần nào đã thể hiện được tình cảm của thế hệ quận nhà đối với Đảng. Được sự quan tâm của Đảng, trong năm 2015 đã có 159 đoàn viên ưu tú vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tâm sự với chúng tôi, anh bày tỏ lòng tự hào về Đảng. Bản thân tôi luôn tự hứa với mình, đứng vào hàng ngũ của Đảng chỉ là một khởi đầu mới cho quá trình cống hiến sức trẻ. Mỗi Đảng viên trẻ phải sống sao cho xứng đáng với sự tin yêu mà Đảng và đất nước dành cho mình. Đảng không ở đâu xa, mà chính là những người cha, người chú, người anh, người chị, người đồng chí xung quanh mình. Đảng đã đi cùng dân tộc ta qua 86 mùa xuân, và để đất nước có được mùa xuân trọn vẹn như hôm nay, đã biết bao thế hệ Đảng viên ngã xuống. Dưới cờ Đảng quang vinh, cùng sức mạnh truyền thống của quê hương chiến khu An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ anh hùng chúng tôi, những Đảng viên trẻ Quận 12 với lý tưởng cao đẹp và bằng trí tuệ, sự năng động nguyện phấn đấu hết mình để tiếp nối lý tưởng của Đảng và con đường của Đảng trong hành trình đổi mới của đất nước và của dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, sáng tạo trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi quận nhà, tiếp tục làm giàu thêm truyền thống để viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương chiến khu An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ anh hùng, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa Quận 12 nói riêng và của đất nước nói chung.
Minh Khôi (BT)