Bỏ qua nội dung chính
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
9
7
2
6
0
Tin tức sự kiện 26 Tháng Bảy 2016 7:55:00 SA

Tấm lòng của một thương binh

Được sự giới thiệu của Thường trực Hội CCB phường, chúng tôi đến tìm và gặp thương binh Nguyễn Xuân Hưng, ngụ 134/120, tổ 20, khu phố 1A, phường Tân Thới Hiệp. Mặc dù đang bị căn bệnh ung thư hoành hoành và phải xạ trị hàng tháng, nhưng ở chú luôn có niềm lạc quan vui vẻ, sống hết mình với gia đình, con cái và là đảng viên có trách nhiệm, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

 

Năm 1967, khi đang ở tuổi mười tám đôi mươi, theo tiếng gọi của miền Nam, rời quê hương Quảng Ninh chú tình nguyện lên đường ra trận, tham gia vào Tiểu đoàn 294, Trung đoàn 386, rồi sau đó vượt Trường Sơn sáp nhập với Tiểu đoàn 2 Long An, tham gia các trận đánh ở miền Đông Nam Bộ, qua các trận đánh, các vết thương trên người chú cũng nhiều lên theo năm tháng. Ngày xuất ngũ là thương binh 4/4, trở về quê hương mưu sinh lập nghiệp với đồng lương công nhân ít ỏi khiến cho cuộc sống không khỏi chật vật, khó khăn, đến năm 2001, vợ chồng chú chọn phường Tân Thới Hiệp, Quận 12 làm quê hương thứ 2 và là nơi an cư lạc nghiệp của mình.

Khi cuộc sống và việc học hành của các con dần đi vào ổn định, có một nỗi niềm cứ làm người thương binh ấy luôn trăn trở, canh cánh bên lòng, đó là hình ảnh người đồng đội ngã xuống giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Chú kể: tôi nhớ như in trận đánh đó, cánh rừng đó, đồng đội tôi ngã xuống biết bao người, phần lớn đã tìm thấy hài cốt, chỉ còn mỗi đồng chí Thám là gia đình vẫn chưa tìm được. Đến năm 2011, chú cùng gia đình liệt sỹ Thám tìm về lại chiến trường xưa, đến xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương cùng với những ký ức còn nguyên vẹn của chú, người dân nơi đây đã xác nhận vào thời gian đó, bà con nhân dân ấp Phước Kế đã mai táng liệt sĩ Thám ở khu Gò Cao, sau này được quy tập về nghĩa trang huyện Cần Giuộc. Và tại nghĩa trang này, mọi người đã ôm nhau khóc mừng khi thấy trên tấm bia có tên liệt sỹ Thám. Thế là qua bao gian lao, vất vả nhiều năm trời, chú cùng với gia đình liệt sỹ đã đưa được hài cốt liệt sỹ về với quê hương, về với dòng họ, nỗi đau dai dẳng theo chú suốt 43 năm trời cũng đã được tháo gỡ khi chú nhìn thấy đồng đội mình đã được đoàn tụ với người thân.

Giờ đây, trong cuộc sống đời thường, người thương binh hơn 45 năm tuổi Đảng vẫn nhọc nhằn với cuộc sống mưu sinh, chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, nhưng không vì thế mà chú bi quan, ngược lại hằng ngày chú vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, ra sức dạy dỗ cháu con nên người, tích cực đóng góp ý kiến trong cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố. Chú quan niệm, mình còn may mắn sống được ngày nào thì phải có trách nhiệm với cộng đồng ngày đó, bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, không tham gia, đóng góp được gì nhiều cho xã hội, chỉ mong sao những kinh nghiệm, những ý kiến đóng góp của mình còn có ích cho khu phố, cho địa phương là mình vui rồi. Hơn nữa, đến lúc cuối đời mà mình đã tìm được đồng đội, giải tỏa được nỗi day dứt đeo đẳng suốt 43 năm thì đã thỏa mãn lắm rồi.

 

Anh Thư (BT)


Số lượt người xem: 1579    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA