Nghe tin thầy Nguyễn Thanh Hải sắp được UBND TP.HCM tuyên dương là “Tấm gương thầm lặng mà cao cả” toàn TP năm 2016, nhiều đồng nghiệp, phụ huynh học sinh gật đầu: “Trao cho thầy Hải là đúng quá.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải dạy cho các học sinh lớp 1 nắn nót từng con chữ
tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Hơn 40 năm nay, chuyện thầy lặng thầm làm cho học trò nghèo miệt chiến khu An Phú Đông chẳng ai đo đếm được!”.
Thầy Hải, hiện là phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM - nơi người dân ở đây vẫn quen gọi là “trường thầy Hải”. Ông giáo 75 tuổi đời, hơn 20 năm tuổi Đảng ấy vẫn đang miệt mài “chiến đấu với giặc dốt” (theo cách nói của ông) - cuộc chiến mà ông đã đeo đuổi, tận hiến hơn nửa cuộc đời.
Ngày nào cũng là “ngày khai giảng”
Gần 23g, một phụ nữ dáng người lam lũ dắt theo ba đứa nhỏ gõ cửa trung tâm tìm thầy giáo Hải xin học. Hỏi giấy tờ, khai sinh của tụi nhỏ đâu, người mẹ khóc: “Con nói thiệt với thầy con nghèo quá. Hồi đi sinh, hễ bệnh viện báo ngày mai cho xuất viện là bữa nay con bồng cháu trốn khỏi bệnh viện rồi nên đâu có được giấy tờ gì. Ba đứa con của con đứa nào cũng vậy hết!”.
Nhìn vẻ mặt khổ sở của người mẹ, thầy Hải gật đầu: “Thôi, để đó thầy tính!”. Nói thì nói vậy cho mấy mẹ con yên bụng, chứ thầy cũng phải lần lượt gõ cửa các cơ quan chức năng ở địa phương để hỏi cách làm.
Cán bộ tư pháp phường lúc mới nghe thầy trình bày cũng thấy khó, vướng đủ thứ, thầy Hải thuyết phục: “Có khó, có khổ người ta mới đến tìm mình. Các em ráng lo giấy tờ đặng tụi nhỏ được đi học, sau này nó không làm nổi kỹ sư, bác sĩ mà làm một anh công nhân có học thì xã hội cũng đỡ gánh nặng”.
Cánh cửa của “trường thầy Hải” chưa bao giờ đóng trước những mảnh đời bất hạnh. Có những cảnh đời làm thầy Hải bật khóc. Như trường hợp một em học trò chưa đầy 10 tuổi đã phải vừa làm anh, vừa làm cha, làm mẹ cho đứa em 2 tháng tuổi. Mẹ bỏ đi, em phải theo cha đi làm đất mướn.
Khi hai cha con móc sình, quăng đất dưới ao thì đứa em út còn khát sữa được treo vắt vẻo trong một bụi chuối ven bờ. Mỗi khi em khát sữa, thằng anh lại hì hụi leo lên bờ pha nước cơm đút cho em.
Đứa nhỏ lớn lên, đeo theo anh trai như hình với bóng. Đến khi người cha dẫn thằng anh vô xin đi học, thằng em cũng nhất định đi theo không chịu rời nửa bước. Thầy Hải quyết định nhận luôn hai anh em.
“Ở các trường khác, mỗi năm chỉ nhận học sinh vào mùa tựu trường, còn ở đây ngày nào cũng có thể là ngày khai giảng. Tôi nghĩ ở chùa mỗi khi người ta muốn xuất gia thì sư trụ trì đâu bao giờ từ chối. Đằng này người ta xin học cái chữ, sao mình nỡ chối từ?” - thầy Hải chia sẻ.
Nguyên tắc nhận học viên bất cứ lúc nào của thầy Hải cũng khiến các giáo viên trung tâm vất vả hơn vì trình độ học sinh không đồng đều, sĩ số luôn biến động nhưng thầy Hải động viên mọi người bằng quan điểm: “Được học thêm một ngày là bọn nhỏ tốt lên một phần. Cái đó còn quan trọng hơn mọi thống kê thành tích”.
Người thầy đa năng
Chế nước sôi vào vắt mì gói, thêm ít lát mì căn trữ trong tủ lạnh, thầy Nguyễn Thanh Hải sẵn sàng cho bữa ăn tối ngay tại trung tâm, khi tất cả giáo viên, tình nguyện viên và học viên đã ra về.
Bao giờ cũng vậy, thầy Hải luôn là người ở lại cuối cùng, bởi hơn chục năm rồi từ ngày nhận lời về công tác tại trung tâm, ông cũng thu dọn luôn chút tư trang ít ỏi về đây ở. “Hồi trẻ còn sức còn đạp xe, thậm chí lội bộ bốn năm chục cây số đi đi về về với học trò, giờ già rồi dọn về gần trường đặng còn sức mà dạy” - thầy cười giải thích.
Với mức lương hưu tầm 5 triệu đồng/tháng, con cái đã thành đạt, thầy Hải hoàn toàn có thể có cuộc sống an nhàn nhưng ông chọn cho mình một con đường khó: vừa làm quản lý, vừa làm thầy tham gia dạy cả ba khối lớp, kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ lao công quét dọn và bảo vệ trung tâm, còn phải vừa lo cái ăn, cái mặc cho học trò. “Đâu chỉ riêng tôi, các giáo viên ở đây đều đa năng như vậy hết” - thầy Hải cười tiết lộ.
Học sinh của trung tâm phần đông là con em bà con lao động nghèo, công nhân, người làm nghề tự do, người nhập cư lên TP ở trọ. Nhiều em tới lớp với cái bụng lép kẹp, mặt mũi xanh xao, có bữa đang học lăn ra ngất xỉu. Vậy là ngoài dạy chữ, thầy Hải và các cô còn phải tìm cái ăn cho học sinh.
Thời gian đầu thành lập trung tâm, kinh phí của quận còn rất hạn hẹp, thầy cùng các cô đi vận động gạo, đường, thức ăn, vận động tiền để mua cặp, sách, tập vở, xin quần áo, đồng phục cũ cho các em.
Hơn 10 năm sau ngày thành lập, đời sống đã bớt vất vả nhưng bếp tình thương của thầy Hải và các cô ở trung tâm vẫn được duy trì. Mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, có mạnh thường quân gửi biếu các thầy cô quà mừng là mấy thùng mì gói, vài ký bột ngọt, đường cát, gạo. Các thầy cô nhận rồi góp lại cho bếp của trung tâm.
Trong căn phòng nhỏ vừa là phòng họp, phòng làm việc, vừa là nơi ngả lưng mỗi đêm của thầy Hải, xen lẫn giấy tờ sổ sách, sách giáo khoa còn có sữa hộp, mì gói, nước suối, mấy loại thuốc thông dụng.
“Tôi ăn chay trường, mỗi bữa đạm bạc, đơn giản là đủ. Trữ thêm thức ăn, thuốc men ở đây đặng học trò đứa nào đói mình cho ăn thêm, đứa nào đau bụng, nhức đầu có thuốc mà uống” - thầy Hải nói. Mới đây ít lâu, cạnh chiếc ghế bố thầy thường nằm còn có thêm cây nạng. Hơn nửa đời đứng trên bục giảng, thầy bị chứng giãn tĩnh mạch, có lúc đau đi không nổi nhưng thầy vẫn không một ngày bỏ lớp.
Người ở lại
Ngẫm lại cả cuộc đời đi dạy, mỗi khi phải chọn lựa giữa một bên là dứt áo ra đi và một bên là ở lại, thầy Hải luôn chọn làm người ở lại. Trước giải phóng, thầy là giáo viên Trường Kỹ thuật Gia Định. Tin Sài Gòn giải phóng khiến không ít giáo viên bỏ trường, rời Tổ quốc.
“Lúc đó tôi còn trẻ, chỉ nghĩ đơn giản mình cũng bỏ đi thì học trò bơ vơ. Thương học trò, thương đất nước thì ở lại, chấp nhận tất cả” - thầy nhớ lại.
Lựa chọn ở lại, thầy Hải được điều động về dạy học ở địa bàn chiến khu An Phú Đông - mảnh đất thiệt thòi hứng chịu nhiều bom đạn. Thời đó thầy đạp xe, lội sông, lội ruộng kêu gọi học trò ra lớp. Kiếm được trò rồi, thầy lại cùng phụ huynh vượt sông chở tre, chặt lá lồ ô về dựng chòi làm lớp. Về sau có người quen ngỏ ý xin cho thầy về trung tâm TP dạy cho gần, thầy từ chối không về, tiếp tục ở lại bám trụ với học trò.
Khi địa phương có chủ trương thành lập trường cấp III, thầy không sang trường mới mà tình nguyện ở lại trường cấp I, đồng hành cùng những học sinh nghèo khó nhất. Đó cũng là thời điểm thầy Hải - một trí thức của chế độ cũ - được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
MAI HƯƠNG