Bỏ qua nội dung chính
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
4
3
1
9
4
Tin tức sự kiện 27 Tháng Tư 2017 9:35:00 SA

Truyền thống Gò Môn - Những trang sử hào hùng để thế hệ con cháu noi theo

Từ 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” ban hành đạo luật 10/59 đặt “cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” lê máy chém đi khắp miền Nam, hành động khủng bố điên cuồng của chúng thể hiện sự tàn bạo đối với Nhân dân miền Nam. Trước tình hình đó buộc cách mạng miền Nam thay đổi hình thức đấu tranh, phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Cùng với đấu tranh chính trị, hình thức đấu tranh vũ trang tự vệ như trừ gian, diệt ác bắt đầu xuất hiện và ngày càng lan rộng, cơn bão cách mạng đang ấp ủ, phong trào cách mạng đang trên đà củng cố cả về thế và lực. Một số nơi quần chúng đã nổi dậy (khởi nghĩa Bắc Ái 2/1959). Phong trào đồng khởi 1959 - 1960 thắng lợi đã giáng một đòn mạnh vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm thất bại hoàn toàn chiến tranh đơn phương của Mỹ - Diệm và đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Rút kinh nghiệm từ phong trào “Đồng Khởi” ở Bến Tre và ở miền Đông Nam bộ, để chuẩn bị chỉ đạo bước 2 phong trào “Đồng Khởi”, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã quyết định sát nhập một số Quận, Huyện, trong đó Gò Vấp và Hóc Môn được sát nhập thành quận Gò Môn, gồm 21 xã và thị trấn (trong đó Gò Vấp có 7 xã - thị trấn, Hóc Môn có 13 xã - thị trấn, Củ Chi có 1 xã - xã Bình Mỹ). Quận ủy Gò Môn do đồng chí Khâu Văn Hội (tức Út Hội) làm Bí thư, đồng chí Lê Trung Nghĩa (tức Tám Nghĩa - sau này là Chủ tịch Hội Nông dân thành phố HCM) làm Phó Bí thư. Căn cứ Quận ủy Gò Môn có lúc từ Hạnh Thông (Gò Vấp), có lúc cơ động về Tân Thới Hiệp (Hóc Môn), lúc chiến trường căng thẳng dời qua Bình Mỹ, Trung An (Củ Chi), lúc về Phú An (Bến Cát) hoặc chuyển qua Đức Hòa (Long An).

Do có vị trí chiến lược là địa bàn chỉ đạo tấn công vào sào huyệt địch ở nội thành nên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định chọn quận Gò Môn làm địa bàn trọng điểm để chỉ đạo quân dân đồng loạt nổi lên tích cực hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, chiến đấu trừng trị bọn tay sai bán nước, chống giặc mở rộng địa bàn giành dân lập ấp chiến lược.

Để Đồng Khởi giành thắng lợi, Quận ủy Gò Môn đã tổ chức tập huấn về công tác lãnh đạo đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và phát động quần chúng hưởng ứng nổi dậy. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn người dân Gò Môn được vũ trang bằng giáo mác, gậy tầm vông, cùng tiếng trống, tiếng mõ… tạo nên sức mạnh to lớn, Nhân dân đã rầm rộ xuống đường, vừa tuần hành thị uy, biểu dương khí thế cách mạng làm cho khắp nơi trên địa bàn quận Gò Môn nói riêng và các quận huyện bạn nói chung của Sài Gòn - Gia Định trở thành nỗi kinh hoàng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền.

Nhiều hội đồng tề xã, nhiều đồn bót, công sở, nhiều sắc lính của địch bỏ chạy. Sáng 11/7/1961, lực lượng quần chúng tập trung đấu tranh trực diện với tên quận trưởng, buộc chúng phải thực hiện các yêu sách của cách mạng đưa ra. 16 giờ cùng ngày, lực lượng quần chúng yêu nước và Nhân dân cánh Gò Vấp rải truyền đơn, làm chướng ngại vật trên các lộ lớn, đặc biệt Nhân dân đã treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên các nóc nhà, các nẻo đường và nhiều nơi khác… Tối, thanh niên du kích của Gò Môn mang súng bập dừa, lựu đạn củ môn sơn đen nhộn nhịp đi phát loa, rải truyền đơn, đưa thư cho các gia đình binh sĩ ngụy kêu gọi họ về với Nhân dân và làm giao liên, đưa đón cán bộ đi phát động phong trào. Võ trang tuyên truyền biểu dương lực lượng và ta đã phá tan tổ chức “Gia liên bảo”, phá tề ấp, nhà ga hỏa xa, đánh sập cầu, đào giao thông hào cản bước tiến quân chi viện của chính quyền Diệm.

Qua 7 ngày nổi dậy và tiến công theo tinh thần Đồng Khởi, Thường vụ Khu ủy do đồng chí Tám Đào (Hồng Đào) phụ trách khối quân sự đã triệu tập cấp ủy của quận Gò Môn họp sơ kết đánh giá kết quả và kết luận: “Cuộc nổi dậy chỉ trong 7 ngày nhưng với tinh thần yêu nước và khí thế thi đua Đồng Khởi, quân và dân quận Gò Môn đã thực hiện được rất to lớn, đạt được những yêu cầu đề ra theo kế hoạch. Ý nghĩa thắng lợi đó là to lớn, thúc đẩy phong trào Đồng Khởi trong toàn dân, làm cơ sở tiến lên xây dựng phát triển lực lượng, du kích giữ đất, giữ dân và chống càn”.

Đồng Khởi Gò Môn, thắng lợi mở đầu cho những chiến công nối tiếp chiến công của quân và dân Gò Môn suốt một thập kỷ đau thương mà anh dũng. Truyền thống Gò Môn tuy chỉ hình thành và phát triển trong 9 năm (1961 - 1969) song đã trở thành truyền thống bất tử, nói lên ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh. Phong trào cách mạng của quân và dân Gò Môn hình thành trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1969 - giai đoạn ác liệt nhất, chiến đấu làm thất bại hai chiến lược Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của quân đội Mỹ. Qua đó, Đảng bộ và Nhân dân Gò Môn đã góp phần xứng đáng vào công cuộc chiến đấu giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Truyền thống Gò Môn với những trang sử hào hùng của Dân - Quân - Chính - Đảng, mãi mãi là tấm gương, là phẩm chất sáng ngời của các thế hệ cha anh đi trước; thể hiện đậm đà chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là ánh đuốc sáng ngời để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, quyết tâm ra sức giữ gìn, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.

                                     Quốc Khoa (Biên soạn)


Số lượt người xem: 1874    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA