Bỏ qua nội dung chính
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
5
3
4
8
4
Tin tức sự kiện 23 Tháng Sáu 2017 7:50:00 SA

Phòng chống bệnh sốt xuất huyết

  I. Dịch tễ:

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, bệnh bùng phát mạnh vào các tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 12. Trước kia, bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng những năm gần đây bệnh SXH cũng gặp ở cả người lớn. Đây là một bệnh nguy hiểm vì các lý do sau:

- Bệnh SXH có thể gây tử vong cho người bệnh;

- Bệnh chưa có văc-xin để phòng ngừa;

- Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu;

- Bệnh có thể gây thành dịch, làm nhiều người cùng mắc bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đến công việc, học tập của mọi người, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

 

II. Nguyên nhân gây bệnh:

Sốt xuất huyết do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây nên. Trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, gây bệnh cho cả người lớn và trẻ em. Muỗi vằn là loại muỗi quí tộc, chúng thích sống gần người, chỉ đốt người vào ban ngày, đặc biệt là những lúc trời gần sáng và lúc trời nhá nhem tối( từ 17 đến 19 giớ). Muỗi vằn chỉ đẻ trứng ở những nơi chứa nước sạch như lu, vại, hồ và những vật chứa nước mưa ngoài trời như vỏ xe, các vật phế thải như hộp cơm, chai lọ, chậu hoa, bồn cầu không còn sử dụng để trong vườn hoặc ngoài hiên nhà…Chính vì vậy bệnh SXH bùng phát mạnh vào mùa mưa.

 

III. Triệu chứng lâm sàng:

Biểu hiện bệnh là sốt cao liên tục từ ba đến bốn ngày, uống thuốc hạ sốt chỉ giảm chút ít. Ngoài ra, người bệnh nhức đầu, đau lưng, đau nhức tay chân, có thể có chảy máu chân răng, chảy máu cam. Người bệnh cảm thấy rất mệt. Nếu nặng hơn người bệnh sẽ rơi vào sốc (tay chân lạnh, huyết áp tụt, mạch không bắt được) hoặc xuất huyết ồ ạt, hoặc suy đa phủ tạng sẽ dẫn đến tử vong.

 

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA SỐT XUẤT HUYẾT

Công tác phòng chống sốt xuất huyết là việc làm của cả cộng đồng và phải làm thường xuyên liên tục. Vì trong cộng đồng, nếu nhà làm nhà không thì sẽ không phòng được bệnh, do muỗi sẽ bay từ nhà này sang nhà kia một cách dễ dàng và mầm bệnh sẽ không bị loại bỏ nên sẽ gây bệnh cho mọi người sống trong khu vực đó. Để phòng chống SXH một cách hiệu quả việc đầu tiên phải làm là:

 

1.Truyền thông:

 Tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng bệnh SXH cho tất cả các thành viên trong cộng đồng, mà việc làm hiệu quả nhất chính là các em học sinh sẽ nói lại về tác hại của bệnh SXH và các biện pháp phòng chống cho các thành viên trong gia đình mình và chính các em thực hiện công việc diệt lăng quăng tại gia đình và trong khu vực mình sinh sống.

Nếu phát hiện có ca bệnh SXH tại nơi mình sinh sống thì báo ngay cho ngành y tế, vì dập dịch càng sớm càng tốt, bệnh chưa lan rộng nên dễ kiểm soát.

 

2. Diệt muỗi:

+ Diệt muỗi: bằng nhang muỗi, vợt điện, bình xịt muỗi bằng tay…

+ Không để muỗi đốt: phải ngủ mùng kể cả ban ngày

+ Không để muỗi có chỗ đậu: không treo quần áo bừa bãi, nhà cửa phải thông thoáng, phát quang bụi rậm quanh nhà.

 

3. Diệt lăng quăng:

Đây là biện pháp căn cơ và quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của công tác phòng chống SXH vì “không có lăng quăng sẽ không có muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết”. Vì vậy, mọi người, mọi nhà phải cùng nhau diệt lăng quăng bằng cách: kiểm tra các vật chứa nước hàng tuần.

-  Thả cá bảy màu cho cá ăn lăng quăng trong các hồ chưa nước lớn, các hòn non bộ trang trí trước và trong nhà.

-  Ở những nơi nước tù đọng có nhiều lăng quăng bà con liên hệ với trạm y tế xin hóa chất Abate về thả để diệt lăng quăng.

- Các lu, vại chứa nước phải được đậy kín, nếu có lăng quăng phải đổ nước và lau chùi thành lu vại rồi mới đựng nước;

- Thường xuyên thay nước bình bông, chân chạn, có thể cho muối vào các chân chạn để lăng quăng không sống được;

- Các lu hũ để ngoài nhà không dùng đến phải lật úp, tránh đọng nước. Dọn dẹp các vật dụng phế thải quanh nhà là nơi chứa nước mưa, muỗi thường đẻ ở những nơi đó.

- Ở những nơi có nhiều vỏ xe ô tô cần được xếp chồng lên nhau và dùng tôn đậy phần hở trên cùng để nước mưa không thể vào được;

- Các bình bông tại các phần mộ trong nghĩa trang phải được bỏ đầy cát để không chứa nước mưa.

Trên đây là một số biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh Sốt xuất huyết rất mong mọi người cùng tích cực tham gia công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng tại gia đình và trong khu xóm mình sinh sống để đem lại an vui, sức khỏe cho mọi người./.

Phòng Văn hóa và Thông tin

 


Số lượt người xem: 1519    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA