Bỏ qua nội dung chính
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
6
0
1
3
0
Tin tức sự kiện 15 Tháng Tám 2017 4:30:00 CH

Tưởng nhớ nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX được ghi dấu là thế kỷ đấu tranh để xác lập nền dân chủ. Trong bước chuyển từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, những nhà yêu nước Việt Nam đã tiếp nhận một luồng gió dân chủ từ phương Tây, khơi dậy phong trào Duy Tân sôi nổi. Bên cạnh những đại diện tiêu biểu trong hoạt động cách mạng như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, phải kể đến Nguyễn An Ninh - là người sớm đưa những hình thức đấu tranh mới mẻ, thấm đậm lý tưởng dân chủ như mit-tinh, diễn thuyết, báo chí và nghị trường vào các phong trào yêu nước Việt Nam. Tiếp bước tinh thần yêu nước của cha ông - cụ Nguyễn An Khương, Nguyễn An Ninh đã cùng những nhà yêu nước Việt Nam dành trọn cuộc đời vì nước vì dân.

Sinh ngày 15/9/1900 trong một gia đình Nho học yêu nước, Nguyễn An Ninh đã kế thừa truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, tiếp thu Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn. Việc được tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ khi còn nhỏ đã hình thành trong Nguyễn An Ninh những suy nghĩ tiến bộ. Điều này là nền tảng hình thành nên tư tưởng và con đường hoạt động cách mạng của Nguyễn An Ninh khi ông sang Pháp du học. Năm 1916, ông tốt nghiệp trung học với bằng loại ưu nên được tuyển thẳng ra Hà Nội học Cao đẳng và được miễn chuẩn bằng Tú Tài khi vừa tròn 16 tuổi. Học ngành Y được sáu tháng, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học ngành Luật và biên tập cho Báo Le Paria (Người cùng khổ). Ông bắt đầu tham gia hoạt động chính trị khi vừa tròn 20 tuổi và tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp. Trong thời gian học tại Pháp, Nguyễn An Ninh liên hệ với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc. Ông dành thời gian nghiên cứu các học thuyết cách mạng trên thế giới, kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cách mạng, cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu để giúp đỡ cho phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 10 năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước, bắt đầu 22 năm hoạt động cách mạng bằng phương pháp đấu tranh “công khai hợp pháp trực diện đối đầu” với hai hình thức là diễn thuyết và làm báo. Ngày 25 tháng 01 năm 1923, lần đầu tiên Nguyễn An Ninh xuất hiện trước công chúng Việt Nam với bài diễn thuyết “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”, đến tháng 10 năm 1923 là bài nói chuyện thứ 2 với nội dung: “Lý tưởng của thanh niên An Nam”, chỉ rõ “văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, phải có niềm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông là người đầu tiên diễn thuyết công khai khuyên thanh niên sống phải có hoài bão ước mơ, mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự đất nước, đem tài năng đưa dân tộc ta lên ngang hàng với các nước trên thế giới, làm cuộc sống dân ta tươi đẹp hơn.

Ngày 10 tháng 12 năm 1923, tờ báo La Cloche Fêleé (Tiếng chuông rè) do Nguyễn An Ninh sáng lập ra số đầu tiên bằng tiếng Pháp, phát hành công khai ở Sài Gòn. Đây là một trong những tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí công khai trực tiếp phê phán mạnh mẽ chính quyền thực dân Pháp, đồng thời tuyên truyền cho các tư tưởng cách mạng tiến bộ. Vượt qua nhiều khó khăn, báo La Cloche Fêleé ra đến số 62 thì đổi thành báo L’ Annam (Nước Nam) vào ngày 06 tháng 5 năm 1926.

Năm 1926, ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án 2 năm tù vì tội kích động dân chúng nổi loạn. Tháng 01 năm 1927, Nguyễn An Ninh được trả tự do sau gần 10 tháng ở tù tại Khám Lớn (Sài Gòn). Ông tiếp tục sang Pháp lần thứ 5 và cùng gia đình Nguyễn Thế Truyền trở về Sài Gòn (tháng 01 năm 1928). Ông cùng Phan Văn Hùm tổ chức lực lượng Thanh niên Cao vọng tại các tỉnh miền Tây Nam Kỳ - tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ, tiếp tục phối hợp với các cán bộ của Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên trong vận động quần chúng và phát triển tổ chức của Hội. Ông bị thực dân Pháp bắt lần hai vào tháng 9 năm 1928 về tội: “Lập Hội kín và cố ý khuynh đảo chính phủ”. Sau khi ra tù lần thứ hai (1931), Nguyễn An Ninh tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng. Cuối tháng 4/1932, Nguyễn An Ninh lập ra tờ báo công khai bằng tiếng Pháp La Lutte (Tranh đấu), để vận động cho các nhà yêu nước hoạt động công khai trong cuộc tranh cử Hội đồng ở Sài Gòn, năm 1936 Nguyễn An Ninh phát động phong trào “Đông Dương đại hội”, một phong trào đấu tranh mang tính chất quần chúng rộng rãi. Sáng kiến của Nguyễn An Ninh nhanh chóng được Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ mạnh mẽ. Trong suốt thời kỳ từ năm 1932 đến năm 1936, mặc dù bị bắt giam nhiều lần, Nguyễn An Ninh vẫn luôn khơi gợi và lãnh đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, báo chí và các cuộc vận động tranh cử. Ngày 04 tháng 10 năm 1939, Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt lần thứ năm. Sau đó, ông bị kết án 5 năm tù và 10 năm lưu đày biệt xứ tại Côn Đảo. Sau 22 năm hoạt động cách mạng, Nguyễn An Ninh năm lần bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tù, ông đã hy sinh tại Côn Đảo ở tuổi 43 vào ngày 14/8/1943.

Để tưởng nhớ nhà chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh, ngày 01/8/1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho ông. Vào ngày 18/11/2000, Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh tại phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 được khởi công xây dựng trên diện tích 3.121m2 với thiết kế phỏng theo kiểu dáng nhà ba gian hai chái truyền thống của Nam Bộ, khánh thành ngày 15/9/2002. Sau thời gian hoạt động, phục vụ khách tham quan, năm 2016, Nhà tưởng niệm tiếp tục được sửa chữa, cải tạo, bổ sung với kinh phí 12 tỷ 780 triệu đồng. Công trình được trùng tu, tôn tạo đẹp mắt với khuôn viên xanh, sạch đẹp, nhà trưng bày hiện đại, Ban quản lý và nhân viên phục vụ chu đáo nên khách đoàn đến tham quan tăng mạnh trong 06 tháng đầu năm 2017 với 32 đoàn với 2.195 lượt khách.

Yến Dương


Số lượt người xem: 1592    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA