1. Lĩnh vực Quản lý đô thị:
1.1 Ông Lê Thanh Trúc, khu phố 1, phường An Phú Đông hỏi: “Trước đây nhà nước cấm các loại xe ba gác lưu hành và có hỗ trợ cho những hộ nghèo để thay đổi nghề nghiệp nhằm góp phần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên nhà nước nên tính toán đến những nơi xe ba gác Trung Quốc không vào được, xe tải nhẹ không vào được, người dân tại chỗ phải dùng phương tiện nào để vận chuyển vật tư khi xây nhà, mua bán sản phẩm nông nghiệp v.v... trong khi đường giao thông nội bộ lòng đường từ 1m đến 1,5m. Chương trình phòng chống ngập úng nhà nước đầu tư làm đê bao tường chắn, các đầu vàm đều đặt cống quay, như thế đường thủy không sử dụng được, đường bộ không có phương tiện vận chuyển. Chúng tôi phải làm sao ?”
Phòng Quản lý đô thị trả lời như sau:
- Việc đình chỉ lưu hành xe ba gác nhằm đảm bảo an toàn giao thông, được thực hiện theo Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND ngày 19/5/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bành lưu thông trong nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Để hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi nghề, chuyển đổi phương tiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 về hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện đình chỉ tham gia giao thông.
Thực tế bề ngang của các loại xe máy Trung Quốc đang lưu hành hiện nay cũng tương đương các loại xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện đình chỉ tham gia lưu thông. Do đó, đối với trường hợp đường giao thông nội bộ có bề rộng từ 1m đến 1,5m thì nhân dân có thể sử dụng các loại xe kéo, đẩy tay, xe rùa… để vận chuyển vật liệu xây dựng, sản phẩm nông nghiệp,… tùy theo tình hình thực tế.
- Trong các năm 2008, 2009 trên địa bàn các phường Thới An, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông tổ chức triển khai thực hiện các công trình phòng, chống lụt bão theo thiết kế mặt cắt định hình gồm: công trình đắp đất và công trình bê tông tường chắn kết hợp đắp đất với mục tiêu là phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn. Trong hồ sơ thiết kế các dự án chỉ thực hiện công tác gia cố và đắp bờ bao, không thực hiện xây dựng các cống điều tiết phía đầu vàm. Việc xây dựng các cống điều tiết phía đầu vàm thuộc dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận và Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố làm chủ đầu tư. Do đó, trường hợp khó khăn trong việc lưu thông sinh hoạt hàng ngày, đề nghị ông có phản ánh cụ thể vị trí bất cập đến Ủy ban nhân dân phường An Phú Đông để tổng hợp, kiến nghị Ủy ban nhân dân quận xem xét, giải quyết.
1.2 Ông Trần Minh, phường Hiệp Thành hỏi: “Hiện nay trên địa bàn khu phố 3, khu phố 4 phường Hiệp Thành hàng ngày phải đi qua đường HT43 thật khổ sở vì nắng bụi, mưa sình. Theo tìm hiểu thì được biết đây là tuyến đường dự kiến mở rộng lên 30m. Xin cho hỏi bao giờ thì dự án này thực hiện ?”
Phòng Quản lý đô thị trả lời như sau:
Hiện nay, do ngân sách quận còn hạn hẹp nên việc đầu tư nâng cấp đường HT43 bằng nguồn vốn ngân sách chưa thực hiện được. Do đó, để phục vụ nhu cầu lưu thông của nhân dân trong khu vực, đề nghị ông phản ánh và đề đạt nguyện vọng đến Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành để vận động nhân dân trên tuyến đường thực hiện nâng cấp đường theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đây là hình thức “vốn mồi” theo hạng mục công trình (nhân dân đầu tư lắp đặt hệ thống thoát nước, Nhà nước thực hiện nâng cấp phần mặt đường hoặc ngược lại) dựa trên khả năng vận động nhân dân đóng góp kinh phí thực hiện.
2. Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường:
2.1 Nhân dân tổ 19, 20, KP2, phường Hiệp Thành phản ánh: “Công ty DONGBANG VINA chuyên may mặc xuất khẩu, cơ sở nằm cách đường HT 23 khoảng 30m. Hàng ngày công ty sản xuất từ 7 giờ đến 21 giờ, chạy quạt công nghiệp hút bụi vải từ bên trong nhà xưởng thải ra môi trường khu dân cư rất nhiều (nhà xưởng có mấy chục quạt công nghiệp, đường kính mỗi quạt 1m), gây tiếng ồn và thải bụi vải mịt mù ra khu dân cư. Đề nghị chính quyền kiểm tra, xử lý”.
Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND phường Hiệp Thành tiến hành kiểm tra thực tế việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của công ty Dongbang Vina và sẽ báo cáo, đề xuất UBND quận xử lý theo quy định. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2012.
2.2 Ông Phạm Thuận Phong, 151/8 TA19, khu phố 2, phường Thới An phản ánh: “Công ty Hải Hưng Thịnh (Nhà sản xuất cà phê thương hiệu Thượng Hải) tại đường TA 19, khu phố 2, phường Thới An có xưởng chế biến cà phê nằm trong khu dân cư đông đúc. Khi chế biến cà phê thường xuyên thải khí có mùi khó ngửi ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình chúng tôi và những người chung quanh. Việc này đã kéo dài nhiều năm qua. Xin hỏi trường hợp này có vi phạm qui định của nhà nước hay không và nếu có thì sẽ xử lý như thế nào?”
Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
Ngày 03/5/2012, phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Thanh tra xây dựng quận, UBND phường Thới An kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của công ty Hải Hưng Thịnh và tiến hành lấy mẫu khí thải của công ty đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ – QCVN 19:2009/BTNMT.
Về vấn đề mùi đặc trưng phát sinh từ hoạt động chế biến cà phê: Phòng Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sớm có hướng dẫn cách xác định mức độ ô nhiễm để có cơ sở xử lý.
3. Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo:
Ông Nguyễn Trường Thành (email: truongtruongthanh79@yahoo.com.vn) hỏi: “Ngày khai giảng được coi là ngày khởi đầu của năm học mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tâm lý học sinh, đặc biệt là khối tiểu học. Các em đã háo hức chờ đợi đến ngày khai giảng năm học mới để được đi dự lễ khai giảng và khẳng định đã chính thức bắt đầu năm học mới, các em sẽ trở nên nghiêm túc hơn trong học tập kể từ sau ngày khai trường. Vậy mà ở trường tiểu học Phạm Văn Chiêu (P.An Phú Đông) lại chỉ cho 1/2 học sinh được đi dự buổi khai trường đầy ý nghĩa thiêng liêng ấy. Xin hỏi đây là ý kiến chỉ đạo của phòng Giáo dục và Đào tạo hay là của trường? Đề nghị được làm rõ, và nếu số các em không được đi dự lễ khai giảng năm học mới này có bị sa sút về học lực hoặc hạnh kiểm do vấn đề tâm lý thì cấp nào quyết định việc này sẽ phải chịu trách nhiệm, chúng tôi sẽ khiếu nại lên cấp trên nếu không được trả lời và giải quyết thỏa đáng”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo trả lời:
Năm học 2012-2013 trường tiểu học Phạm Văn Chiêu đưa vào khối phòng học mới với 07 phòng học và các phòng học bộ môn (Lab, vi tính). Việc xây thêm khối phòng học mới đã thu hẹp diện tích sân trường nên không đủ sức chứa cho toàn thể học sinh (1.808 học sinh) tham gia các hoạt động sinh hoạt chung của nhà trường. Do đó ngày khai giảng năm học 2012-2013 nhà trường chỉ có thể huy động 50% số học sinh tham dự.
4. Liên quan phường Đông Hưng Thuận và phòng Văn hóa và Thông tin:
Ông Trần Ngọc Linh, phường Đông Hưng Thuận phản ánh: “Trên tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn từ Công viên phần mềm Quang Trung đến ngã tư Quốc lộ 1A – Nguyễn Văn Quá quán cà phê trá hình mọc lên như nấm. Nó đã tồn tại quá lâu mà không thấy cơ quan chức năng dẹp bỏ”.
Phòng Văn hóa và Thông tin trả lời:
Hàng quý, phòng Văn hóa và Thông tin quận đều có xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ văn hóa dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn quận, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các quán cà phê trá hình toàn địa bàn quận, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A. Qua khảo sát thực tế trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Công viên phần mềm Quang Trung đến ngã tư Quốc lộ 1A – Nguyễn Văn Quá hiện có 15 quán cà phê và 06 tiệm hớt tóc có dấu hiệu nghi vấn tệ nạn xã hội. Phòng Văn hóa và Thông tin đã chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội quận, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội phường thường xuyên tổ chức kiểm tra các quán cà phê và hớt tóc tại khu vực này. Kết quả trong 9 tháng đầu năm, đội, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội của quận, phường đã kiểm tra 61 lượt, tham mưu 29 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tham mưu UBND quận thu hồi 07 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các quán vi phạm tại khu vực nêu trên.
Hiện nay, phòng Văn hóa và Thông tin đang tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý các quán vi phạm theo tinh thần chỉ đạo của UBND quận tại Công văn 3547/UBND-VHTT ngày 21/9/2012.
5. Liên quan phường Đông Hưng Thuận:
Em Nguyễn Hoàng Quân, (email: caocao_latre92@yahoo.com) hỏi: “Em hiện tại là sinh viên thuộc diện được chi trả tiền miễn giảm học phí vì là sinh viên tiếp xúc hóa chất độc hại (ngành công nghệ môi trường). Em có làm đơn miễn giảm tại bộ phận Lao động – Thương binh và Xã hội phường Đông Hưng Thuận nhưng đã 10 tháng nay vẫn chưa nhận được tiền chi trả. Kính mong xem xét giải quyết giúp”.
UBND phường Đông Hưng Thuận trả lời:
Qua rà soát, UBND phường chưa nhận được đơn đề nghị hỗ trợ miễn giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP dành cho sinh viên tiếp xúc hóa chất độc hại của em Nguyễn Hoàng Quân. Nếu em Nguyễn Hoàng Quân thuộc diện miễn, giảm học phí theo Nghị định trên, đề nghị liên hệ UBND phường để được giải quyết.
6. Liên quan phường Thới An và Thanh tra xây dựng quận:
Ông Trần Chánh, (email: thanhminh1975@gmail.com) phản ánh: “Thời gian qua các đoàn kiểm tra của phường 13, quận Gò Vấp thường xuyên kiểm tra việc buôn bán gia cầm sống, trái phép trên cầu Trường Đai phía thuộc phường 13 quận Gò Vấp. Vì vậy cầu Trường Đai phía phường 13 rất sạch đẹp, thông thoáng. Còn phía cầu thuộc phường Thới An, hàng chục người dân vẫn bán bình thường. Tôi có lần chứng kiến đoàn kiểm tra của phường 13, quận Gò Vấp qua tận cầu vượt để truy bắt, vào tận nơi chứa gà vịt bên phường Thới An để tạm giữ gia cầm, sau đó bàn giao lại cho phường Thới An xử lý. Lúc đó có 1 thanh niên la lớn rằng "chung tiền đầy đủ hàng tháng mà vẫn bị bắt hả". Nếu không có sự bao che của phường Thới An thì sao họ nói như vậy, và tại sao phường Thới An lại không làm được việc như quận Gò Vấp đã làm trong thời gian qua”.
UBND phường Thới An trả lời:
Trong thời gian qua để xử lý việc kinh doanh gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm trái phép tại khu vực cầu Trường Đai, UBND Quận 12 và UBND quận Gò Vấp đã xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện giữa hai địa bàn giáp ranh. Thực hiện kế hoạch trên, UBND phường Thới An, phường Tân Thới Hiệp và UBND phường 13 quận Gò Vấp đã xây dựng kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 02/07//2012 về việc phối hợp xử lý điểm nóng kinh doanh gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm trái phép tại địa bàn phường giáp ranh. Qua đó, các đơn vị thường xuyên ra quân phối hợp thực hiện việc kiểm tra và xử lý các điểm kinh doanh gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm tại khu vực cầu Trường Đai.
Bên cạnh đó, Thanh tra xây dựng quận phối hợp các đơn vị có liên quan như: Thanh tra xây dựng phường Thới An, Thanh tra xây dựng phường Tân Thới Hiệp, Đội Quản lý thị trường 12B, Trạm Thú y, Đội Cảnh sát trật tự - cơ động (Công an quận) thường xuyên ra quân, tổ chức kiểm tra xử lý kiên quyết việc buôn bán lấn chiếm trên cầu Trường Đai và trên 7 tuyến đường đã đăng ký với UBND thành phố cũng như 28 điểm nóng trên địa bàn quận.
Việc phản ánh tình trạng bao che cho các trường hợp mua bán gia cầm tại cầu Trường Đai: UBND phường Thới An đã kiểm tra xác minh không có tình trạng bao che đối với các trường hợp mua bán gia cầm và vi phạm trật tự lòng lề đường tại khu vực cầu Trường Đai. Thời gian qua UBND phường phối hợp với các đơn vị UBND phường Tân Thới Hiệp, UBND phường 13 kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm tại khu vực nêu trên.
7. Liên quan phường An Phú Đông:
Ông Trần Hoài Anh, tổ 10, khu phố 1, phường An Phú Đông phản ánh: “Tại hẻm vào tổ 10, khu phố 1, phường An Phú Đông có công ty tư nhân Mai Linh thường xuyên để nước chảy ra đường hẻm kèm theo hóa chất. Đề nghị chính quyền có biện pháp xử lý”.
UBND phường An Phú Đông trả lời:
UBND phường An Phú Đông đã đến làm việc, kiểm tra công ty sản xuất in bao bì Năng Động (người dân thường gọi là công ty Mai Linh). Tại thời điểm kiểm tra, xác minh thực tế công ty hoạt động có giấy phép đăng ký kinh doanh, có hệ thống xử lý nước thải và trong hoạt động có để nước sinh hoạt (dùng để rửa tay, chân) chảy ra đường hẻm, nước này không có hóa chất. UBND phường An Phú Đông đã yêu cầu công ty Năng Động xây dựng hệ thống thu gom nước, không để nước chảy ra hẻm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Tin: UBND