Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
7
0
8
0
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2011 4:20:00 CH

Gặp gỡ người nông dân trong thời kỳ đổi mới kinh tế

 Những năm gần đây, diện tích đất canh tác trên đầu người có xu hướng giảm mạnh do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sang phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ. Riêng đối với quận 12, sau 14 năm xây dựng và phát triển, quá trình đô thị hóa cũng đang diễn ra một cách mạnh mẽ, thể hiện rõ ở từng con đường, từng khu dân cư. Đứng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành thương mại, dịch vụ, người nông dân “chân lấm tay bùn” ngày nay vẫn không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương và tích cực trong các hoạt động xã hội. Nhân kỷ niệm 14 năm thành lập quận, Bản tin xin giới thiệu một số gương nông dân không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm các mô hình làm ăn hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình và cống hiến cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1952, tại khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, khi phường chuyển lên đô thị hóa, gia đình ông cũng kịp thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế của gia đình, mở ra cơ sở may hàng gia công xuất khẩu và dạy nghề may công nghiệp, từ năm 1998 đến nay, cơ sở ông đã thu nhận đào tạo dạy nghề cho hơn 3.000 lao động tại địa phương và giảm 50% học phí, sau khi học xong đa số lao động được nhận làm tại chỗ, số còn lại được giới thiệu việc làm ở nơi khác khi có nhu cầu. Ban đầu, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn, đến nay cơ bản đã ổn định và từng bước khá hơn, trung bình hàng năm sau khi trừ các khoản gia đình ông tích lũy trên 100 triệu đồng. Ông còn tham gia tổ phó Tổ bảo vệ dân phố, hàng đêm tuần tra canh gác bảo vệ tài sản cho nhân dân...

Ông Phạm Văn Thanh, sinh năm 1959, tại khu phố 1, phường Thới An, vẫn giữ nguyên chất người nông dân, khi phường chuyển lên đô thị hóa, ông nhận thấy nghề nuôi chim cút, thỏ hiện tại của gia đình ông gặp nhiều khó khăn như bệnh dịch cúm và đầu ra của sản phẩm, vì vậy ông quyết định chuyển đổi sang nuôi trăn, với tổng đàn hơn 100 con trăn nái và thịt. Không ngừng học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để đầu tư vào sản xuất và chất lượng, hiện nay thu nhập bình quân của ông khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Ông Mai Thanh Xuân, sinh năm 1971, khu phố 2, phường Thạnh Xuân. Với diện tích 3.000 m2 đất vườn thu nhập không hiệu quả do nguồn nước bị ô nhiễm, gia đình ông chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống kết hợp vườn sinh thái, hàng đêm tổ chức giao lưu văn hóa câu lạc bộ đờn ca tài tử nhằm phục vụ khách đến thưởng thức, thu nhập bình quân hàng năm trên 120 triệu đồng. Ngoài ra ông còn tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên tại khu phố, đóng góp ủng hộ học bổng Lương Định Của giúp các em học sinh nghèo hiếu học tại khu phố hàng năm trị giá 1,5 triệu đồng. Ông được bình xét là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.

Ông Trần Văn Lâu, sinh năm 1947, tại khu phố 5, phường Tân Chánh Hiệp. Là cán bộ hưu trí với trình độ chuyên môn là kỹ sư nông nghiệp, ông xây dựng mô hình trồng hoa lan, cây kiểng điển hình có hiệu quả được nhân rộng ra khắp nơi, từ đó ông được mời tham gia làm báo cáo viên khuyến nông về chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nhiều nông dân trên địa bàn quận. Qua quá trình công tác ông được nhận bằng khen của UBND Thành phố vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông nghiệp, huy chương vì sự phát triển nông nghiệp do Bộ nông nghiệp tặng.

Ông Bùi Văn Phụng, sinh năm 1957, tại khu phố 2, phường An Phú Đông. Là hội viên nông dân, ông luôn tích cực trong phong trào và công tác hội tại khu phố với mô hình trồng hoa lan, cây kiểng các loại, sau đó ông chuyển đổi trồng thêm cây trầu bà chân vịt khoảng 6.000 chậu, đây là loại cây kiểng lá hiện rất thu hút khách hàng trên thị trường. Từ đó, mô hình của ông được Trung tâm khuyến nông Thành phố xây dựng điểm để nhân rộng.

Đó chỉ là một số ít gương nông dân tiêu biểu của quận nhà trong quá trình đô thị hóa, vì trên thực tế, trong những năm qua, người nông dân quận nhà không ngừng học tập, tìm kiếm và thay đổi mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đầu ra của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình “Người nông dân tiêu biểu” đáng để học tập. Dù ở bất cứ cương vị nào, vị trí nào thì người nông dân vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu làm giàu, vươn lên, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 

Tin, ảnh: Nghi Thư

 


Số lượt người xem: 4237    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày