Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
0
6
5
1
4
Tin tức sự kiện 10 Tháng Giêng 2011 3:45:00 CH

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Vấn đề nêu gương

Để xây dựng và thực hành một nền đạo đức mới, Hồ Chí Minh đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng, cũng như cho việc rèn luyện của mỗi người. Đó là:

 

1.         Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.
2.         Xây đi đôi với chống.
3.         Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Người có đạo đức đúng đắn là nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm một cách tự giác, tất cả đều phải thể hiện qua hành động, việc làm cụ thể với những kết quả mang lại thiết thực. Chúng ta phê phán, đấu tranh với những người thích ba hoa, hay “hô khẩu hiệu”, nói một đàng làm một nẻo, nói nhiều làm ít và hay tranh công với đồng chí, đồng nghiệp.
Về nêu gương đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một luận điểm quan trọng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác Hồ yêu cầu mỗi người phải nêu gương về đạo đức: ông bà nêu gương cho cháu, cha mẹ nêu gương cho con, anh chị nêu gương cho em, thủ trưởng nêu gương cho nhân viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng… và chúng ta cũng đã biết việc nêu gương có tác động rất tích cực trong qua trình giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, nhất là ở gia đình và cơ quan.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã mang lại những kết quả tích cực. Song để đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, đòi hỏi tất cả đảng viên trong toàn đảng bộ phấn đấu nhiều hơn nữa, trong đó cán bộ lãnh đạo phải là người đi tiên phong, phải nêu gương cho mọi người. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải xây dựng chương trình rèn luyện, phấn đấu nêu gương của bản thân. Nội dung rèn luyện, phấn đấu phải toàn diện các mặt gắn với cương vị, trách nhiệm công tác được phân công phụ trách.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy tại Kế họach số 16-KH/QU ngày 27/12/2010 thì nội dung rèn luyện của cán bộ lãnh đạo trong năm 2011 là:
1. Về ý thức chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ý thức chấp hành này được thể hiện thông qua việc nghiên cứu nắm chắc các nội dung Chỉ thị, Nghị quyết của cấp ủy đảng cấp trên, các chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Từ đó cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Tuyệt đối không được làm trái. Trường hợp có căn cứ cho rằng văn bản của cấp trên chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì kiến nghị với cơ quan ban hành văn bản điều chỉnh.
2. Về việc thường xuyên học tập bổ sung, nâng cao kiến thức; về tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong thời gian qua, việc học tập của cán bộ đảng viên khá tốt, nhiều đồng chí cố gắng khắc phục khó khăn (về tuổi tác, kinh phí, thời gian…) để tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng; nhiều cán bộ trẻ theo học các chương trình sau đại học. Tuy nhiên vẫn còn một số đồng chí ngại học tập hoặc bằng lòng với kiến thức hiện tại. Ta biết rằng xã hội mỗi ngày một phát triển, yêu cầu công việc ngày càng cao, nếu ta không tiến nghĩa là ta lùi. Việc học tập có nhiều phương cách, nhiều hình thức, trong đó việc tự học là hình thức phổ biến và là phương cách khả dĩ cho nhiều người.
Về tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trước tiên và quan trọng nhất là ta phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành để cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Mọi lời nói về tinh thần trách nhiệm dù có hay đến đâu cũng đều trở nên vô nghĩa nếu như bản thân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, cơ quan đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chính trị.
3. Về tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cách mạng phải có những phẩm chất đạo đức cơ bản, đó là: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. “Cần, kiệm” là phẩm chất của mọi người lao động; “liêm, chính” là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành công vụ; “chí công vô tư” là chuẩn mực của người lãnh đạo, người giữ cán cân công lý, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật. “Cần, kiệm, liêm, chính” có quan hệ chặt chẽ với nhau và với “chí công vô tư”. “Cần, kiệm, liêm, chính” sẽ dẫn đến “chí công vô tư” và ngược lại.
4. Việc nêu gương của bản thân và gia đình về đạo đức, lối sống, tích cực tham gia phong trào hành động cách mạng, các cuộc vận động của địa phương nơi cư trú.
Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận ủy còn yêu cầu các chi bộ, đảng bộ xây dựng kế hoạch thực hiện, chương trình rèn luyện của cán bộ lãnh đạo phải được chi bộ, đảng ủy góp ý và định kỳ 6 tháng, cuối năm cán bộ lãnh đạo phải kiểm điểm trước chi bộ về việc thực hiện các nội dung đã đăng ký trong chương trình rèn luyện.
Chúng ta tin tưởng rằng với sự quyết tâm, sự tự giác, sự nêu gương của tất cả đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn đảng bộ ngày càng đi vào chiều sâu và có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Trần Văn Út- Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy

Số lượt người xem: 4388    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày