Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
8
0
3
9
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2011 4:00:00 CH

An Phú Đông-Thạnh Lộc những ngày cuối tháng tư: Nhân dân đồng loạt nổi dậy giành chính quyền

 Tình hình chiến sự ở Miền Nam Việt Nam vào những ngày giữa tháng tư trở nên quyết liệt và căng thẳng, liên tiếp từ ngày 16/4 – 21/4/1975 ta giải phóng Phan Rang, Phan Thiết và Xuân Lộc (Thị xã Long Khánh ngày nay), đập tan cánh cửa thép phía Đông - Bắc Sài Gòn đây là tuyến phòng thủ quan trọng nhất của Sài Gòn, báo hiệu chính quyền Mỹ – Ngụy sắp đến ngày tận số. Trước tình hình đó nhân dân Sài Gòn nói chung và An Phú Đông –Thạnh Lộc nói riêng đã chớp lấy thời cơ đồng loạt nổi dậy giành chính quyền với khí thế rạo rực, nhanh, mạnh như nước vỡ bờ.

 Tại ngã 3 chợ đường xã Thạnh Lộc những ngày từ 20-27/4/1975 chiều nào người ta cũng thấy trực thăng địch bay rần rần trên bầu trời, sao đó hạ cánh đổ bộ nhiều quân lính rồi bay mất hút. Dọc bờ sông Sài Gòn từ ngã 3 sông Vàm Thuật đến thị trấn Lái Thiêu, địch tăng cường một trung đoàn thủy quân lục chiến bố trí dọc theo 2 bên bờ sông. Vì vậy lực lượng cách mạng cử 2 đồng chí đến thuyết phục, bọn địch không đồng ý đòi bắn trả. Trung đoàn 316 của ta bắt loa kêu gọi lính ngụy bỏ súng quay về với nhân dân với cách mạng. Nhiều tên giặc ngoan cố bắn trả quyết liệt buộc ta phải nổ súng. Địch hoảng hốt bỏ chạy hàng ngũ rối loạn, nhiều tên vứt bỏ cả quân trang vũ khí trà trộn vào nhà dân lẩn trốn. Bộ đội và du kích của ta cùng phối hợp tiếp quản toàn bộ các căn cứ và thu gom vũ khí, khí tài của địch .
Lúc bấy giờ các xã An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân, Tân Thới Hiệp thuộc chi khu 1 do Quận ủy Gò Vấp trực tiếp chỉ đạo, quân và dân An Phú Đông – Thạnh Lộc cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh để nhanh chóng đánh tan chế độ Sài Gòn, thống nhất đất nước. Ngày 21/4 Quận ủy Gò Vấp mở hội nghị triển khai thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh, thành lập Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Lê Trung Nghĩa làm Chính ủy. Chỉ huy sở đặt tại ấp 5 xã Quới Xuân (sau này thuộc xã Thạnh Lộc rồi tách ra trở thành phường Thạnh Xuân).
Cùng lúc này, ngày 26/4/1975 chung quanh sào huyệt của Mỹ ngụy từ các hướng đã khép kín vòng vây. Cuộc tổng tiến công vào các tuyến phòng thủ ngoại vi bắt đầu. Quân ta áp sát Sài Gòn và chuẩn bị tiến vào nội đô. 5g sáng ngày 29/4/1975 hỏa tiễn của ta bắn tấp nập vào sân bay Tân Sơn Nhất, các quân đoàn chủ lực cũng ào ạt tiến công quân địch. Lực lượng vũ trang của các quận huyện cùng với lực lượng quần chúng ở các xã thuộc quận Gò Vấp (lúc bấy giờ Gò Vấp gồm các xã An Phú Đông, Thạnh Lộc, Nhị Bình, Tân Thới Hiệp, An Nhơn ,Thông Tây Hội …) cùng nổi lên giành chính quyền .
Tại xã Quới Xuân lực lượng du kích và nhân dân đã đồng loạt nổ súng, tề ấp dân vệ và phòng vệ dân sự không dám chống cự phải giao súng và tài liệu cho Cách mạng, tất cả binh lính và sĩ quan ngụy đều đầu hàng. Sáng 29/4/1975 xã Quới Xuân được giải phóng hoàn toàn. Sau đó người ta thấy hàng ngàn binh lính ngụy từ các nơi tan rã chạy khắp các đường phố và ngõ hẻm trong xã. Sau đó lực lượng Cách Mạng đã tập hợp họ để giáo dục chính sách của Mặt Trận và cho họ về lại với gia đình, cũng trong ngày hôm đó UBND Cách Mạng lâm thời của xã Quới Xuân đã ra mắt nhân dân .
Tại xã An Phú Đông, Thạnh Lộc đêm 29/4 Trung đoàn 115 cùng bộ đội đã tấn công đồn cầu Bình Phước, địch tăng cường một tiểu đoàn cùng với lính đánh bộ và đánh thủy ngoan cố chống trả nhưng với quyết tâm đánh chiếm mở đường cho quân ta vào thành phố, lực lượng của trung đoàn và bộ đội địa phương đã chiến đấu dũng cảm đến 7g30 lực lượng của ta đã hạ được các đồn nhỏ gần cầu ga và chiếm giữ cầu Bình Phước, tiếp đến ta tiến đánh các đồn nhỏ dọc theo quốc lộ thuộc địa phận An Phú Đông. Đúng 8 giờ ngày 30/4 các lực lượng du kích của các xã An Phú Đông và Thạnh Lộc phối hợp với 1 đại đội của trung đoàn 316 bắn đạn B40 vào đồn Cầu Ga và đồn An Phú Đông trên xa lộ Đại Hàn.                                                               
Địch hoảng hốt bỏ chạy, lực lượng Cách Mạng kéo cờ Mặt trận Giải phóng hướng về ấp 4 cùng với quần chúng nổi dậy như nước vỡ bờ tiến lên giải phóng các xã Thạnh Lộc, Quới Xuân, An Phú Đông, Tân Thới Hiệp…
 11g30 ngày 30/4/1975 Đài phát thanh Sài Gòn cho phát thanh cuốn băng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đồng chí Nguyễn Thanh Cao chỉ huy lực lượng du kích quyết định cùng với hơn 400 đồng bào hân hoan đón mừng chiến thắng.
Từ lâu ta đã xác định được An Phú Đông, Thạnh Lộc là cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn nối Sài Gòn với Các tỉnh Đông Nam Bộ. Mặt khác nơi đây các trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn không quá 7 km nên vùng đất nơi đây đã trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa các lực lượng của ta và địch, mặc dù địch được trang bị nhiều vũ khí tối tân hiện đại nhưng thắng lợi cuối cùng đã thuộc về ta. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của sức mạnh liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã liên tục chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì sự trường tồn của nước nhà. Chính vì lẽ đó An Phú Đông, Thạnh Lộc –Vườn Cau Đỏ một chiến khu ra đời sớm ở Nam Bộ và đứng vững suốt 2 kỳ kháng chiến cho đến ngày chiến thắng cuối cùng, đất nước sạch bóng quân thù hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội phồn vinh.
 
 
Tin, ảnh: Anh Tuấn

Số lượt người xem: 4329    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày