Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
7
5
5
8
1
Tin tức sự kiện 15 Tháng Mười Một 2011 3:10:00 CH

Ánh sáng của cặp vợ chồng người Thầy khiếm thị...

Anh Nguyễn Văn Phong ở phường Tân Thới Hiệp, với số phận không may khi anh lên 3 tuổi, di chứng của một lần lên ban sởi đã lấy đi ánh sáng đôi mắt của anh và đến 6 tuổi thì anh bị mù vĩnh viễn. Kể từ đây, cuộc đời anh tưởng như chìm trong những khoảng tối. Ấy vậy mà anh đã nổ lực vượt lên chính mình, cố gắng học tập và trở thành thầy giáo dạy nhạc để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, một vợ khiếm thị và 2 con nhỏ.
 Anh kể: “Lúc đó, tôi chẳng có ý niệm gì về sự thiệt thòi của mình. Chỉ đến khi thấy bạn bè cùng tuổi được đi học, tôi xin ngoại cho đi học thì ngoại bảo tôi rằng “Con bị mù làm sao đi học được, với lại ngoại không có tiền”. Khi ấy, tôi mới biết mình thuộc về thế giới hoàn toàn khác…”. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, một mình mẹ Phong phải nuôi 4 anh chị em trong khi bố đã bỏ đi nên mẹ gửi anh sang Ngoại. Ngoại tuổi già không làm gì ra tiền nên hai bà cháu dắt díu nhau đi ăn xin, sống nhờ vào sự ban phát, bố thí của mọi người, rồi chuyển sang nghề bán vé số dạo. Một ngày tình cờ của lần sinh nhật thứ 16, anh Phong gặp một phụ nữ là bà chủ của nhà hàng Lê Lai. Anh không nhớ tên bà nhưng nhờ người phụ nữ tốt bụng này mà cuộc đời anh bước sang một trang mới. Bà đã tài trợ cho 4 anh em ăn học trong 5 năm liền, tạo điều kiện cho anh đi học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Ở môi trường mới này, anh Phong đã được đến với niềm đam mê âm nhạc.
 Ít lâu sau, anh được giới thiệu vào học tại Nhạc viện TP.HCM, khoa Piano dành cho người khiếm thị. Âm nhạc đã giúp anh tìm được chính mình và con đường “sáng” cho tương lai, bỏ lại ký ức về tuổi thơ “chìm trong bóng tối”. Anh tham gia rất nhiều các hoạt động của Hội người mù cấp thành phố và quận huyện và dạy âm nhạc cho các em khiếm thi ở khắp nơi trong thành phố và tỉnh Bình Dương. Trong một lần dạy chữ Braille cho Trung tâm OSEDC, quận 12, anh gặp chị. Chị Thủy kém anh một tuổi và cũng bị mù từ lúc lên 3. Cô học trò thầm yêu thầy giáo của mình qua những buổi học. Tình cảm ấy nảy nở giữa họ một cách tự nhiên và giản đơn. Biết được tình cảm của chị Thủy, anh Phong đã “thách thức” chị: “Cứ học giỏi đi thì sẽ lấy làm vợ!”.
Ngày 20/11/2005, đám cưới đơn sơ của họ được tổ chức trong niềm vui của hai bên gia đình và bè bạn; từ đó anh Phong về chung sống chung với gia đình bên vợ ở khu phố 3C phường Thạnh Lộc. Giờ đây, tổ ấm của anh chị càng hạnh phúc hơn với tiếng cười đùa của những đứa trẻ khỏe mạnh và xinh xắn. Nhìn ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp, cách anh chị chăm sóc con cái khó ai tin rằng họ là những người khiếm thị. Mặc dù cuộc sống còn bộn bề những khó khăn, chất chồng những thiếu thốn, nhưng họ luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai. Bởi có một điều mà người thầy khiếm thị này tin chắc rằng: hai thiên thần bé nhỏ của họ sẽ không có “những khoảng tối” như bố mẹ của chúng.

                                                                            Bài, ảnh:   Anh Tuấn


Số lượt người xem: 3747    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày