Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
1
3
7
4
Tin tức sự kiện 30 Tháng Ba 2012 3:05:00 CH

Nhân dân Gò Môn góp phần phá tan kế hoạch chiến tranh đặt biệt - chiến thanh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - Ngụy

 

Tháng 5/1961, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định sát nhập Hóc Môn, Gò Vấp thành quận Gò Môn, nay là bốn quận, huyện: Gò Vấp, 12, Hóc Môn, Củ Chi. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những chiến công của quân và dân Gò Môn đã góp phần phá tan chiến lược chiến tranh đặt biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Đế quốc Mỹ và làm tiêu hao sinh lực địch ở cửa ngõ Tây Bắc trong đại thắng mùa xuân 1975. Đến nay những chiến công của quân và dân Gò Môn trong giai đoạn từ 1961- 1975 vẫn sống mãi như một nhân chứng lịch sử trong lòng mọi người.
Năm 1962 địch thành lập ấp chiến lược ở vùng nông thôn các quận Gò Môn bằng các thủ đoạn khoanh và gom dân vào ấp chiến lược xung quanh các đồn bót. Nếu ai chống lại thì chúng dỡ nhà đánh đập bắn phá, cày ủi cây trái vườn tược. Trước cuộc sống ngẹt thở trong các nhà tù, nhân dân Gò Môn đứng lên đấu tranh chống “Quốc sách ấp chiến lược của địch”. Cuộc đấu tranh rất quyết liệt với nhiều hình thức, từ lực lượng tại chỗ kết hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài nhân dân đã đứng lên diệt ác phá kiềm giành quyền làm chủ.
Tại xã Xuân Thới Thượng, Tân Xuân và cùng các xã khác, ta vận động nhân dân kết hợp cùng với lực lượng vũ trang, lực lượng du kích địa phương đồng loạt nổi dậy cắt dây kẽm gai nhổ hết các cọc sắt thép đem đi cất giấu và rải truyền đơn kết hợp tước vũ khí bọn dân vệ và tiêu diệt bọn ác ôn ngoan cố. Cùng với phong trào phá ấp chiến lược phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở các xã như: Tân Thới Nhất, Xuân Thới Thượng, Đông Thạnh, Trung Mỹ Tây, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình …
Theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Quận ủy Gò Môn quyết định chuyển hướng phát triển mạnh các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân. Nhờ tổ chức bí mật và nửa bí mật nên phong trào vũ trang tuyên truyền kết hợp với binh vận, biệt động đánh địch tại Quận lỵ và giành được nhiều thắng lợi quan trọng.
Cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược tại các xã thuộc quận Gò Môn đã diễn ra hết sức quyết liệt từ năm 1962 -1965 tại các xã Nhị Bình, Thạnh Lộc và An Phú Đông. Trong đó đáng ghi nhớ nhất là trận đánh do đồng chí Ban, chỉ huy trưởng tổ chức đã thu được nhiều chiến lợi phẩm như: 2 súng đại liên, 4 súng trung liên, 4 súng M79, 8 súng trường và tự động, 2 súng cabin và nhiều quân nhu quân cụ khác.
Lúc này Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn bất lực nên chính quyền Mỹ đã cử tên đại sứ Cabotlot đến Sài Gòn bật đèn xanh cho các tướng lĩnh của quân đội ngụy do Dương Văn Minh cầm đầu lật đổ Ngô Đình Diệm nhưng chỉ được mấy tháng sau Nguyễn Khánh lại lật đổ Dương Văn Minh, chính phủ bù nhìn Sài Gòn liên tiếp rơi vào khủng hoảng suy sụp. Cuộc Chiến tranh đặc biệt và kế hoạch Stalay-Taylor của đế quốc Mỹ đã bị thất bại.
Thất bại trong Chiến tranh Đặc biệt Tổng Thống Mỹ Giônxơn chuyển sang chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam. Để đối phó với địch, khu ủy Sài Gòn Gia Định triệu tập hội nghị cán bộ nhằm đánh giá tình hình mọi mặt trên chiến trường và đưa ra một số quyết định thành lập các tiểu đoàn quyết thắng, tiểu đoàn Gò Môn, tiểu đoàn Dĩ An, v.v…Năm 1965 Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập quân khu Gò Môn. Ngoài các lực lượng vũ trang của Gò Môn, quân khu còn thành lập thêm hai đơn vị biệt động 67A và 68B chuyên hoạt động đánh phá các đồn bốt của địch tại Gò Vấp và Hóc Môn. Quân khu Gò Môn lúc bấy giờ chỉ có xã Bình Mỹ là xã an toàn nhất, xây dựng được các đoàn thể nông dân giải phóng, phụ nữ giải phóng, thanh niên giải phóng… được hoàn chỉnh và có hệ thống liên lạc với cấp trên trong phân khu. Các xã khác hệ thống đoàn thể được tổ chức theo từng tuyến rồi chia thành hai hệ thống là hệ thống công khai và hệ thống bí mật, chọn những người có tinh thần chiến đấu gan dạ biết sử dụng vũ khí, nắm chắc tình hình địch tại địa phương phối hợp với du kích để đánh địch. Do vậy mà các chi đoàn, đoàn thể giải phóng ngày càng được mở rộng đóng vai trò nòng cốt trong cuộc đấu tranh công khai và bí mật.
 Trước làn sóng đấu tranh như vũ bão của nhân dân Miền nam nói chung và nhân dân Gò Môn nói riêng đã làm kế hoạch chiến lược Chiến tranh Cục bộ của Mỹ bị phá sản, đế quốc Mỹ và ngụy quyền chuyển sang thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, đó là một cuộc chiến tranh thâm độc và ác liệt nhất của Mỹ - Ngụy với âm mưu dùng người Việt đánh người Việt và hiện đại hóa quân đội Sài Gòn nhằm thay thế dần quân đội Mỹ ở Việt Nam. Kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Nicxon là một kế hoạch toàn diện về quân sự chính trị, kinh tế, với hy vọng giảm quân Mỹ và vực dậy quân Ngụy mạnh lên về mọi mặt.
Trước tình hình trên, Ban chấp hành Phân khu quyết định chia Gò Môn thành 4 quận nhỏ, gồm: quận Gò Vấp, quận Đông Môn, quận Tây Môn, quận Nam Chi; từ đó đưa tất cả các lực lượng về bám trụ từng địa bàn, mốc nối cơ sở trong lòng địch, phối hợp cùng lực lượng bên trong và bên ngoài, kết hợp 3 mũi giáp công “chính trị, binh vận và vũ trang để diệt ác phá kiềm đánh phá mỹ ngụy đưa phong trào cách mạng của Gò Môn chuyển biến đi lên mạnh mẽ.
 Lúc bấy giờ quân ngụy chọn An Phú Đông, Thạnh Lộc để thực hiện kế hoạch “bình định trọng điểm” và “phòng ngự chiều sâu” bằng cách gom dân vào các khu tập trung, đồng thời tăng cường kiểm soát quân sự, bổ sung lực lượng phòng vệ dân sự tại các phường xã, do vậy mà phong trào đấu tranh của ta gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 1969 xã Thạnh Lộc có 1 trung đội du kích thoát ly cùng với tiểu đoàn quyết thắng tấn công kho xăng địch ở Gò Vấp, trung đoàn 268 phối hợp cùng dân quân địa phương đào hơn 50 hầm trú ẩn và cất giấu nhiều đạn dược súng cối tại xã Xuân Thới Sơn…
 Tháng 5/1972 tình hình chiến trường ở Gò Môn dần ổn định và có lợi cho ta, tại các xã Đông Thạnh, Nhị Bình, Thạnh Lộc, An Phú Đông phong trào quần chúng đòi về vườn đất cũ ngày càng mạnh. Từ tháng 9/1972 đến tháng 1/1973, sau khi chiến dịch Nguyễn Huệ thắng lợi, quân khu Sài Gòn - Gia Định đã giải tỏa được áp lực làm chủ đoạn dài tỉnh lộ 14 từ Trung ương cục về căn cứ Củ Chi, làm chủ trên sông Sài Gòn đoạn từ An Phú Đông đến Bến Cát, Trảng Bàng, tại căn cứ Củ Chi ta phá tan nhiều ấp chiến lược nới rộng vùng giải phóng từ Nam Chi xuống tận Phú Hòa Đông.
Để ngăn chặn sự tiến công mạnh như vũ bão của quân và dân Gò Môn, tại trung tâm huấn luyện Quang Trung, địch tăng quân số lên hơn 16.000 quân, đồng thời gia tăng bộ máy kềm kẹp ở các quận và xã bằng cách bố trí nhiều lực lượng cảnh sát và quân cảnh lùng sục khắp nơi. Trước tình hình đó Quận ủy xác định phong trào cách mạng quận đang gặp khó khăn tạm thời, do vậy ta phải hết sức linh hoạt tìm thời cơ hoạt động đánh địch để rồi sau đó liên tục giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mặc dù bị tổn thất nặng, nhiều đồng chí hy sinh, nhà cửa vườn tược bị phá sạch trơ trụi; nhưng chỉ một thời gian ngắn từ tết Mậu Thân đến đầu năm 1973 các cơ sở cách mạng của ta đã khôi phục, một mặt lãnh đạo quần chúng đấu tranh một mặt kêu gọi dân chúng trở về ruộng vườn khôi phục sản xuất tiếp tế lương thực cho bộ đội, du kích, đồng thời đẩy mạnh công tác diệt ác phá kiềm, hỗ trợ quần chúng giành quyền làm chủ, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, phục hồi mọi mặt chủ động tấn công địch, mở rộng chiến trường góp phần cùng quân dân miền Nam, phá tan kế hoạch chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Pari rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Miền nam Việt Nam, tạo đà cho những chiến thắng tiếp theo góp phần làm nên thắng lợi to lớn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.
 Như vậy, kể từ khi quận Gò Môn được thành lập cho tới khi hiệp định Pari ký kết, quân dân Gò Môn đã kiên cường đấu tranh bằng mọi hình thức và đã giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, góp phần đánh bại 3 cuộc chiến tranh: “Chiến tranh Đặc biệt”, “Chiến tranh Cục bộ” và “ Việt Nam Chiến tranh” của đế quốc Mỹ, với 3 đời tổng thống đó là: Lydon JohnSon, Jon Kennedy và Richard Nixon phải nếm mùi thất bại cay đắng tại chiến trường Việt Nam, thắng lợi của quân dân Gò Môn là thắng lợi chung của quân và dân Miền Nam đã kiên cường đấu tranh vì độc lập tự do dân tộc dưới ngọn cờ vẽ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó khẳng định chân lý: “Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu biết đoàn kết chiến đấu cho độc lập tự do thì dân tộc đó sẽ giành được thắng lợi vẻ vang”.
Bài và ảnh: Anh Tuấn
(Lượt theo sách Lịch sử Đảng bộ huyện Hóc môn)

Số lượt người xem: 3672    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày