Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
8
3
8
6
4
Tin tức sự kiện 01 Tháng Tư 2012 2:00:00 CH

Công tác hậu cần trong chiến dịch Hồ Chí Minh

 

 
    
Ngày 30/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những đóng góp cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, đó là đảm bảo tốt công tác hậu cần.
Thực hiện quyết tâm của Đảng, quân và dân ta trên mọi miền đất nước đã tưng bừng và sục sôi khí thế ra trận với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, chỉ trong thời gian ngắn, công tác hậu cần khẩn trương chuẩn bị toàn diện từ con người tới phương tiện, vũ khí, giao thông vận tải, cứu chữa thương bệnh binh… với một khối lượng rất lớn, bảo đảm cho quân ta vừa chiến đấu tại chỗ, giữ vững các vùng giải phóng, vừa bảo đảm hành quân cơ động tác chiến trên khắp các chiến trường. Ta đã tập trung lực lượng vận tải quân sự gồm 12.000 người, bằng 80% lực lượng hậu cần chiến dịch, 6.300 xe vận tải của Bộ tự lệnh bộ đội Trường Sơn và 2.100 xe của Tổng cục hậu cần và hàng ngàn xe vận tải lớn của Nhà nước gồm trên 1.000 xe ô tô các loại, 32 tàu biển, 5.000 tấn phương tiện, 130 toa xe lửa và hàng trăm máy bay vận tải được huy động ngày đêm, đưa người và vũ khí, hậu cần cho chiến dịch. Đặc biệt tuyến chi viện chiến lược bộ đội Trường Sơn - đoàn 559 đã đưa vào miền Nam 115.000 quân và 90.000 tấn hàng, trong đó có 37 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu. Riêng trong 10 ngày, từ 15 đến 26/4/1975, hậu cần chiến lược đã khai thác, vận chuyển được 24.000 tấn vũ khí, 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, 1.000 tấn thuốc, 1.000 tấn xăng dầu, tổ chức 5 trạm trung tu, 10 trạm sửa chữa pháo và xe tăng, phục vụ cơ động cho chiến dịch.
Trên chiến trường Nam bộ, với phương tiện hậu cần tại chỗ, ta huy động các nguồn nhân tài, vật lực ở hậu phương giải phóng kết hợp với sử dụng vũ khí phương tiện thu được của địch đánh địch phục vụ chiến dịch. Trong vòng nửa tháng, ta củng cố, mở rộng tuyến đường chiến dịch trên các hướng với tổng chiều dài 1.700km, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với trên 10.000 giường bệnh để phục vụ bộ đội chiến đấu. Hậu cần miền Nam đã huy động lực lượng vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch và tập trung sửa chữa, mở đường, bắc cầu, ưu tiên cho những tuyến đường trọng yếu cho các binh đoàn chủ lực tiến công cơ động, nhanh chóng, kịp thời, tạo một thế trận hậu cần liên hoàn, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến dịch.
Công tác hậu cần trong chiến dịch Hồ Chí Minh mãi là bản anh hùng ca chói lọi trong trang sử truyền thống của ngành hậu cần quân đội và xứng đáng với lời khen của Bác Hồ chúng ta “Hậu nhưng rất Cần”.
Bài và ảnh: Nghi Thư

Số lượt người xem: 5180    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày