Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
9
6
9
8
9
Tin tức sự kiện 01 Tháng Tư 2012 2:30:00 CH

Sự thay da đổi thịt ở vùng căn cứ kháng chiến

 

    
Chiến khu An Phú Đông và Căn cứ Vườn Cau Đỏ là chiến khu kháng chiến liên hoàn. Suốt 9 năm chống Pháp và hơn 20 năm chống Mỹ căn cứ Vườn cau đỏ là nơi che giấu cán bộ, xây dựng lực lượng cách mạng và còn là nơi dừng chân, trú quân của các đơn vị chủ lực như Trung đoàn 115 Hỏa tiễn Đặc công Miền, Trung đoàn Gia Định, bộ đội Gò Môn… Trong những năm tháng chiến tranh các thế hệ cha anh nơi đây đã nối tiếp nhau đi theo cách mạng, lập nhiều chiến công trên quê hương mình, góp phần to lớn của nhân dân nơi đây trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân ở An phú Đông đã phát huy truyền thống cách mạng cùng nhau chung sức xây dựng lại quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh. Để ghi nhận quá trình lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Phú Đông qua 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, ghi nhớ công lao của đồng bào, đồng chí đã dũng cảm chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vào năm 1996 Đảng bộ và nhân dân xã An Phú Đông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cộng với sự kiện xã An Phú Đông, một xã nông thôn chuyển thành một phường đô thị vào ngày 01/4/1997 đây chính là cột mốc quan trọng mang tính lịch sử của địa phương, là niềm vui niềm cổ vũ động viên lớn lao, là động lực thúc đẩy cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phường tích cực phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh để xứng tầm với một phường đô thị.
Thật vậy, An Phú Đông là một trong 3 phường ven sông Sài Gòn với địa hình có nhiều sông ngòi chằn chịt, đây là những khó khăn thách thức cho chính quyền phường, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế phường luôn đối phó với các đợt triều cường, đó là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường An Phú Đông không ngừng phát huy truyền thống Chiến khu An Phú Đông, truyền thống cách mạng quê hương 18 thôn vườn trầu tập trung nhiều giải pháp và định hướng phát triển quyết tâm xây dựng phường phát triển theo sự phát triển chung của Quận 12. Hiện nay phường xác định cơ cấu kinh tế chuyển dịch đồng bộ trên cả 3 mặt “Nông nghiệp đô thị - Dịch vụ - Tiểu thủ công nghiệp”, nâng tỷ trọng dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất để giải quyết lao động hiện có trên địa bàn phường, mời gọi đầu tư phát triển các khu chợ, thương mại dịch vụ. Hiện có 839 cơ sở doanh nghiệp, kinh doanh các ngành nghề thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, trong 5 năm trở lại đây, đã phát triển thêm 352 cơ sở doanh nghiệp; trong đó tăng 146 doanh nghiệp (tương đương tăng 43,8%), thu hút trên 10.000 lao động trong và ngoài địa phương.
Để đáp ứng kịp thời sự phát triển của nền kinh tế, An Phú Đông cũng đặc biệt ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, các tuyến đường giao thông từ thôn làng, ngõ xóm được xây dựng khang trang, hệ thống trường học, trạm y tế cũng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân… Nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã được bà con chọn trồng trên mảnh đất đã bị bom cày, đạn xới ngày nào, ngoài cây lài, ngâu là chủ lực thì các loại cây trồng khác cũng được thâm canh. Nhưng thực tế cho thấy, do ảnh hưởng nguồn nước nên hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lài, ngâu không cao. Toàn bộ diện tích trồng lài, này đã được chuyển sang trồng mai, kiểng và rau màu, cây an trái nổi tiếng bưởi đường, bưởi da xanh, các loại cây xanh phục vụ đô thị, cá kiểng… qua đó đã nổi lên nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng như hộ ông Nguyễn Văn Bay, hộ ông Phạm Ngọc Xuân, hộ ông Dương Văn Thanh, hộ ông Huỳnh Văn Tám góp phần đưa kinh tế của An phú Đông ngày càng phát triển… Kinh tế ổn định và phát triển, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn, người dân tích cực tham gia tốt các phong trào của địa phương, gần 98% số hộ dân của phường đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% hộ dân có điện sử dụng; gia đình nào cũng có phương tiện nghe, nhìn, đi lại; con cái được học hành người lao động có công ăn việc làm ngay tại địa phương.
Điều đáng nói nơi đây là công tác làm đường giao thông và hệ thống đê bao. Cụ thể có: 19 công trình phòng chống lụt bão: Dự án bờ hữu sông Sài Gòn; 15 tuyến đê bao thiết kế định hình bê tông tường chắn và đắp đất, 03 tuyến đê bao kết hợp giao thông (Võ Đông Nhì, Rạch Gia khu phố 1 và khu phố 2), việc đầu tư các công trình có hiệu quả tích cực giải quyết triệt để tình trạng ngập úng thường xuyên trong nhân dân. Ngoài ra, hàng năm còn có nhiều công trình gia cố cấp bách khác kinh phí trên 5 tỷ đồng; có 18 tuyến đường được nâng cấp mở rộng như nâng cấp mở rộng như đường Xuyên Á; đường APĐ 11 (Cây xăng Thái Lan); đường APĐ27 (Khánh An), đường Vườn Lài; đường APĐ 01; đường APĐ 03; đường QL1A đến đường bà Đương; đường QL1A đến cầu bà Đương; 10 công trình đường giao thông: đường đê bao rạch cầu Kinh, đường T15, đường APĐ 10, đường APĐ12, đường vào cầu Chợ, đường APĐ01 (Vườn Lài đến APĐ09), đường Vườn Lài nối dài… với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng, nhân dân hiến hơn 14.270m2 đất trị giá hơn 21 tỷ đồng. Thực hiện theo Nghị quyết của Đảng ủy phường, phường đã thực hiện được 28.723m đường giao thông theo phương thức xã hội hóa do người dân đóng góp 100% kinh phí, với tổng kinh phí là 12,7 tỷ đồng. Trên địa bàn phường còn có các công trình dân dụng khác như xây dựng mới trụ sở UBND phường, trường mầm non An Phú Đông; công trình Trường THCS An Phú Đông. Hiện có 01 trường đại học Nguyễn Tất Thành quy mô đào tạo 10.000 sinh viên đã khởi công xây dựng trên địa bàn... tất cả tạo nên diện mạo mới cho phường An Phú Đông.
Song song đó, công tác chăm lo diện chính sách và giảm nghèo tăng hộ khá, thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, trong 15 năm qua, Đảng ủy - UBND phường chăm lo chu đáo cho các gia đình diện chính sách; đã xây dựng 19 căn nhà tình nghĩa số tiền 395.5 triệu đồng, 102 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, ngoài ra còn sửa chữa chống dột 82 căn nhà số tiền 450 triệu đồng; giới thiệu giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động, học nghề miễn phí 182 người đạt và vượt chỉ tiêu được giao hàng năm.
Phường còn vinh dự có 3 cơ sở được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố: Chùa Khánh An, chùa Tường Quang và Đình Hanh Phú. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng có ý nghĩa giáo dục truyền thống Cách mạng của quê hương Chiến khu An Phú Đông như Nhà Truyền thống chiến khu An Phú Đông, Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ. Nhiều phong trào hành động thiết thực đã tạo sức mạnh tổng hợp trong nhân dân như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Vì người nghèo”, “xã hội hóa đường giao thông”; hoạt động chăm lo diện chính sách và dân nghèo, tặng học bổng, nhiều mô hình Câu lạc bộ, đội nhóm được hình thành thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng, kết quả ngày càng được nâng cao rõ rệt qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Biết phát huy truyền thống, phát huy sức mạnh của nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã giúp cho An Phú Đông thay da đổi thịt, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đưa địa phương phát triển ngang tầm với truyền thống vẻ vang của vùng đất từng là căn cứ cách mạng…

 

Bài và ảnh: Xuân Thu


Số lượt người xem: 4624    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày