Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
4
2
4
0
3
Tin tức sự kiện 30 Tháng Ba 2012 3:20:00 CH

Tinh thần của quân và dân Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975

     Với mọi chuẩn bị từ trước, khi đại quân ta tiến vào Sài Gòn, cơ sở cách mạng và quần chúng lao động nội thành kịp thời nổi dậy chiếm lĩnh, làm chủ và bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị văn hoá quan trọng, bảo đảm mọi sinh hoạt bình thường của một thành phố mới giải phóng.

     Ở Quận 3, tại phường cư xá Đô Thành, lúc 12 giờ ngày 30/4/1975, khi lực lượng vũ trang ta tiến công Quận 3, anh Tư và anh Công, người địa phương cùng một cán bộ biệt động của Lữ đoàn 316 dùng loa hô hào nhân dân nổi dậy giành chính quyền, kêu gọi sĩ quan và binh lính ngụy nộp vũ khí đầu hàng. Ngay chiều 30/4/1975, hàng trăm đồng bào xin nhận công tác theo yêu cầu của cách mạng, hàng trăm người khác tự động ra đường thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Đồng bào treo đầy cờ giải phóng trước nhà riêng, công sở và tự nguyện đóng góp cấp thời lương thực thực phẩm cho bộ đội.

     Tại phường Bàn Cờ Quận 3, các đồng chí cơ sở mật của ta như chị Bảy, anh Châu, anh Ba Đông phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, chiếm giữ các kho tàng của địch, giữ gìn trật tự, an ninh, làm vệ sinh đường phố. Đồng bào thu gom được 3.000 súng các loại đem nộp cho cách mạng. 16 giờ ngày 30/4/1975, phường Bàn Cờ tổ chức Mít tinh có 13.000 người dự lễ mừng chiến thắng và giới thiệu những người tốt vào chính quyền mới. Đến 17 giờ, thành lập xong các ban phụ trách phường, khóm và tổ chức chuyên việc đăng ký ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện.

Ở hướng xa lộ Biên Hòa, Z27 sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ cầu Rạch Chiếc cho Lữ đoàn 203 đi qua, tiến đánh chiếm nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy ZetCô (nay là Liên hợp Công trình 4) và giữ nhà máy điện Thủ Đức. Nhờ đó, điện ở Thành phố chỉ gián đoạn có vài giờ trong ngày 30 tháng 4.

     Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, sau khi Lữ đoàn xe tăng 203 qua cầu Sài Gòn tiếp tục đánh chiếm các đồn bót địch trên trục lộ 33 đoạn từ ngã ba Bình Trưng đến ngã ba Phú Hữu, cùng cán bộ địa phương phát động quần chúng nổi dậy trừng trị ác ôn, giải phóng hai xã Bình Trưng và Phú Hữu.

Tại nhà máy nước Thủ Đức, từ những ngày 27 và 28/4/1975, nòng cốt công nhân đã lập đội bảo vệ nhà máy. Hàng trăm công nhân và kỹ sư liên tục bám giữ máy, không cho địch phá, bảo đảm cung cấp đầy đủ nước cho thành phố trước và sau khi giải phóng. Ngày 30/4/1975, khi xe ta tiến gần đến, đồng chí Muống, đứng đầu Ủy ban khởi nghĩa nhà máy, lãnh đạo công nhân tung tin mù hù dọa địch và tự mình leo lên nóc nhà máy treo một lá cờ lớn. Địch ở đây rất đông, thường xuyên có một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 đại đội bảo an và ngày 30/4/1975 còn kéo về đây thêm khoảng 40 xe tăng và thiết giáp… nhưng trước thế tiến công như vũ bão của ta và khí thế của công nhân tại chỗ, tất cả địch ở đây phải bỏ chạy.

     Toàn bộ lực lượng địch ở Thủ Đức tan rã. Quần chúng xông vào chiếm giữ các căn cứ quân sự của địch, tiến chiếm trụ sở quận. Toàn bộ ngụy quyền quận bỏ chạy.

     Ở nhà máy điện Chợ Quán, ngay lúc địch đang tồn tại và thiết quân luật, công nhân đã thay phiên nhau đi sữa chữa đường dây, ổn định dòng điện. Anh em kêu gọi binh lính ngụy quay về với chính nghĩa, ủng hộ hành động nổi dậy của công nhân.

     Tại xưởng Ba Son, công nhân tháo gỡ hết chất nổ địch gài, bảo vệ nguyên vẹn nhà máy. Ở các hãng Esso, Shell, công nhân thành lập các ủy ban công nhân võ trang bảo vệ kho xăng Nhà Bè. Công nhân các xí nghiệp Vimytes, Sicovina, Vinatexco, Biopharma và hàng loạt xưởng, hãng khác bất chấp cảnh sát, mật vụ đã nổi dậy chiếm xưởng bảo vệ máy móc.

     Các cơ sở cách mạng và quần chúng nổi dậy chiếm lĩnh, cắm cờ trụ sở khóm hai phường Huyện Sĩ, ngã ba Thủ Khoa Huân, đường Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành, cư xá Đô Thành, Ty cảnh sát Quận 3, Sở Văn hoá…

Bài: Anh Tuấn

 


Số lượt người xem: 3522    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày