Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
0
5
5
1
Tin tức sự kiện 20 Tháng Mười Một 2012 9:25:00 SA

Những bông hoa ngát hương trong ngày Nhà giáo Việt Nam

 

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc hai cá nhân hoạt động trong ngành giáo dục, tuy mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ chuyên môn khác nhau nhưng cả hai đều chung một niềm đam mê yêu trẻ và tận tụy với nghề.
Cô Lê Thị Hồng Hà - Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Du: “Viên phấn vàng” tích cực áp dụng các phương pháp dạy học mới.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, sau một thời gian công tác tại Hóc Môn, cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Hà (SN1985) về công tác tại trường Tiểu học Nguyễn Du (Phường Đông Hưng Thuận). Được sự tin tưởng của Ban Giám hiệu nhà trường, sau hơn 3 năm, cô Hà đã ngày càng tự tin hơn khi nhận trách nhiệm dìu dắt các em trong năm học cuối cấp. Và với sức trẻ của mình, cô Hà luôn cố gắng để làm tốt nhiệm vụ của mình và chưa bao giờ cô thấy bằng lòng với kết quả mà mình đã đạt được. Xác định rõ nhiệm vụ nặng nề của mình nên sau khi nhận lớp, bên cạnh việc áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình vào bài giảng, cô Hà còn truyền cho các em một tình yêu thương như chính con em của mình. Biết học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, cô tận tình giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần; học sinh nào yếu kém, cô không ngại giành thêm thời gian để giúp các em hiểu bài; em nào thông minh, chăm học, cô tích cực bồi dưỡng, khuyến khích để các em tự tìm tòi thêm những kiến thức mới. Nhờ vậy mà các học sinh lớp 5 do cô phụ trách đều có tỷ lệ ra lớp đạt 100%.
Đặc biệt, cô Hà luôn là người đi đầu trong việc áp dụng các phương pháp dạy học mới để giúp cho học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, hiểu bài sâu hơn. Tham gia Hội thi Viên phấn vàng năm 2012, cô Hà quyết định sử dụng phương pháp dạy học theo góc để tham gia dự thi. Phương pháp dạy học theo góc là mỗi lớp học được chia ra thành các góc nhỏ, ở mỗi góc nhỏ học sinh có thể lần lượt tìm hiểu nội dung kiến thức từng phần của bài học. Đối với mỗi học sinh đều phải trải qua các góc để có cái nhìn tổng thể về nội dung của bài học, nếu có vướng mắc trong quá trình tìm hiểu nội dung bài học thì học sinh có thể yêu cầu giáo viên giúp đỡ và hướng dẫn. Cô Hà cho biết: “Phương pháp dạy học theo góc sẽ tạo ra môi trường học tập lành mạnh, tích cực hơn cho các em; đặc biệt, phương pháp này sẽ không bắt buộc, gò bó học sinh vào một khuôn khổ nhất định, mà tạo ra cho các em một không khí học tập thoải mái, tự học hỏi, tìm tòi kiến thức của bài học theo cảm hứng thông qua các góc nhỏ. Phương pháp này còn giúp cho học sinh hiểu bài được sâu hơn, tổng quát hơn và nhớ bài lâu hơn”. Cũng chính nhờ sự tự tin khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh trong phần thi của mình cô Hà đã được công nhận danh hiệu “Viên phấn vàng”.
Đánh giá về giáo viên của mình, cô Ngô Hoàng Mỹ Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du đã nhận xét: “Dù thâm niên công tác chưa nhiều, nhưng với tinh thần cầu tiến, cô Hà đã chịu khó học hỏi các đồng nghiệp, nghiên cứu thêm trên các sách báo, tài liệu chuyên ngành, làm đồ dùng dạy học để tiết học thêm sinh động, hấp dẫn. Nhờ vậy mà cô luôn được BGH và các phụ huynh tin tưởng, các em học sinh yêu mến, kính trọng.”
“Bàn tay vàng” Nguyễn Thị Thanh Hương - Cấp dưỡng trường Mầm non Họa Mi 1: Kết hợp niềm đam mê nấu ăn và tình yêu trẻ vào công việc của mình.
Cô cấp dưỡng Nguyễn Thị Thanh Hương làm công việc cấp dưỡng tại trường đã được 4 năm, bắt đầu từ niềm đam mê nấu ăn và lòng yêu trẻ. Rồi công việc ngày càng làm cho cô Hương thích thú hơn nên cô quyết định học thêm để lấy bằng Trung cấp nấu ăn tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm để gắn bó lâu dài với nghề. Công việc cấp dưỡng tưởng như đơn giản nhưng cũng khá vất vả khi bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 4 giờ chiều. Ngoài việc phải đảm bảo thực đơn phong phú, nguyên liệu tươi sống, món ăn đầy đủ chất cho trẻ; các cô cấp dưỡng phải chế biến làm sao cho các món ăn thơm ngon, bắt mắt, kích thích sự thèm ăn của trẻ. Cô cho biết, hôm nào nấu món ăn mới, các cháu ăn nhiều và ăn hết phần thức ăn của mình thì chúng tôi vui lắm. Thậm chí có khi có cả phụ huynh gặp trực tiếp chúng tôi để hỏi cách chế biến món ăn đó để cho trẻ ăn tại nhà, chúng tôi thấy tự hào vô cùng. Những niềm vui nho nhỏ như vậy trong công việc hàng ngày đã khiến chúng tôi ngày càng yêu hơn cái nghề của mình.
Tham gia Hội thi “Bàn tay vàng” năm 2012, cô Hương và cô Võ Thị Kim Cương đã đem đến Hội thi các món như cánh gà chiên phủ mè, bò cuốn khoai môn, sườn sốt chua ngọt, tôm nướng và canh súp. Rất tự tin với các món ăn do mình chuẩn bị, nên dù là năm đầu tiên tham gia “thi thố” với các trường bạn cô Hương và đồng nghiệp của mình cũng không mấy lo lắng. Cô Hương cho biết: “Những món ăn này chúng tôi thường nấu tại trường cho các em vào các dịp tổ chức buffee cuối tuần cho các cháu, thấy các cháu ăn ngon lành và món nào cũng hết veo, chúng tôi vui lắm nên quyết định chọn những món này”. Và sự tự tin đó, trong 17 trường dự thi, cô Hương đã đem về cho trường Mầm non Họa Mi 1 danh hiệu “Bàn tay vàng”. Hàng năm, cứ vào dịp 20/11, nhìn các cô giáo được nhận hoa và nhiều lời chúc từ các em học sinh và các bậc phụ huynh, những người làm nghề cấp dưỡng như cô Hương cũng không khỏi chạnh lòng, nên Hội thi “Bàn tay vàng” là một trong dịp hiếm hoi để những cô cấp dưỡng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau và cũng như là một cách để tôn vinh nghề nghiệp của mình.   
Bài, ảnh: HỒNG LIÊN

Số lượt người xem: 7170    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày