Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
8
2
4
4
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười Một 2013 10:55:00 SA

Ý nghĩa ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nũ (25/11)

Cách đây 28 năm, các nhà hoạt động phụ nữ lấy ngày 25/11 làm ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát vào năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Đây cũng là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Những năm trở lại đây, thực trạng bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều nơi, với mọi đối tượng và gây hậu quả nghiêm trọng tạo ra nỗi bức xúc trong xã hội. Trên toàn quốc cứ 2- 3 ngày có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình. Báo cáo của một số cơ sở y tế cho thấy một tỷ lệ khá lớn bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình khá phổ biến giữa vợ và chồng, tuy nhiên tình trạng con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ hoặc cha mẹ đối xử tàn tệ với con cái cũng khá nhiều. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ như tiếng chuông cảnh báo về sự lan tỏa các hành vi bạo lực vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình.

Các hành vi bạo lực gia đình ngày càng bộc lộ trắng trợn, người có hành vi bạo lực không cần che giấu; và về phía một số nạn nhân cũng dần nhận ra sự sai lầm của mình khi giấu kín sự việc trong thời gian dài trước khi quyết định công khai thông tin, tìm sự hỗ trợ, can thiệp bảo vệ. Như giọt nước làm tràn ly, nỗi bức xúc về bạo lực gia đình ngày càng dâng cao bởi những hành vi phi nhân tính, hậu quả nghiêm trọng, thời gian kéo dài nhiều năm (có vụ việc trên 30 năm nạn nhân chịu đựng các hành vi bạo lực). Xã hội, cộng đồng quan sát, lắng nghe thông tin từ các vụ việc với trạng thái tâm lý vừa thương cảm, pha lẫn phẫn nộ, cả sự chê trách cho cả hai phía người có hành vi bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình. Đồng thời cũng đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm địa phương trong công tác xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên; công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn nhiều cản trở vì những rào cản tâm lý từ phía nạn nhân; nhiều người còn xem bạo lực gia đình là vấn đề riêng của mỗi người, mỗi gia đình; thiếu kiến thức pháp luật nên không hiểu quyền, trách nhiệm và cả việc hạn chế áp dụng pháp luật để can thiệp giải quyết, xử lý đảm bảo quyền con người trong các vụ việc bạo lực gia đình,…Đây là cản trở thực tế cho những bước đầu tiên đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bình đẳng giới đi vào cuộc sống xã hội, thực sự là điểm tựa cho cuộc đấu tranh chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới.

Bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ là những tồn tại xã hội cản trở quá trình phát triển xã hội trong xây dựng, tô đắp các giá trị nhân văn loài người. Chúng ta đấu tranh chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ là mưu cầu tiến bộ của xã hội loài người, mong muốn cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng. Đó là sự nương tựa vào nhau giữa hai giới để mỗi giới đều phát triển tối đa những phẩm chất, năng lực của mình đóng góp cho gia đình và xã hội. Vì vậy; phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động của cộng đồng nhằm tác động thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng, khẳng định các giá trị văn hóa loài người, giảm thiểu, dẫn đến xóa bỏ những mặt hạn chế của xã hội, gạt đi những sạn cát đeo bám vào con tàu hành trình tiến tới tương lai của nhân loại.

Trong cuộc điều tra gần đây, có 21,2% cặp vợ chồng đã kết hôn cho biết đã trãi qua một trong những hình thức bạo lực gia đình như bị đánh, mắng, nhục mạ... Cuộc điều tra cho thấy hành vi bạo lực gia đình vẫn tồn tại ở 1/5 các cặp vợ chồng. Nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ và con cái trong gia đình.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn được coi là vấn đề nội bộ của các gia đình và chưa có sự can thiệp thích đáng của công an hay các đoàn thể xã hội, vì các cặp vợ chồng sợ bị “mất mặt” hay không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Tình trạng bạo lực xuất hiện ở các cặp vợ chồng 31-40 tuổi phổ biến hơn các nhóm tuổi khác. Nguyên nhân được đưa ra là do có thể ở độ tuổi này việc sinh con và chăm sóc con cái làm nảy sinh những bất đồng giữa vợ chồng, từ đó hình thành mâu thuẫn và xuất hiện bạo lực nhiều hơn. Hậu quả của bạo lực gia đình là tâm trạng của người phụ nữ rất căng thẳng và nặng nề.

Bảo vệ và phát huy giá trị quyền con người là một trong những mục tiêu chủ yếu mà Liên Hợp Quốc luôn theo đuổi từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là từ khi thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948. Đây là nền tảng pháp lý để Liên Hợp Quốc và các quốc gia không ngừng nỗ lực trong việc đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người nói chung và quyền bình đẳng nam nữ nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn tồn tại phổ biến ở rất nhiều nơi và được nhìn nhận là một trong những thách thức trọng điểm của thiên niên kỷ. Vì vậy, Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn ngày 18 tháng 12 năm 1979 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3 tháng 9 năm 1981 sau khi quốc gia thứ 20 thông qua được coi là điều ước quốc tế quan trọng nhất và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ.

Có thể xem sự ra đời của Công ước CEDAW là kết quả hơn 30 năm đấu tranh của Uỷ ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW). Uỷ ban được thành lập năm 1946 nhằm giám sát địa vị và nâng cao quyền lợi của phụ nữ. Hoạt động của Uỷ ban đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở những nơi mà phụ nữ chưa được bình quyền như nam giới.

Là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước CEDAW, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia thành viên CEDAW, đó là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới. Trên con đường phấn đấu vì sự nghiệp bình đẳng giới của cả hệ thống chính trị, các đại biểu dân cử có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Là một địa phương đi đầu trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ; Trong bối cảnh đó gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khó khăn, thử thách, kể cả tình trạng bạo lực gia đình - con sóng ngầm phá hoại tế bào xã hội thành phố. Ý thức rõ những nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của gia đình, trong chủ trương chung xây dựng một thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình, các mái ấm gia đình phải thực sự có văn hóa và hạnh phúc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đang được đầu tư nâng cao chất lượng trong tổng thể cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhiều hoạt động hưởng ứng xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực phòng, chống bạo lực gia đình cũng đạt kết quả tốt như mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; hoạt động biểu dương các gương gia đình văn hóa hàng năm tại cơ sở; các hoạt động tuyên truyền giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được thường xuyên tổ chức,v.v…cùng với các thành tựu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh theo tiêu chí “Ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. 

Thực hiện Chỉ thị 16/2008/CT-TTg của Chính phủ về tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Quyết định số 2879/QĐ-BVHTTDL, ngày 27 tháng 6 năm 2008 về việc triển khai mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã có kế hoạch triển khai thực hiện mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại các phường – xã, thị trấn, Quận 12 cũng đã triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả các mô hình này, bước đầu còn nhiều khó khăn do đây là nội dung mới, tuy nhiên một số phường đã rất tích cực trong nghiên cứu hình thành các hạng mục, nội dung hoạt động trong mô hình. Các tổ chức chính trị xã hội và ngành chức năng liên quan  ở các cấp như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Nông dân, Công an, Tư pháp, …đã phối hợp tích cực tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động. Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình ở các phường đã có kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng theo mô hình. Và đây là những khởi động để chuẩn bị cho thực hiện trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình từ đây về sau.

PHÒNG VĂN HÓA-THÔNG TIN(bt)

      

 


Số lượt người xem: 5558    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày