Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
9
4
8
6
4
Tin tức sự kiện 18 Tháng Sáu 2014 3:55:00 CH

Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2014)

 
          •        Con người có nhiều nhu cầu trong đời sống, khi vật chất đầy đủ thì lại có nhu cầu về tinh thần, nền kinh tế phát triển, nền văn minh càng cao thì nhu cầu càng cao, do vậy mà nhiều ngành nghề lần lượt ra đời. Báo chí manh nha từ khi con người phát minh ra chữ viết rồi phát triển thành ngành báo chí.
 
          Từ khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, nền văn minh của nước ta chậm lại gần một thế kỷ. Cho đến năm 1925, sau khi dự đại hội lần thứ V của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc trở về châu Á công tác ở bộ Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Người thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và xuất bản báo Thanh Niên, số đầu tiên phát hành vào ngày 21/6/1925.
 
          Từ hạt giống báo cách mạng là tờ Thanh Niên, nhiều tờ báo của Đảng Cộng Sản được xuất bản bí mật trong nước như tờ Tiến Lên, Cờ Vô Sản, tờ Letravail, Tin Tức, Dân Chúng… Sau Cách Mạng Tháng Tám, tờ báo Cứu Quốc của Mặt Trận Việt Minh, báo Cờ Giải Phóng của Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương được ra công khai tại Hà Nội. Từ năm 1945 - 1954 tại Việt Bắc lần lượt ra đời những tờ báo cách mạng như Sự Thật, Nhân Dân, Tiền Phong, Việt Nam Độc Lập, Phụ Nữ, Văn Nghệ…
 
          Ở miền Nam trong thời chống Mỹ, lần lượt ra nhiều tờ báo như Nhân Dân Miền Nam, Thanh Niên, Phụ Nữ, Chống Xâm Lăng của Ủy Ban kháng chiến Sài Gòn Chợ Lớn.
 
          Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước thống nhất, cả nước xây dựng kinh tế theo hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí được củng cố và phát triển ngày càng mạnh, đài phát thanh từ TW đến tỉnh thành, quận huyện, thông tấn xã, đài truyền hình. Ngoài báo hình, báo viết, báo nói, năm 2006 có thêm báo điện tử. Riêng TP.HCM có hàng trăm báo lớn nhỏ. Đặc biệt sau ngày miền Nam giải phóng, các quận huyện trong TP.HCM lần lượt phát hành bản tin của địa phương mình, đối với huyện, có thêm đài phát thanh.
 
          Chính vì ý nghĩa lịch sử đó, nên ngày 5/2/1985 Ban Bí Thư Trung ương Đảng đã ra quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là ngày Báo Chí Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 21/6 đã trở thành ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam.
 
          Nhìn lại chặng đường đã qua, báo chí nói chung, nhà báo nói riêng đã hoàn thành vai trò trong 2 cuộc kháng chiến, sau hòa bình lại tiếp tục đấu tranh trong mặt trận giáo dục, thuyết phục người dân không xa lạ với cách mạng. Và đấu tranh chống tiêu cực trong xây dựng kinh tế.
 
          Nhân ngày Nhà báo Việt Nam, ôn lại quá trình mà đội ngũ nhà báo đã cống hiến để tự hào tiếp bước trong tình hình nhiệm vụ mới, khó khăn phức tạp nhưng với đội ngũ nhà báo chân chính sẽ phát huy vai trò, năng lực trong sự nghiệp vẻ vang của Báo chí Việt Nam.         
        
                                          Đỗ Hoàng Lân(BT)
 

Số lượt người xem: 3366    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày