Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
1
4
4
1
5
Tin tức sự kiện 04 Tháng Mười Hai 2017 2:30:00 CH

Tìm hiểu về chất thải nguy hại hộ gia đình

1. Điều cần biết về chất thải nguy hại hộ gia đình:

Nhiều người vẫn cho rằng chất thải nguy hại chỉ phát sinh từ hoạt động công nghiệp. Tuy nhiên, đây là quan điểm không đúng. Thực tế có nhiều chất thải phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình (HGĐ) là chất thải nguy hại (CTNH). CTNH HGĐ có thể có một hoặc toàn bộ các đặc tính nguy hại như: cháy nổ, ăn mòn, gây ngộ độc… hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại tới môi trường và sức khoẻ con người.

Một số loại CTNH HGĐ thường gặp:

 

 

 

 

ĐỘC

Vỏ chai thuốc diệt côn trùng, thuốc tẩy, dung dịch tẩy rửa, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột…

DỄ NỔ

Vỏ bình gas, vỏ bình khí nén…

ĂN MÒN

Các loại pin, ắc-qui, dung dịch thông cống, dung dịch rửa bếp...

DỄ CHÁY

Sơn, dung môi, dầu, xăng, chất bắt lửa..

 

2. Nguy cơ từ chất thải nguy hại hộ gia đình

Sử dụng và lưu trữ không đúng sản phẩm chứa các chất nguy hại cũng như thải bỏ không đúng cách CTNH HGĐ đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe và môi trường. Thải bỏ không đúng cách bao gồm: đổ/bỏ vào cống rãnh, đổ ra đất, đổ vào hệ thống thoát nước hoặc thải bỏ cùng với các loại chất thải thông thường.

Một số loại CTNH HGĐ có nguy cơ gây thương tích hoặc nhiễm độc đối với trẻ nhỏ và thú nuôi nếu lưu trữ bừa bãi trong nhà; gây nguy hiểm cho công nhân vệ sinh nếu bị thải bỏ cùng rác thải; làm ô nhiễm bể tự hoại và hệ thống xử lý nước thải nếu tùy tiện đổ vào toilet hoặc cống; nguy cơ rò rỉ chất độc, gây nhiễm độc đất, nguồn nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái…

Tính chất nguy hại

Mô tả

Dễ nổ

Các chất thải ở thể rắn hoặc lỏng mà bản thân chúng có thể nổ do kết quả của phản ứng hoá học (khi tiếp xúc với ngọn lửa, bị va đập hoặc ma sát) hoặc tạo ra các loại khí ở nhiệt độ, áp suất và tốc độ gây thiệt hại cho môi trường xung quanh.

Dễ cháy

- Chất thải lỏng dễ cháy: Các chất thải ở thể lỏng, hỗn hợp chất lỏng hoặc chất lỏng chứa chất rắn hoà tan hoặc lơ lửng, có nhiệt độ chớp cháy thấp theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng CTNH.

- Chất thải rắn dễ cháy: Các chất thải rắn có khả năng tự bốc cháy hoặc phát lửa do bị ma sát trong các điều kiện vận chuyển.

- Chất thải có khả năng tự bốc cháy: Các chất thải rắn hoặc lỏng có thể tự nóng lên trong điều kiện vận chuyển bình thường, hoặc tự nóng lên do tiếp xúc với không khí và có khả năng bốc cháy.

- Chất thải tạo ra khí dễ cháy: Các chất thải khi tiếp xúc với nước có khả năng tự cháy hoặc tạo ra khí dễ cháy.

Oxy hoá

Các chất thải có khả năng nhanh chóng thực hiện phản ứng oxy hoá toả nhiệt mạnh khi tiếp xúc với các chất khác, có thể gây ra hoặc góp phần đốt cháy các chất đó.

Ăn mòn

Các chất thải thông qua phản ứng hoá học gây tổn thương nghiêm trọng các mô sống hoặc phá huỷ các loại vật liệu, hàng hoá và phương tiện vận chuyển. Thông thường đó là các chất hoặc hỗn hợp các chất có tính axit mạnh hoặc kiềm mạnh theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng CTNH.

Có độc tính

- Gây kích ứng: Các chất thải không ăn mòn có các thành phần nguy hại gây sưng hoặc viêm khi tiếp xúc với da hoặc màng nhầy.

- Gây hại: Các chất thải có các thành phần nguy hại gây các rủi ro sức khoẻ ở mức độ thấp thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.

- Gây độc cấp tính: Các chất thải có các thành phần nguy hại gây tử vong, tổn thương nghiêm trọng hoặc tức thời cho sức khoẻ thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.

- Gây độc từ từ hoặc mãn tính: Các chất thải có các thành phần nguy hại gây ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ một cách từ từ hoặc mãn tính thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.

- Gây ung thư: Các chất thải có các thành phần nguy hại có khả năng gây ra hoặc tăng tỉ lệ mắc ung thư thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.

- Gây độc cho sinh sản: Các chất thải có các thành phần nguy hại có khả năng gây tổn thương hoặc suy giảm khả năng sinh sản của con người thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.

- Gây đột biến gien: Các chất thải có các thành phần nguy hại gây ra hoặc tăng tỷ lệ tổn thương gen di truyền thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.

- Sinh khí độc: Các chất thải có các thành phần mà khi tiếp xúc với không khí hoặc với nước sẽ giải phóng ra khí độc, gây nguy hiểm đối với người và sinh vật.

Có độc tính sinh thái

Các chất thải có các thành phần nguy hại gây tác hại nhanh chóng hoặc từ từ đối với môi trường và các hệ sinh vật thông qua tích luỹ sinh học.

Lây nhiễm

Các chất thải có vi sinh vật hoặc độc tố sinh học gây nhiễm trùng hoặc bệnh tật cho người và động vật.

 

3. Làm gì với chất thải nguy hại hộ gia đình?

Ngăn ngừa phát sinh, tiết giảm, tái sử dụng và tái chế (3T) là những ưu tiên hàng đầu trong quản lý CTNH.Tại hộ gia đình, các CTNH phải được phân loại riêng và đem đến các điểm thu gom để thải bỏ an toàn. Những lợi ích đạt được bao gồm:

- Giảm thiểu CTNH HGĐ giúp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, đồng thời giảm lượng chất thải phát sinh và chi phí xử lý;

- Phân loại và thải bỏ đúng CTNH HGĐ giúp ngăn ngừa ô nhiễm, giảm nguy cơ đe dọa sức khỏe con người và môi trường.

Sử dụng và lưu trữ đúng

Để tránh các nguy cơ liên quan đến CTNH HGĐ, việc sử dụng, lưu trữ và thải bỏ đúng các sản phẩm có chứa các chất nguy hại trong gia đình vô cùng quan trọng.

- Không chứa các sản phẩm nguy hại trong các vật chứa thực phẩm, chỉ lưu trữ trong các bình chứa ban đầu và không được tháo gỡ nhãn (ví dụ không được sang chiết thuốc tẩy quần áo sang chai đựng nước suối..), để nơi tránh xa trẻ nhỏ vả vật nuôi;

KHÔNG chứa các sản phẩm nguy hại trong các vật chứa thực phẩm

KHÔNG tháo gỡ nhãn, mác

Nếu sử dụng còn dư, không được trộn CTNH HGĐ với nhau hoặc với các sản phẩm khác. Các thành phần khác nhau có thể tương tác gây cháy, nổ…;

  

KHÔNG bao giờ trộn CTNH HGĐ với các sản phẩm khác

Luôn luôn tuân thủ đúng các hướng dẫn sử dụng, lưu trữ và thải bỏ trên nhãn sản phẩm. Trước khi mua, kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm, xem kỹ các cảnh báo nguy hại có thể có đối với gia đình và môi trường, cách sử dụng, lưu trữ và thải bỏ đúng.

Áp dụng 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế) đối với CTNH HGĐ

Cân nhắc giảm mua những sản phẩm có chứa các thành phần nguy hại. Tìm hiểu các phương pháp hoặc sản phẩm thay thế không hoặc ít nguy hại hơn cho các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày trong gia đình nếu có thể.

Ví dụ:

- Dung dịch lau kính: pha 1 muỗng giấm hoặc chanh với 1lít  nước

- Dung dịch vệ sinh bồn cầu: sử dụng cọ và baking soda (bột nở) hoặc giấm

- Dung dịch làm bóng đồ gỗ: pha một muỗng nước chanh với 0,5l dầu thực vật

Đối với các sản phẩm có chứa các chất nguy hại, hạn chế tối đa việc mua dư thừa. Chỉ mua vừa đủ dùng, chuyển cho người khác sử dụng nếu không còn cần đến nhằm giảm thiểu CTNH HGĐ phát sinh.

Thải bỏ đúng

Đối với CTNH HGĐ, tuyệt đối không đổ/bỏ ra đất, vào cống rãnh, hệ thống thoát nước, tuyệt đối không chôn lấp, tự ý xử lý tại gia đình, cũng không thải bỏ cùng chất thải sinh hoạt thông thường.

CTNH HGĐ cần được phân loại riêng và đem đến các điểm thu gom CTNH để được tái chế hoặc xử lý an toàn thay vì vứt bỏ cùng với chất thải thông thường.

Hàng năm, UBND Quận 12 tổ chức nhiều đợt thu gom CTNH HGĐ. Người dân có thể theo dõi thông tin tại trang web của quận hoặc từ các thông báo của UBND phường thông qua băng rôn, loa phát thanh…..

 

Lưu ý trong sử dụng và thải bỏ chất thải nguy hại hộ gia đình  

 

THÔNG BÁO VỀ CHƯƠNG TRÌNH THU GOM CTNH

PHÁT SINH TỪ CÁC HGĐ

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của CTNH và thu gom CTNH HGĐ từ các hộ dân, UBND Quận 12 tổ chức Chương trình Tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình đợt 03 năm 2017 với nội dung như sau:

- Địa điểm thu gom: Trụ sở Ủy ban nhân dân phường Tân Thới Nhất, Tân Hưng Thuận, Đông Hưng Thuận, Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Thới An, Hiệp Thành, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông và Văn phòng Khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp.

- Thời gian thu gom: Từ ngày 15/12/2017 đến 16/12/2017, sáng từ 08 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút.

- Đối tượng thu gom là CTNH thuộc nhóm chất thải hộ gia đình, chất thải sinh hoạt từ các nguồn khác, bao gồm: Bóng đèn huỳnh quang thải, pin thải, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại.

- Người dân mang CTNH HGĐ đến các điểm thu gom và giao cho lực lượng tại các điểm tiếp nhận; Khi đến chuyển giao CTNH người dân sẽ được nhận 01 phần quà là 01 túi thân thiện môi trường (chỉ tặng cho 50 người đến chuyển giao chất thải đầu tiên)./.

 

 

Phòng Tài Nguyên và Môi trường


Số lượt người xem: 1705    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày