Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
8
2
2
5
Tin tức sự kiện 04 Tháng Tư 2019 5:05:00 CH

Những thông tin cần biết về bệnh lao và những việc cần làm để giảm nguy cơ lây bệnh

Lao là một trong 03 bệnh gây truyền nhiễm cao nhất trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm thế giới có thêm 8,6 triệu người nhiễm bệnh lao và 1,3 triệu người chết vì lao.

 Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hay Bacille de Koch (BK) tấn công bất cứ phần nào của cơ thể, nhưng thông thường nhất là ở phổi (gọi là lao phổi). Vi khuẩn Lao trú ngụ trong cơ thể và lây truyền từ người này sang người khác mỗi khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Đa số những người bị nhiễm lao hoàn toàn không có biểu hiện gì, vi khuẩn lao có thể sống tiềm ẩn đợi đến lúc sức đề kháng của cơ thể suy yếu mới phát triển và gây bệnh. Bệnh dễ lây truyền tới những người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh, những người sinh sống trong điều kiện vệ sinh kém, bệnh nhân tiểu đường kiểm soát kém, bệnh nhân ung thư, người dương tính với HIV. Ngoài ra, nếu bạn đang tiếp xúc gần gũi (sống cùng hoặc làm việc cùng) với những người bị bệnh lao, bạn cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh lao.

Người nghiện rượu, sử dụng các thuốc bất hợp pháp và các chất gây mê, những người có cân nặng thấp hơn 10% so với mức khuyến nghị cũng có nguy cơ bị bệnh lao.

* CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH LAO

– Ho khạc kéo dài trên 2 tuần (lúc đầu ho khan sau có đờm, đôi khi đờm có dính vài tia máu).

– Giảm cân, ăn không ngon, cảm giác mỏi mệt toàn thân, sụt cân trong những tháng đầu.

– Ra nhiều mồ hôi vào ban đêm.

– Sốt nhẹ về chiều, đau ngực, biếng ăn.

- Ho ra máu

– Có những cơn lạnh run.

– Đôi khi bệnh không biểu hiện gì rõ ràng, người bệnh vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, chỉ khi kiểm tra sức khỏe mới phát hiện mình đã mắc bệnh lao.

* Mặc dù đây là một bệnh truyền nhiễm nhưng bạn có thể dự phòng bệnh bằng những chiến lược phòng ngừa nghiêm ngặt. Điều này không chỉ làm giảm sự lây lan của bệnh mà còn có thể giúp giảm số trường hợp tử vong do bệnh. Dưới đây là những việc bạn cần làm để giảm nguy cơ lây bệnh.

1. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh

Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh lao. Nếu bạn không thể tránh hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Nếu bạn làm ở bệnh viện, hãy đeo khẩu trang chất lượng tốt. Rửa tay với chất sát trùng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.

2. Tăng cường khả năng miễn dịch

Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ăn ít nhất 4-5 khẩu phần rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Nếu bạn không thể ăn do nguyên nhân nào đó, hãy đảm bảo nhận được liều hàng ngày các chất chống oxy hóa/vitamin tổng hợp sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do sản sinh trong tế bào do bệnh tật/căng thẳng và giúp tái tạo tế bào.

3. Duy trì khẩu phần protein

Ăn ít nhất 2 phần protein trong chế độ ăn hàng ngày. Chúng giúp hình thành các khối tế bào và tái tạo tế bào.

4. Duy trì bữa ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng

Bạn cần kết hợp tốt tất cả các thành phần của thực phẩm để khỏe mạnh. Carbohydrat, protein, vitamin và chất béo đều có vai trò trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể.

5. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên

Hãy tập luyện hàng ngày. Bạn có thể đi bộ thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tập luyện sẽ cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch.

6. Tập thiền

Hãy dành vài phút để ngồi thiền mỗi ngày. Cách này giúp bạn giảm căng thẳng hàng ngày và tăng cường hệ miễn dịch.

7. Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ

Giữ gìn vệ sinh tốt ở bất cứ nơi nào bạn đến. Rửa tay với xà phòng khử trùng thường là một thói quen bị đánh giá thấp nhưng trên thực tế rất có lợi. Khi phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, bạn không thể bỏ qua thói quen đơn giản này.

8. Đưa trẻ đi tiêm chủng

Vì phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nên cách tốt nhất là bạn nên đưa con đi tiêm vắc-xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) để phòng chống bệnh lao. Cách này sẽ đảm bảo phát triển các kháng thể chống Mycobacterium tuberculosis và do vậy làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao.

9. Tuân thủ dùng thuốc (không bao giờ tự ý dừng thuốc)

Khi người bệnh không tuân thủ điều trị, vi khuẩn lao có thể trở nên nên kháng thuốc. Khi các vi khuẩn kháng thuốc này bắn vào không khí, chúng có thể lây bệnh cho những cá nhân khỏe mạnh. Điều này sẽ dẫn tới tăng số người bị bệnh lao đa kháng thuốc. Do vậy hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

10. Tránh xa căng thẳng

Bạn có thể không nhận thức được rằng stress làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh lao. Do vậy, bạn nên tránh xa mọi căng thẳng.

11. Ngủ đủ giấc hàng ngày

Mất ngủ không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc ngủ đủ giấc là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Hãy tránh xa những thực phẩm cản trở giấc ngủ, đồng thời cố gắng ăn những thực phẩm giúp phục hồi chu kì thức ngủ.

Phòng Văn hóa và Thông tin


Số lượt người xem: 1355    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày