Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
4
0
4
4
2
Di tích lịch sử - văn hóa 10 Tháng Ba 2020 1:40:00 CH

Giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận: Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ

Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ có diện tích khuôn viên là 600m2, tọa lạc tại tổ 60, khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, Quận 12. Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ được xây dựng theo kiểu nhà ba gian, tường gạch, mái ngói được Nhân dân lập nên để tưởng nhớ công ơn và tấm lòng vì nước quên thân của ông.

Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ (phường Tân Thới Nhất, Quận 12)

Nguyễn Ảnh Thủ sinh năm 1821, quê làng Tân Sơn Nhì, huyện Tân Bình, tỉnh Gia Định trong một gia đình khá giả. Vốn giàu lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược; khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, ông tham gia kháng chiến chống Pháp dưới cờ nghĩa quân Trương Định ở mặt trận Thuận Kiều (Gia Định).

Tháng 6 năm 1860 Nguyễn Tri Phương giữ chức Thống đốc, được lệnh cùng với Tham tán Phạm Thế Hiển đem quân vào Gia Định để bổ sung quân số, khôi phục đại đồn Chí Hòa, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đồn Thuận Kiều – nơi nghĩa quân Trương Định đóng chốt – trở thành căn cứ tiếp vận của đại đồn Chí Hòa. Từ đồn Thuận Kiều, nghĩa quân Trương Định đã nhiều lần xuất quân gây tổn thất cho giặc. Tháng 2 năm 1861, quân Pháp tiến đánh đại đồn Chí Hòa. Sau khi chiếm được đại đồn, chúng mở rộng đánh sang đồn Thuận Kiều, triều đình cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, nghĩa quân Trương Định rút quân về Gò Công. Nguyễn Ảnh Thủ tìm cách lập kế trá hàng, ra làm thôn trưởng Tân Thới Nhì và âm thầm chiêu mộ nghĩa quân chuẩn bị chờ ngày khởi nghĩa. Nhờ vậy một số đồng đội ông thoát khỏi sự khủng bố của quân Pháp. Thời gian làm thôn trưởng ông lấy số tiền thuế giúp cho nghĩa quân; sự việc bị phát giác, ông bỏ trốn về Gò Công một thời gian.

Năm 1864, từ Gò Công, Nguyễn Ảnh Thủ trở lại Tân Sơn Nhì chuẩn bị tập hợp nghĩa quân khởi nghĩa thì bị Pháp bắt và kết án 5 năm tù. Năm 1868, mãn hạn tù, ông đưa gia đình về sinh sống ở thôn Tân Hưng (phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 hiện nay), bản thân ông cùng các con lên vùng Mây Tàu để chiêu mộ nghĩa quân. Tại đây ông liên lạc với các nhóm nghĩa quân cũ cùng Nhân dân địa phương tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp. Năm 1871 nghĩa quân do ông chỉ huy phất cờ khởi nghĩa chiếm được làng Bà Điểm, làm chủ đồn Thuận Kiều, giết được tên Trung uý trưởng đồn người Pháp và nhiều binh lính. Sau đó quân Pháp từ Sài Gòn tấn công lên, từ Hóc Môn đánh xuống nên lực lượng nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Trong lúc chiến đấu ông bị trúng đạn và hy sinh tại mặt trận ngày 14 tháng 5 năm Tân Mùi (1871). Nhận được tin cấp báo, quân Pháp nhanh chóng điều quân từ Bà Quẹo lên tái chiếm Thuận Kiều. Chúng đem xác ông đi thủ tiêu đồng thời ráo riết lùng bắt nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Ảnh Thủ tuy thất bại nhưng đã gây được tiếng vang lớn trong vùng, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ quê hương.

Sau khi Nguyễn Ảnh Thủ hy sinh, để tưởng nhớ công ơn và tấm lòng vì nước quên thân của ông, Nhân dân trong vùng đã xây dựng đền thờ ông. Đền thờ cách đồn Thuận Kiều khoảng 1km.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ là nơi hội họp của các tổ chức bí mật địa phương. Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Chúng thường chiếm đóng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo làm nơi đóng quân. Trước tình hình đó, các đồng chí trong tổ chức Việt Minh đã vận động Ban trị sự Đền Nguyễn Ảnh Thủ phá bỏ một số công trình để thu hẹp diện tích của Đền nhằm phá vỡ kế hoạch đóng quân của Pháp. Để ngăn cản quân giặc đánh rộng ra vùng ngoại thành, trong tháng 10 năm 1945 Quận ủy Hóc Môn thành lập một số mặt trận trong đó có Mặt trận Cầu Tham Lương, Đền Nguyễn Ảnh Thủ được chọn làm nơi tập trung các đội cảm tử quân, tự vệ của Tân Thới Nhất chuẩn bị chiến đấu tại mặt trận này. Đền cũng là nơi thu gom đồng do Nhân dân đóng góp để đúc súng, vỏ đạn phục vụ kháng chiến.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ là trạm liên lạc, địa điểm hội họp bí mật của bộ đội. Vì vậy Đền nhiều lần bị Mỹ ngụy càn quét. Chúng từng đưa nhiều tiểu đoàn binh lính về đóng ngay trong Đền và xung quanh. Năm 1968, sau khi kết thúc đợt tấn công thứ nhất, các đơn vị biệt động của ta rút ra ngoại thành. Một nhóm biệt động đặc công thuộc Tiểu đoàn 12 được cử về Tân Thới Nhất làm công tác điều nghiên chuẩn bị tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong đợt 2. Nhóm trinh sát này được quần chúng xung quanh Đền thờ nuôi dấu. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, một nhóm trinh sát về bí mật đóng quân ở Tân Thới Nhất. Lúc này, phía sau Đền thờ có một hòm thư bí mật, hàng ngày người dân địa phương giúp trao đổi thông tin liên lạc, đem lương thực cất giấu ở phía sau Đền để nuôi bộ đội.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân trong vùng tiếp tục thờ phụng Ông và chung góp tài lực tu sửa để Đền thờ ngày một khang trang hơn. Đợt trùng tu lớn nhất là năm 1990 bằng nguồn kinh phí của Nhân dân địa phương, khách thập phương và sự hỗ trợ của con cháu Ông, dòng họ Nguyễn Ảnh đóng góp. Năm 2018, Đền thờ đã được Ủy ban nhân dân thành phố có chủ trương thực hiện tu sửa cấp thiết từ nguồn ngân sách thành phố phân cấp và giao Ủy ban nhân dân Quận 12 làm chủ đầu tư.

Hiện nay, Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ do Ban Trị sự quản lý, Trưởng Ban trị sự là ông Lê Phùng Thuận. Hằng năm, ở Đền thờ có ngày cúng tế quan trọng nhất là ngày giỗ Nguyễn Ảnh Thủ tổ chức vào ngày 14 tháng 5 Âm lịch do Nhân dân trong vùng cùng con cháu của Ông tổ chức cúng tế theo nghi thức cúng tế đình miếu Nam bộ; ngoài ra còn có ngày vía Ngũ hành nương 16 tháng 12 Âm lịch. Vào các dịp Lễ, Tết, Đền thờ cũng đã được các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức quận, phường và Nhân dân đến viếng và thắp hương; các đoàn học sinh các trường học trên địa bàn quận cũng tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu về Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ.

Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ thể hiện tấm lòng tôn kính của Nhân dân, là nơi lưu giữ chiến công, một truyền thống kiên cường bất khuất của người dân vùng đất Thập bát phù viên – Mười tám thôn Vườn trầu. Do đó, đền thờ được công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố theo Quyết định số 3948/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2011 của UBND Thành phố./.


Số lượt người xem: 5365    
Xem theo ngày Xem theo ngày