Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
3
5
7
7
6
Di tích lịch sử - văn hóa 10 Tháng Ba 2020 2:40:00 CH

Giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận: Đình Hanh Phú

Đình Hanh Phú được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 3.200m2, nằm bên bờ sông Vàm Thuật, toạ lạc tại đường Vườn Lài, Khu phố 2, phường An Phú Đông, Quận 12 (Đường Vườn Lài trước đây chỉ là một con đường nhỏ rộng khoảng 2m, hiện nay đã được mở rộng và đặt tên đường. Theo quy hoạch đường rộng 40m và có một cây cầu Vàm Thuật bắc qua quận Bình Thạnh).

Đình Hanh Phú (phường An Phú Đông, Quận 12)

Đình Hanh Phú được xây dựng sau khi thôn Hanh Phú hình thành, ổn định. Thôn Hanh Phú không rõ được thành lập lúc nào. Đầu thế kỷ XIX, khi viết tác phẩm Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã liệt kê địa danh Hanh Phú trong danh sách 76 thôn ở tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình trấn Phiên An. Có lẽ Đình Hanh Phú được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1836, Vua Minh Mạng cho lập địa bạ tỉnh Gia Định. Lúc này thôn Hanh Phú thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Theo mô tả của địa bạ thì thôn Hanh Phú ở xứ Rạch Dừa, Đông giáp sông lớn, Tây giáp sông nhỏ, Nam giáp sông nhỏ và địa phận xã Bình Hoà, Bắc giáp sông lớn và địa phận thôn An Lộc Đông. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, dù có một số thay đổi về địa lý hành chính, thôn Hanh Phú vẫn được giữ nguyên nhưng thuộc tổng Bình Trị Thượng. Đến năm 1940 thì thôn Hanh Phú sát nhập với thôn An Lộc Đông thành xã An Phú Đông, tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, một phần thôn Hanh Phú trở thành ấp Hanh Phú.

Đầu tháng 11 năm 1945, Pháp đưa quân chiếm nhiều nơi trong tỉnh Gia Định. Các cơ quan chính quyền, đoàn thể kháng chiến, lực lượng vũ trang phải tách ra nhiều hướng. Bộ Tư lệnh mặt trận tiền tuyến miền Đông, Tổng Công đoàn Nam Bộ, Tỉnh uỷ Gia Định, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Gia Định… rút về An Phú Đông. Nhờ địa thế hiểm trở, giao thông đường bộ hầu như không có, vườn cau, rẫy mía bạt ngàn, ấp Hanh Phú được tỉnh uỷ Gia Định, Tổng Công đoàn Nam bộ, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Gia Định… xây dựng thành căn cứ kháng chiến. Đến cuối tháng 12 năm 1945 Tỉnh uỷ Gia Định quyết định thành lập căn cứ An Phú Đông gồm hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc; ấp Hanh Phú được Tổng Công đoàn Nam bộ (do đồng chí Lý Chính Thắng làm Tổng thư ký) xây dựng hai cơ quan xưởng sản xuất vũ khí và cơ sở in báo Cảm Tử.

Bên cạnh việc ổn định tổ chức để chấn chỉnh lực lượng vũ trang và đấu tranh chính trị, vấn đề nuôi quân cũng hết sức khẩn trương, phải có lương thực, quần áo, thuốc men… cung cấp cho cán bộ, bộ đội. Vì vậy lãnh đạo tỉnh Gia định đã thành lập Ban tiếp tế có nhiệm vụ vận động Nhân dân tiếp tế lương thực, thuốc men cho kháng chiến. Đình Hanh Phú được chọn là kho lương thực của Ban tiếp tế. Hàng ngày ghe xuồng từ các nơi cập bến Đình Hanh Phú đưa lương thực, thực phẩm vào đình. Tại đình thường xuyên túc trực 40, 50 người hầu hết là Nhân dân địa phương làm nhiệm vụ chế biến thức ăn để cung cấp cho cán bộ chiến sĩ ở căn cứ An Phú Đông.

Từ tháng 12 năm 1945 đến năm 1949, giặc Pháp đã nhiều lần đưa quân bao vây, bố ráp An Phú Đông, cù lao Hanh Phú. Chúng đốt phá nhà cửa, giết hại hàng trăm dân lành. Đáng nhớ nhất là trận càn ngày 15/12/1945, địch đưa hàng ngàn quân lục soát, bắn giết từ sáng sớm đến trưa, chúng đốt phá kho lương thực ở Đình Hanh Phú, đập phá ghe thuyền, đốt cháy hơn 30 ngôi nhà dân. Song song với các trận càn quét, thực dân Pháp cho xây dựng nhiều đồn bót hòng xiết chặt gọng kìm bao vây Chiến khu An Phú Đông. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường bền bỉ của cán bộ và chiến sĩ cùng với sự che chở, đùm bọc của Nhân dân, căn cứ An Phú Đông vẫn đứng vững. Đến năm 1949, tỉnh Gia Định chuyển căn cứ kháng chiến lên An Nhơn Tây, Ban tiếp tế lương cũng được chuyển đi nơi khác.

Đình Hanh Phú là chứng cứ tố cáo tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. An Phú Đông, cù lao Hanh Phú nhiều lần bị quân Pháp bao vây, càn quét, hàng ngàn người bị giặc giết chết, nhà cửa tan hoang, Đình Hanh Phú cũng bị đốt phá. Những năm kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Mỹ - Ngụy cho phép quân lính tự do oanh kích vào An Phú Đông, Đình Hanh Phú cũng bị bắn phá thường xuyên.

Qua hai cuộc chiến tranh Đình Hanh Phú đổ nát hoàn toàn. Trên mảnh đất thấm đẫm đau thương, gian khổ, các vị bô lão địa phương và những người hoạt động cách mạng trong vùng đã vận động Nhân dân xây dựng lại đình năm 1982, năm 2000 xây thêm phần sân khấu và năm 2004 xây cổng tam quan làm nơi thờ phụng và giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước và văn hoá tốt đẹp của cha ông. Di tích Đình Hanh Phú hiện đã xuống cấp đồng thời dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn cao hơn so với nền hiện hữu của đình. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương phục dựng, tu bổ, tôn tạo di tích và giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử - văn hóa Thành phố làm chủ đầu tư; đã triển khai thực hiện trong năm 2018. Việc phục dựng, tu bổ, tôn tạo di tích nhằm bảo vệ giá trị kiến trúc giúp công tác quản lý di tích được hiệu quả hơn và phát huy được giá trị khu di tích ngày một cao đẹp hơn, là nơi duy trì sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cộng đồng, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa cũng như phục vụ việc tham quan, học tập và của Nhân dân góp phần phát huy giá trị di tích.

Với ý nghĩa là kho lương thực của Ban Tiếp tế tỉnh Gia Định, cung cấp lương thực cho cán bộ, chiến sĩ căn cứ An Phú Đông và là chứng cứ tố giác tội ác của quận xâm lược, Đình Hanh Phú được công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố theo Quyết định số 3270/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2007 của UBND thành phố./.


Số lượt người xem: 5546    
Xem theo ngày Xem theo ngày