Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
9
2
4
5
Di tích lịch sử - văn hóa 19 Tháng Ba 2020 11:05:00 SA

Giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận: Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thế kỷ XX được ghi dấu là thế kỷ đấu tranh để xác lập nền dân chủ. Từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, những nhà yêu nước Việt Nam đã tiếp nhận một luồng gió dân chủ phương Tây, khơi dậy phong trào Duy Tân sôi nổi. Cũng từ đó, dần dần xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Trần Quý Cáp,… và một thế hệ tiếp cận với những lý tưởng dân chủ ngay tại xứ sở đã sinh ra nó - nước Pháp. Một trong những đại diện tiêu biểu cho lớp người này là Nguyễn An Ninh, người trẻ nhất trong “nhóm Ngũ Long” (gồm cả Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền) và cũng là người sớm đưa những hình thức đấu tranh mới, thấm đậm lý tưởng dân chủ như: mít-tinh, diễn thuyết, báo chí và nghị trường vào các phong trào yêu nước tại Việt Nam thời bấy giờ.

Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh (phường Trung Mỹ Tây, Quận 12)

Nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh sinh ngày 15 tháng 9 năm 1900 tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, (nay thuộc tỉnh Long An), trong một gia đình Nho giáo. Cha là ông Nguyễn An Khương (1860 - 1931), một trí thức nho học yêu nước, tinh thông Hán học, y học, chữ Quốc Ngữ. Mẹ là bà Trương Thị Ngự (1873 - 1911) ở xã Long Thượng, tỉnh Chợ Lớn. Bà được truy tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1995.

Thuở nhỏ ông sống ở quê ngoại, lên 10 tuổi ông theo học Tiểu học tại trường Tabert [1], sau đó ông học Trung học tại trường Chasseloup Laubat [2] tại Sài Gòn. Vì tốt nghiệp loại ưu, ông được tuyển thẳng vào trường Đại học Đông Dương. Mùa hè năm 1918, ông trốn sang Pháp du học. Với trí thông minh và tinh thần ham học hỏi, chỉ trong vòng hai năm ông vừa lấy được bằng Tú tài toàn phần, vừa tốt nghiệp Cử nhân Luật loại xuất sắc của Đại học Sorbone. Năm 1920, ông bắt đầu tham gia hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của kiều bào ta tại Pháp. Ông tham gia viết bài và làm biên tập cho tờ báo “Người cùng khổ” và viết bài cho một số tờ báo bằng tiếng Pháp.

Tháng 10 năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước, bắt đầu 22 năm hoạt động cách mạng bằng phương pháp đấu tranh “công khai hợp pháp trực diện đối đầu” với hai hình thức là diễn thuyết và làm báo. Ông tranh thủ diễn thuyết ở khắp mọi nơi: ngay trên đường phố, trước tòa soạn báo, trên xe đò, giữa cánh đồng, trong chùa, diễn thuyết ngay tại nhà địa chủ. Thính giả của ông là đông đảo quần chúng Nhân dân từ trí thức, tư sản, địa chủ, công chức, tới nông dân, dân nghèo thành thị. Nghe tin ông Ninh đi tới đâu, quần chúng xúm lại, vây quanh ông để được nghe ông nói với tấm lòng tin yêu, ngưỡng vọng bởi những bài diễn thuyết của ông đã mở rộng tầm nhìn, thức tỉnh tinh thần yêu nước, chỉ cho họ con đường đấu tranh. Nguyễn An Ninh là người sáng lập tờ báo “Tiếng chuông rè”. Đây là tờ báo có xu hướng tiến bộ nhất thời bấy giờ. Bằng ngòi bút “sắc nhọn như gươm” ông vạch trần âm mưu và tội ác của chế độ thực dân trên tất cả các lĩnh vực; thiết tha kêu gọi tinh thần hy sinh vì đất nước.

Ngày 26/6/1925, Nguyễn An Ninh cùng với ông Mai Văn Ngọc thành lập tổ chức Thanh niên Cao vọng - một tổ chức yêu nước có cơ sở ở khắp các tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ. Bên cạnh đó, ông trực tiếp tổ chức và lãnh đạo quần chúng tập dượt đấu tranh. Ông còn là người lên kế hoạch tổ chức đám cúng giáp năm cho cụ Phan Châu Trinh năm 1927 [3].... Trong năm 1929 và trong suốt 3 năm từ 1932 - 1935, ông đã giới thiệu toàn bộ số cốt cán của tổ chức này để Đảng Cộng sản chọn lọc và kết nạp. Vì vậy, trong thế hệ đảng viên đầu tiên và thế hệ đảng viên thứ hai ở Nam Kỳ, có nhiều người từng là thành viên của tổ chức do ông Ninh trực tiếp giác ngộ và đào tạo.

Là một Cử nhân Luật tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng Nguyễn An Ninh đã từ chối mọi vinh hoa phú quí, chọn con đường đấu tranh gian khổ vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Là một trí thức lớn nhưng ông không ngần ngại đi sâu vào quần chúng, đến tận từng xóm làng để gần gũi, nói chuyện cùng với những người nông dân. Tài năng, nhân cách và cuộc đời hy sinh quên mình của ông là tiếng chuông lớn nhất, vang vọng nhất, vang vọng vào tận đáy sâu tâm hồn mỗi người dân Nam Kỳ.

Trong suốt 22 năm hoạt động thì có hơn 10 năm Nguyễn An Ninh phải sống trong tù với năm lần bị thực dân Pháp bắt giam và kết án nhưng ông vẫn giữ vững tinh thần đấu tranh bền bỉ, bất khuất và rồi hy sinh tại nhà tù Côn Đảo ở tuổi 43. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, ông còn để lại cho đời nhiều tờ báo, tác phẩm có giá trị về văn hóa, chính trị và tôn giáo: Quyển “ Nước Pháp ở Đông Dương” [4], quyển “ Tôn Giáo” [5], quyển “ Phê Bình Phật giáo” [6], quyển “ Hai Bà Trưng” [7], tác phẩm “ Lý tưởng cử thanh niên An Nam” [8] và còn rất nhiều tờ báo, bài báo do ông viết và phát hành vào thời bấy giờ. Ông không chỉ là nhà hoạt động cách mạng tiên phong mà còn là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc ta. Hiện mộ phần của ông được đặt tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo (thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngày 01/8/1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ cho nhà trí thức cách mạng Nguyễn An Ninh.

Bàn thờ nhà tri thức yêu nước Nguyễn An Ninh

Để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đối với dân tộc, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh tại phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 vào ngày 18/11/2000, với diện tích 3.101,5 m2, tổng kinh phí xây dựng 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Thành phố. Công trình được kiến trúc sư nổi tiếng Khương Văn Mười [9] thiết kế phỏng theo kiểu dáng nhà ba gian hai chái truyền thống của người Nam bộ và được khánh thành vào 15/9/2002. Gian chính của ngôi nhà là bàn thờ nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh. Hai bên phòng trưng bày những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông theo bốn chủ đề: “Quê hương và gia đình”, “Du học tại Pháp”, “Trọn đời vì nước vì dân” và “Tưởng nhớ Nguyễn An Ninh”. Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ và trưng bày các tác phẩm của Nguyễn An Ninh bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cùng nhiều sách báo viết về ông qua các thời kỳ và những kỷ vật của ông và gia đình.

Hình ảnh trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp nhà yêu nước Nguyễn An Ninh

Qua 13 năm hoạt động, Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh có dấu hiệu xuống cấp ở nhiều hạng mục, ngày 30/10/2014, Ủy ban Nhân dân Quận 12 đã quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa, trùng tu, tôn tạo Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh. Đến ngày 29/5/2015, Ủy ban Nhân dân Quận 12 đã tiến hành khởi công sửa chữa, trùng tu và tôn tạo Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư xây dựng của Thành phố với tổng mức đầu tư 12.780.000.000 đồng. Xung quanh nhà được bao phủ một màu xanh mướt của cỏ cây, thoang thoảng hương thơm dịu mát của hoa Ngọc Lan. Đối diện với cửa chính của ngôi nhà là cổng Tam quan. Từ nhà trưng bày nhìn ra cổng chính, chúng ta sẽ thấy một bên là mộ phần song thân ông Nguyễn An Ninh, bên kia là nhà bia tưởng nhớ ông và vợ là bà Trương Thị Sáu.

Với kiểu dáng cổ điển, nguồn tài liệu phong phú, hiện vật giàu ý nghĩa, đội ngũ quản lý và nhân viên thân thiện, vui vẻ, nhiệt tình; kết hợp với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Hàng năm, Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh thu hút khoảng 2.500 du khách đến tham quan, tưởng niệm, tìm hiểu lịch sử,…Nơi đây còn là nơi luyện tập võ, thể dục của gần 150 người mỗi ngày. Đây là điểm hẹn tham quan lý tưởng, thích hợp cho những buổi sinh hoạt chủ điểm, dã ngoại kết hợp “về nguồn” và giáo dục lịch sử địa phương./.

Chú thích:

[1] nay là trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, tọa lạc tại số 53 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM

[2] nay là trường Lê Quý Đôn, tọa lạc tại Quận 3, Tp.HCM

[3] Lấy danh nghĩa tổ chức cúng giáp năm cho cụ Phan Châu Trinh vào sáng ngày 14/3/1927, nhưng thực chất là để tập hợp quần chúng biểu dương lực lượng để bà con và anh em quen dần với đấu tranh, sau này tổ chức những cuộc biểu tình lớn hơn. Việc tổ chức đám giáp năm lần này đã thành công hơn mong đợi, hàng trăm ngàn người từ các ngã đường đổ về thành phố, lặng lẽ trang nghiêp tiến về tiến về Nghĩa địa Gò Công Tân Sơn Nhất. Khí thế Nhân dân hừng hực và rất trật tự. Sau buổi lễ, đồng bào phấn khởi, anh em hả hê.

[4] Trong tác phẩm “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TpHCM”, quyển 1 phần 1 trang 337: Nguyễn An Ninh viết quyển “ Nước Pháp ở Đông Dương” bằng tiếng Pháp xong cuối năm 1924. Được in tháng 4 năm 1925, nhân dịp ông sang Pháp lần thứ 4 để đón cụ Phan Châu Trinh về nước. Sách được n tại Paris 2.000 quyển. Ông nhờ ông Nguyễn Thế truyền phát hành tại Paris 1.850 quyển và gửi về Việt Nam 150 quyển qua đường dây thủy thủ. Nhà văn lớn của Pháp Romain Rolland, người sáng lập tạp chí “Europe”, bạn thân của ông Nguyễn An Ninh, đã cho đăng toàn văn trên tạp chí “Europe” năm 1925. Khi về nước ông Nguyễn An Ninh cho đăng toàn văn trên báo “La Cloche Fêlée”.

[5] Trong tác phẩm “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TpHCM”, quyển 1 phần 1 trang 423: Quyển “Tôn Giáo” được Ông Ninh viết sau khi ra tù lần thứ 2. Sách được in tại Nhà sách Bảo Tồn, in xong tháng 6/1932, số lượng 2.000 bản.

[6] Trong tác phẩm “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TpHCM”, quyển 1 phần 1 trang 459: Quyển “Phê bình Phật giáo” do Đông phương thư xã, cơ quan Tuyên Huấn của Xứ Ủy Nam Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản. Ông Nguyễn An Ninh viết xong tác phẩm này tại Mỹ Hòa - Gia Định tháng 4/1937. Chưa kịp in xong thì ông bị truy nã và bị tù lần thứ 4. Bà Nguyễn An Ninh viết lời tựa và xuất bản vào tháng 5/1938, khi ông còn nằm trong tù. Không rõ số lượng bản in.

[7] Theo Nguyễn Thị Minh, “Tôi chỉ làm cơn gió thổi”, Nxb Trẻ, năm 2005, trang 191: Ông Ninh gọi là Tuồng hát, nhưng sự thật đây là tài liệu cho anh em cốt cán Thanh niên Cao vọng học tập.

[8] Đây là bản dịch bài diễn thuyết lần thứ 2 của ông Ninh tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, 34 Aviteur Garros Sài Gòn (nay là đường Thủ Khoa Huân) vào ngày 15/10/1923 và được in thành sách khổ nhỏ bỏ túi.

[9] Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM


Số lượt người xem: 8123    
Xem theo ngày Xem theo ngày