Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
8
0
4
1
4
Di tích lịch sử - văn hóa 16 Tháng Ba 2020 9:55:00 SA

Giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận: Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông

Năm Mậu Dần 1698, cùng với sự hình thành của vùng đất phương Nam, An Phú Đông với tên gọi đầu tiên là An Cư, nằm trong địa hạt của huyện Tân Bình được chính thức định hình. Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân, 1836), vùng đất An Phú Đông thuộc Bình Long nằm trong tỉnh Gia Định. Đến năm 1867, khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, thì vùng đất này thuộc tỉnh Sài Gòn. Những thời gian kế tiếp, vùng An Phú Đông thuộc Tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Kể từ đó, làng An Cư có tên gọi là An Lộc Đông, làng An Phú được gọi là Hanh Phú và làng An Lộc được đổi tên là An Lộc Thôn. Năm 1940, khi tổ chức lại khung tề xã, thực dân Pháp đã sáp nhập làng Hanh Phú và làng An Lộc Đông thành xã An Phú Đông, thuộc Tổng Bình Trị Thượng, Quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Vào cuối thời kỳ Pháp thuộc, các danh xưng “xã”, “thôn” không còn được sử dụng nữa, mà gọi chung tất cả là “làng”; xã An Phú Đông lúc này được gọi là làng An Phú Đông.

Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông

An Phú Đông là một vùng đất có địa hình như một bán đảo nhỏ hẹp hình bầu dục, rộng khoảng 10 km2 với 3 mặt Đông, Tây, Nam giáp sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật (sông Bến Cát), có địa hình đa dạng, sông rạch chằng chịt tạo thành đường giao thông thuận lợi cho Nhân dân đánh giặc bất ngờ. Với địa hình hiểm trở, kín đáo, bí mật (bao gồm các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông ngày nay), vùng đất An Phú Đông - Thạnh Lộc có diện tích tự nhiên khoảng 2.470 ha, thuận lợi cho chiến thuật đánh du kích, lấy ít đánh nhiều “Quân quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Vì vùng đất này chỉ cách thủ phủ Sài Gòn của chế độ Mỹ Ngụy 7 km đường bộ, nếu tính theo đường chim bay thì chỉ cách 4 km, thuận lợi cho việc quân ta làm bàn đạp tổ chức tấn công quân thù. Xét về mặt địa lý, chiến khu An Phú Đông trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, đối với quân dân ta, đây là tuyến hành lang ở cửa ngõ phía Tây Bắc, là nơi tiến công của lực lượng cách mạng vào hậu cứ của chúng. Đồng thời, cũng là đường giao thông huyết mạch về quân sự, kinh tế, chính trị để liên kết chiến khu với các vùng lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh,… Chính vì vậy mà trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã dùng đủ các phương thức để chiếm cho được vùng đất này.

Ngày 25/12/1945, Hội nghị cán bộ tỉnh Gia Định họp tại Vườn Cau Đỏ đã nhất trí nhận định “Ta có thể bám trụ ở bán đảo này, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng kháng chiến”. Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định quyết định thành lập Chiến khu An Phú Đông (ta đã có chi bộ Đảng đầu tiên ở làng An Phú Đông cuối năm 1930, trong số 30 chi bộ Đảng của tỉnh Gia Định).

Vấn đề củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang chính qui nhằm đối phó với các trận càn của địch vào chiến khu và cũng là lực lượng tiến công quân địch, góp phần vào việc đánh trả suốt ngày đêm của quân ta vào sào huyệt của địch. Ngày 1 tháng 3 năm 1946, chi đội 6 Vệ quốc đoàn, bộ đội chủ lực của tỉnh Gia Định được chính thức thành lập tại Thạnh Lộc. Chi đội gồm 3 đại đội chủ lực là: Đại đội 5 của Quận Gò Vấp, Đại đội 10 của quận Thủ Đức và Đại đội 15 đóng tại Dĩ An. Các đại đội có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của tỉnh và Chiến khu An Phú Đông. Vừa mới thành lập, Chi đội 6 đã đánh lui trận càn lớn nhất Nam bộ đương thời, tiêu diệt và đẩy lùi hàng ngàn tên địch. Đây là chiến thắng vang dội làm cho tinh thần chiến đấu của Vệ quốc đoàn, đồng bào An Phú Đông và dân quân du kích lên rất cao.

Ngày 06 tháng 01 năm 1946, cuộc bầu cử Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được tổ chức, đồng bào ở chiến khu An Phú Đông nô nức tham gia đi bầu cử Quốc Hội với tinh thần phấn khởi, thể hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ công dân của một đất nước có chủ quyền. Cùng với Nhân dân toàn tỉnh Gia Định, Nhân dân ở chiến khu đã bầu được 6 đại biểu Quốc Hội đại diện cho tỉnh. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã biểu thị lòng tin tưởng son sắt vào Chính Phủ cách mạng kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng vào con đường đấu tranh thống nhất nước nhà của đồng bào tỉnh Gia Định nói riêng và cả nước nói chung. Để rồi từ đó suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân chiến khu An Phú Đông đã một lòng một dạ tin tưởng vào đường lối của Đảng, tin tưởng rằng “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, không quản ngại hy sinh, cống hiến xương máu và công sức của mình cho kháng chiến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân đêm 30 rạng sáng 31 tháng 01 năm 1968, Tiểu đoàn 2 ở Thạnh Lộc, Trung đoàn Quyết Thắng ở An Phú Đông đã xuất quân đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất, đánh tan 4 tiểu đoàn lính dù Ngụy và 1 tiểu đoàn lính Mỹ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ chiến khu An Phú Đông làm bàn đạp Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân chiến khu An Phú Đông cùng các Trung đoàn 115, Trung đoàn 316, Tiểu đoàn đặc công 80 đã hợp đồng tác chiến theo sự phân công, chiếm cầu Bình Phước, cầu Ga, cầu An Phú Đông, Trung tâm huấn luyện Quang Trung và giải phóng các xã An Phú Đông, Thạnh Lộc, Trung Mỹ Tây, Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất và thành lập các Ủy ban Nhân dân cách mạng.

Suốt 45 năm kháng chiến, đối đầu với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bao thế hệ Đảng viên Cộng sản cùng với đồng bào chiến sĩ kiên cường, bám trụ chiến đấu và anh dũng hy sinh vô bờ bến cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ năm 1930 đến năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chiến khu An Phú Đông đã phát huy chủ nghĩa yêu nước, không ngại hy sinh gian khổ, kiên cường chiến đấu chống quân thù, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Tổng kết chiến dịch, quân dân chiến khu An Phú Đông đã tiêu diệt khoảng 3.500 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, đánh chìm 2 tàu chiến, thu hàng ngàn cây súng, lựu đạn các loại,… Qua hai cuộc kháng chiến, chiến khu An Phú Đông có 787 hộ gia đình có công với cách mạng, được tặng thưởng 680 huân huy chương các loại, có 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 516 liệt sĩ, 760 lượt cán bộ chiến sĩ bị bắt và tù đày. Ngày 29 tháng 01 năm 1996, Nhân dân An Phú Đông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Phát huy truyền thống vẻ vang của chiến khu xưa và nhằm đáp ứng nguyện vọng của của các tầng lớp Nhân dân, cũng như tâm nguyện của các đồng chí lão thành cách mạng, Đảng bộ Quận 12 đã quyết định xây dựng Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông tọa lạc tại số 474, Quốc lộ 1A, khu phố 3, phường An Phú Đông, Quận 12. Công trình này vừa là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của các thế hệ đi trước, cũng vừa là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình này được xem là một trong những công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ Quận 12, nhiệm kỳ II (2001 - 2005). Công trình có tổng diện tích 2,5 ha với tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, được khánh thành vào năm 2006. Với lối kiến trúc độc đáo, nhiều mảng xanh, xây dựng theo kiến trúc hình “Quy” (Rùa) - một trong tứ linh, với đầu rùa là Văn Bia. Hình ảnh thần Kim Quy trong truyền thuyết là biểu hiện cho sự trường tồn, bất diệt. Quy được xem là hội tụ của trời đất - âm dương: bụng bằng phẳng, tượng trưng cho mặt đất (âm), mai khum vòng tượng trưng cho vòm trời (dương). Hình ảnh rùa đội bia đá là một cách thể hiện sự tôn kính đối với công ơn của các vị anh hùng, liệt sĩ, những người đã tận tụy, quên mình vì đất nước và sự trường tồn của dân tộc. Bên trong Nhà truyền thống Chiến khu An Phú Đông là phòng trưng bày được bố trí với bố cục gồm 3 phần chính: phần thứ nhất “Hào hùng truyền thống chiến khu An Phú Đông”, phần thứ hai “Nghĩa tình An Phú Đông”, phần thứ ba “An Phú Đông ngày nay” và một số hiện vật trưng bày được phục chế, đạn thần công,… giúp tái hiện lại quá trình sống và chiến đấu của bộ đội địa phương và dân quân du kích trong chiến trường xưa.

Lãnh đạo quận dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
tại Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông

Hàng năm, để thể hiện sự tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, các gia đình có công, Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 12 đều tổ chức họp mặt truyền thống với sự tham dự của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công cách mạng, các đơn vị bạn như Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Dĩ An,… đây là dịp để ôn lại qhá khứ hào hùng, động viên, thăm hỏi chia sẻ và cũng là nơi để thế hệ trẻ ghi nhớ, hứa quyết tâm sống, lao động và học tập để góp phần xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Ngày nay, Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Quận 12 mà nơi đây còn là địa điểm học tập lịch sử của học sinh, sinh viên trong và ngoài quận. Các câu chuyện lịch sử được thuyết minh viên tái hiện một cách sinh động làm cho khách tham quan như được ngược dòng thời gian, sống lại cùng với quá khứ hào hùng của dân tộc. Không chỉ tham quan, học tập, Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông còn là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, chụp ảnh lưu niệm, sinh hoạt đoàn, cắm trại,…; là nơi rèn luyện thân thể, tập võ, tập thể dục của các em học sinh, thanh thiếu niên và người. Hàng năm, Nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông tiếp đón khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan./.


Số lượt người xem: 3914    
Xem theo ngày Xem theo ngày