Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
5
5
3
3
Giáo dục - Đào tạo 29 Tháng Mười 2020 9:00:00 SA

Trường tiểu học Lý Tự Trọng với mô hình “Học Tiếng Việt thông qua nghệ thuật”

Mô hình “Học Tiếng Việt thông qua nghệ thuật” đã được Trường Tiểu học Lý Tự Trọng áp dụng thí điểm mô hình này trong năm học 2019 - 2020 (từ tháng 12/2019). Thông qua môn Tiếng Việt được tích hợp với các môn và hoạt động nghệ thuật để tăng cường vốn sống, vốn ngôn ngữ cho học sinh, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, rèn luyện về nhân cách và các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Thêm vào đó, “Học Tiếng Việt thông qua nghệ thuật” còn thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân của giáo viên trong việc nghiên cứu bài học, soạn giảng theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong việc giảng dạy bộ môn Tiếng Việt.

Giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ phương pháp

“Học Tiếng Việt thông qua nghệ thuật”

Tuy nhiên, vì đây là một mô hình dạy học mới nên Ban giám hiệu nhà trường cũng gặp nhiều trở ngại khi chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình này. Riêng giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu tham khảo: giáo viên phải lựa chọn bài dạy để có thể lồng ghép Âm nhạc, Mĩ thật, Thủ công và tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp sư phạm nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Với tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết của đội ngũ, cùng với sự đồng lòng của tập thể, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Ban Giám hiệu đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt giữa nhà trường và giáo viên. 100% các khối đã xây dựng kế hoạch cho cả năm để thực hiện thí điểm mô hình.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch một cách chặt chẽ và đồng bộ. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Ban Giám hiệu nhà trường đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy và học môn Tiếng Việt trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp, sáng tạo hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh; định hướng nội dung và thiết kế các hoạt động học để học sinh được tham gia theo hướng phát huy sở trường, sở thích, năng khiếu hoặc hoàn thiện các năng lực còn hạn chế. Dạy học theo chủ đề, chủ động phân tích chủ đề, tích hợp các kiến thức và xây dựng thời lượng phù hợp cho từng hoạt động theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.

Các tổ chuyên môn họp thống nhất lựa chọn các hoạt động trong bài học của các phân môn Tiếng Việt có thể vận dụng lồng ghép với môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật để tổng hợp theo từng tổ và trình duyệt. Thực hiện giảng dạy, có rút kinh nghiệm trong các phiên họp tổ và xin ý kiến chỉ đạo kịp thời. Khuyến khích giáo viên sử dụng nhạc cụ và tổ chức cho học sinh sử dụng nhạc cụ đơn giản; sử dụng các bài hát thiếu nhi trong chương trình âm nhạc tiểu học để khai thác trong giờ dạy Tiếng Việt nhằm làm cho học sinh thêm hứng thú, phát huy năng khiếu của học sinh. Thông qua các bài tập đọc, truyện ngắn, các đoạn văn, thơ… giáo viên định hướng cho học sinh cảm thụ văn học thông qua chính nét vẽ của các em để thể hiện lại nội dung bài đọc bằng tranh hoặc có ý tưởng sáng tạo thể hiện lại bằng hoạt cảnh, tiểu phẩm ngắn.

Đối với phân môn Tập đọc, ngoài hệ thống câu hỏi được định hướng để tìm hiểu bài trong Sách giáo khoa cho tất cả học sinh thì việc vận dụng mô hình sẽ giúp giáo viên khi dạy các bài tập đọc - thể loại thơ, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thêm các giai điệu, tiết tấu quen thuộc của âm nhạc hoặc sử dụng nhạc cụ (bộ gõ) để tập đọc/hát các bài thuộc lòng, làm cho tiết tập đọc đó thêm phần hấp dẫn, bài thơ đó thêm phần hay, dễ nhớ và mau thuộc. Khuyến khích giáo viên hướng dẫn học sinh kể, tả lại nội dung của bài văn, thơ, câu chuyện đã học qua nét vẽ giàu hình ảnh, tưởng tượng của học sinh được thể hiện trong tranh (nhóm/cá nhân). Hướng dẫn học sinh gieo vần, gieo chữ để sáng tác ngắn một bài thơ, một bài hát, một câu hò, câu vè, đồng dao… theo chủ đề, chủ điểm bài học và thêm giai điệu, tiết tấu để hát, múa, biểu diễn,…

Đối với phân môn Tập làm văn, giáo viên sẽ sử dụng tranh vẽ gợi ý để làm văn, để sáng tác, cụ thể giáo viên giới thiệu một bức tranh có sẵn hoặc do học sinh vẽ, nội dung phù hợp với bài học, chủ đề để hướng dẫn học sinh mô tả bức tranh thông qua tìm và nêu từ, đặt câu, đoạn văn để hình thành kiến thức bài học ở các đoạn văn ngắn của môn Tập làm văn. Giáo viên còn hướng dẫn học sinh “sáng tác” các bài thơ, văn, hò, vè, đồng dao, bài hát ngắn rồi gieo vần điệu, sử dụng các tiết tấu âm nhạc, nhạc cụ quen thuộc để hướng dẫn học sinh luyện tập, thực hành làm văn. Trên cở sở đó, giáo viên tổ chức cho học sinh hình dung và vẽ lại nội dung của tác phẩm vừa sáng tác hoặc biểu diễn. Hoặc ngược lại, thông qua các bài hát hoặc các nét vẽ trong tranh, học sinh thể hiện lại bằng một đoạn văn, một lời kể, một câu chuyện với sự sáng tạo và ngôn ngữ của mình.

Việc vận dụng mô hình “Học Tiếng Việt thông qua nghệ thuật” vào giảng dạy, giúp cho các em cảm thấy mỗi tiết học trở nên hấp dẫn hơn, vui tươi hơn, từ đó tạo hứng thú và niềm yêu thích, say mê học môn Tiếng Việt. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ phải tích cực, chủ động khám phá phương pháp mới đáp ứng nhu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt mô hình này sẽ được Ngành Giáo dục Quận 12 triển khai rộng rãi tại các trường học trên địa bàn quận.

Lê Hạnh


Số lượt người xem: 971    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày