Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
7
7
9
1
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 17 Tháng Giêng 2019 8:15:00 SA

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử dân tộc, như Nguyễn Trãi đã kết luận: “Lật thuyền mới rõ dân như nước”. Đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lê nin đã được các nhà kinh điển khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, quần chúng Nhân dân không chỉ là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội mà còn là người quyết định vận mệnh của lịch sử trong sự nghiệp cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến chống Pháp thành công, đem lại giá trị lớn nhất là chế độ dân chủ cộng hòa. Từ đây, phạm trù “ý thức tôn trọng Nhân dân” mới thật sự có giá trị thực tiễn, khẳng định tính khoa học, cách mạng và nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”.

Tôn trọng Nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá đúng vai trò, vị trí của Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, có dân là có tất cả, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”. Theo Người, “Nếu không có Nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Khi bàn về chữ “Nhân”, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân nghĩa là Nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Về chữ “Thiện”, Người cho rằng: “Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”.

Muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Hồ Chí Minh khẳng định: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”.

Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân, không xúc phạm Nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của Nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ, tôn trọng Nhân dân có nhiều cách, “Không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống Nhân dân. Biết giúp đỡ Nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.

Trên cơ sở nhận thức “nước lấy dân làm gốc”, ý thức tôn trọng Nhân dân phải luôn gắn chặt những “điều không nên” và những “điều nên” làm. Ngày 05/4/1948, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 điều không nên làm và 06 điều nên làm với dân. Trong 6 điều không nên làm, có những điều liên quan đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân như tín ngưỡng, phong tục. Người dặn cán bộ chúng ta phải “Không bao giờ sai lời hứa”, “Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Những điều nên làm là những công việc thực tế hằng ngày, liên quan đến người dân, nhất là “làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”. Làm được như vậy thì dân tin, gốc vững.

“Gốc có vững cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”

BTG

Số lượt người xem: 1140    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày