Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
4
7
1
2
8
Hoạt động Đảng - Đoàn thể 12 Tháng Mười Một 2020 7:45:00 SA

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc - biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Từ đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hằng năm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền tổ chức nền nếp. Việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong dịp diễn ra Ngày hội đã động viên Nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.

Ngày hội đã khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc cùng với Đảng, Nhà nước đẩy mạnh việc xã hội hóa các cuộc vận động. Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Ở hầu hết các địa phương, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã có mối liên hệ chặt chẽ với các Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", xây dựng "Quỹ vì người nghèo", giải quyết có kết quả vấn đề giảm hộ nghèo tăng hộ khá…

Cùng với việc tổng kết Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ngày hội đã góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục, quan hệ ứng xử lành mạnh giữa con người với nhau trong khu dân cư, trong từng gia đình. Những tệ nạn xã hội ở nhiều nơi đã giảm hẳn. Mâu thuẫn trong gia đình, trong khu dân cư ở nhiều nơi được giải quyết thông qua hòa giải, nhiều khu dân cư đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đấu tranh chống mê tín, dị đoan, xây dựng nếp sống mới văn minh, tiến bộ. Ở nhiều địa phương, trong Ngày hội đã phát động các phong trào mang tính nhân văn sâu sắc như phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "xây dựng gia đình văn hóa", "khu dân cư văn hóa"…

Những hoạt động cụ thể của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng Nhân dân được cải thiện, lối sống được lành mạnh hóa. Qua đó, Ngày hội đã góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc nhất và những yêu cầu thiết yếu của khu dân cư.

Tại Ngày hội, Nhân dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, phát huy dân chủ đưa ra ý kiến góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng, như điện, nước, ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan khu dân cư…, nhiều ý kiến đã được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và tiếp thu nhằm xây dựng, đổi mới, bổ sung chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngày hội đã thực sự khơi dậy được bầu không khí dân chủ, cởi mở ngay từ mỗi khu dân cư. Mặt khác, thông qua Ngày hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến tận khu dân cư để Nhân dân biết, trên cơ sở đó người dân được bàn bạc, tham gia trực tiếp.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chính là kênh thông tin phong phú, chính xác nhất từ các cộng đồng dân cư trong cả nước, đó là cơ sở để Đảng và Nhà nước ban hành và chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước là phải bắt đầu xây dựng ngay chế độ dân chủ từ cơ sở và phải dựa vào sáng kiến của chính quần chúng, với sự tham gia của quần chúng vào mọi công việc của đời sống xã hội. Về thực chất, đây là một bước thể chế hóa và thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Xuất phát từ những phong trào được phát động ở Ngày hội, ở hầu khắp các cộng đồng dân cư Nhân dân đã chủ động, tự giác tham gia vào các hoạt động tự quản góp phần hỗ trợ đáng kể cho công tác quản lý của Nhà nước. Điển hình là việc Nhân dân xây dựng các quy ước, hương ước giúp cho công tác quản lý trong từng cộng đồng thôn xóm, bản làng, khóm ấp, khu phố đi vào nền nếp.

Qua 17 năm triển khai, với tất cả những kết quả và kinh nghiệm quý báu đã có được trong quá trình vận động, tổ chức tập hợp Nhân dân để tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, Ngày hội ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả và đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng và phát triển của công tác Mặt trận ở cơ sở.

BBT


Số lượt người xem: 626    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày