Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
9
4
1
1
2
Nếp sống văn minh đô thị 11 Tháng Mười 2018 3:45:00 CH

Tích cực phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học

Vừa qua, 27 trẻ ở Trường Mầm non Hồng Yến (phường Thạnh Xuân) được xác định mắc dịch tay chân miệng (TCM). Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM xác nhận thông tin trên và cho biết đã phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn sự lây lan.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Quận 12, trên địa bàn quận có hơn 28.000 trẻ đang theo học tại các trường mầm non và mẫu giáo. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn quận ghi nhận 51 trẻ đang theo học tại ba trường mầm non mắc tay chân miệng. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 3.500 ca bệnh tay chân miệng, 24 quận huyện đều đã có ca bệnh, trong đó nhiều nhất là các Quận 12, Tân Phú và Bình Tân, Thủ Đức.

Trường học, nhất là trường mầm non là điều kiện lý tưởng khiến bệnh lây lan. Vì vậy để phòng tránh lây nhiễm bệnh TCM trong các trường học, cha mẹ cần lưu ý làm tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, theo dõi, phát hiện sớm để kịp thời điều trị, cách ly, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

Về phía nhà trường, cần thường xuyên giữ vệ sinh lớp học, lau sạch vật dụng, bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà bằng xà phòng hoặc bằng các chất tẩy rửa thông thường.

TCM là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây từ người sang người theo nhiều con đường.

Đó là các con đường như qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể lây tiếp xúc trực tiếp từ những mụn nước và nước bọt của người bệnh.

Virus gây bệnh TCM sẽ không lây lan theo cách này khi người bệnh đã hết triệu chứng. Tuy nhiên virus có thể tồn tại trong phân của người bị nhiễm tới 4 tuần sau khi đã hết triệu chứng.

Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi các bệnh nhi có triệu chứng nghiêm trọng.

Các biện pháp phòng bệnh được bác sĩ khuyến cáo như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyền bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm - mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn hoặc vật dụng ăn uống.

3. Làm sạch đồ chơi nơi sinh hoạt công cộng (lớp học). Các nhà trẻ mẫu giáo, nơi trông trẻ cần thường xuyên lau sạch bề mặt vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, cầu thang, bàn ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, phân và chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý tốt.

5. Theo dõi, phát hiện sớm: Các trẻ em thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện. Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi trẻ khởi bệnh. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị, hướng dẫn theo dõi kịp thời.

BBT


Số lượt người xem: 1282    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày