Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
8
6
1
6
Tin tổng hợp 13 Tháng Sáu 2019 4:15:00 CH

Những điều cần biết về dịch tả lợn châu phi

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng lan rộng, nhiều người dân lo ngại dịch bệnh sẽ lây sang người nên có xu hướng "tẩy chay" thịt lợn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Đồng thời Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Theo đó, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã). Đây là bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ lợn chết lên tới 100%, hiện chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị.

Virus tả lợn châu Phi có đặc điểm là sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3 - 6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày... Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. "Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người". Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn an toàn.

Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ, có 3 nguyên nhân chính làm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan. Trong đó, 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh phun tiêu độc khử trùng; 34% do sử dụng thức ăn thừa và 19% do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát dịch bệnh nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học.

Đặc biệt là người dân phải thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn không có dấu kiểm dịch thú y.

Các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Ở dạng cấp tính, bệnh gây ra bởi các chủng virus có độc lực cao, lợn có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào khác trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần mất cảm giác ngon miệng và trở nên chán nản. Ở lợn da trắng, tứ chi chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Lợn bị nhiễm bệnh nằm co ro, run rẩy, thở bất thường và đôi khi ho. Nếu bị buộc phải đứng, chúng có vẻ đứng không được ổn định. Trong vài ngày bị nhiễm trùng, lợn rơi vào trạng thái hôn mê và sau đó chết. Ở lợn nái mang thai, sẩy thai tự nhiên xảy ra.

Ở thể mạn tính với nhiễm trùng nhẹ, lợn bị nhiễm bệnh sẽ giảm cân, gầy và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.

Các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi:

* Về chuồng trại: Chuồng trại cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, thoáng mát. Nền chuồng, tường chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước; trước cửa chuồng có hố sát trùng. Hạn chế người ngoài vào khu vực chăn nuôi.

- Có khu vực riêng để nuôi nhốt cách ly động vật mới mua về trước khi nhập đàn hoặc con vật ốm để theo dõi, điều trị.

* Về con giống: Con giống nhập vào nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, được nuôi cách ly để theo dõi 10 - 15 ngày.

* Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Cho vật nuôi ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

* Về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng: Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn.

- Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Han-iodine, Virkon,... khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần.

- Sau mỗi đợt nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, rửa nền chuồng bằng nước sạch, để khô, sau đó phun thuốc sát trùng toàn bộ tường, trần, nền chuồng. Dùng nước vôi 10% quét nền và tường chuồng. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập nuôi lứa mới.

* Tiêm phòng vắc xin:

Sử dụng vắc xin Dịch tả lợn nhược độc đông khô chủng C cho tất cả các loại lợn từ 45 ngày tuổi trở lên, trường hợp tiêm sớm hơn (21 - 30 ngày tuổi) phải tiêm nhắc lại mũi 2 sau mũi 1 từ 3 - 4 tuần, sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại.

* Khai báo dịch:

Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi quan sát đàn vật nuôi, khi thấy lợn có hiện tượng ốm (sốt cao, bỏ ăn, chỗ da mỏng có những nốt xuất huyết như muỗi đốt) phải nhanh chóng cách ly những con ốm ra khu vực riêng; không bán chạy, không vứt xác lợn chết ra môi trường, không giết mổ; báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp.

BBT


Số lượt người xem: 1221    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày