Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
7
7
0
9
Tin tổng hợp 18 Tháng Chín 2019 8:25:00 SA

Kỷ niệm 32 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc (20/9/1977 - 20/9/2019)

Tổ chức Liên Hợp quốc thành lập ngày 24/10/1945 trên cơ sở Hiến chương được 51 nước tham gia ký kết, trụ sở đặt tại New York - Mỹ. Liên Hợp quốc được chia thành các cơ quan hành chính như: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo An, Hội đồng kinh tế và xã hội, Ban thư kí, Tòa án Quốc tế vì Công lý. Ngoài ra, một số tổ chức tiến hành quản lý các cơ quan của Hệ thống Liên Hợp quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF). Hiện nay, Liên Hợp quốc có 193 thành viên, sử dụng 6 ngôn ngữ chính thức gồm: tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.

Mục tiêu của tổ chức Liên Hợp quốc là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế thông qua những biện pháp tập thể hữu hiệu, ngăn ngừa và loại bỏ những mối đe doạ tới hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế, các tranh chấp quốc tế hay những tình hình có thể phá hoại nền hòa bình; xây dựng quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia, quyền tự do quyết định của các dân tộc và áp dụng các biện pháp phù hợp để củng cố nền hòa bình thế giới; thực hiện hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo, thúc đẩy khuyến khích tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay ngôn ngữ; là trung tâm điều hòa các hoạt động của các quốc gia để đạt được các mục tiêu trên.

Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên Hợp quốc. Do tương quan lực lượng tại Liên Hợp quốc và trên thực tế khi đó, Việt Nam chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập Liên Hợp quốc chưa thể thực hiện được. Với mong muốn trở thành thành viên chính thức của tổ chức Liên Hợp quốc, ngay từ những ngày đầu lập nước, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc, các đại diện của Mỹ, Liên Xô cũ, Trung Quốc, Anh… “yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên Hợp quốc”. Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập Liên Hợp quốc, nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của Nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn thế giới.

Sau khi Việt Nam thống nhất, tháng 7/1975, Đoàn của Việt Nam sang New York để vận động tham gia Liên Hợp quốc. Các nước đều ủng hộ Việt Nam tham gia Liên Hợp quốc nhưng tại Hội đồng Bảo an, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc. Tháng 1/1977, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức đã nới lỏng cấm vận, đồng ý để Việt Nam gia nhập tổ chức Liên Hợp quốc.

Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên Hợp quốc đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; được bầu vào Hội đồng kinh tế - xã hội Liên Hợp quốc (ECOSOC); là thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 1997 - 1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc tháng 5/2000; Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tháng 10/2001; Việt Nam được 137 nước thành viên nhất trí bầu vào chức Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế năm 2003 tại Áo. Việt Nam đồng thời là thành viên trong Hội đồng Điều hành của chương trình phát triển và Quỹ dân số của Liên Hợp quốc (UND/UNFPA). Ngày 16/10/2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009. Sự kiện này đánh dấu một mốc hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.

Đặc biệt, tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 07/6/2019, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục - 192/193 phiếu. Điều này thể hiện vai trò, vị thế, khả năng của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, qua đó khẳng định Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo quy định, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ ngày 01/01/2020.

BBT


Số lượt người xem: 1132    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày