Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
7
4
6
8
Văn hóa xã hội 23 Tháng Bảy 2019 7:30:00 SA

Gặp gỡ người thương binh vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Được sự giới thiệu của UBND phường Tân Chánh Hiệp, chúng tôi đến thăm chú Nguyễn Xuân Vượng, ngụ 44/11, tổ 5, khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp, là một thương binh 4/4 nhưng chú đã vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Với khuôn mặt khắc khổ nhưng trên môi luôn nở nụ cười thật tươi, chú chia sẻ cùng chúng tôi, chú sinh năm 1948 tại tỉnh Ninh Bình. Ngay từ nhỏ, chú đã chứng kiến và căm phẫn những tội ác mà Đế quốc Mỹ đã gây ra cho đất nước Việt Nam, thấu hiểu cho những số phận khổ cực trăm bề của Nhân dân nên khi trưởng thành, chú đã mạnh dạn tham gia vào quân đội. Được biết, chú từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, thuộc Sư đoàn 9 - Quân đoàn 4, trong thời gian tham gia quân ngũ, chú đã bị thương. Với những cống hiến trong kháng chiến, cá nhân chú Nguyễn Xuân Vượng đã được nhận Bằng khen của Thủ trưởng Đoàn 540 vì đã lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu; được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba vì có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vợ chồng chú Nguyễn Xuân Vượng tại ngôi nhà vừa mới sửa xong của mình

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chú Vượng trở về quê hương Ninh Bình và năm 1976, chú kết hôn cùng với bà Phạm Thị Liên (sinh năm 1954) là người cùng quê Ninh Bình. Vì là người cùng quê nên dễ thấu hiểu, chia sẻ cùng nhau những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Chú tâm sự, những năm đầu mới cưới nhau vợ chồng chú sống ở quê, đến năm 1995 hai vợ chồng chú rời quê vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng thuê một căn nhà lẹp xẹp để ở tại số 52/41, tổ 7, khu phố 4, phường 15, quận Tân Bình, chú kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, ngày nào chú cũng chờ đón khách ở các bến bãi để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần vợ và nuôi các con. Năm 2003, vợ chồng chú Vượng đến sinh sống tại Quận 12, lúc này hoàn cảnh gia đình chú rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Nhưng nhờ chính sách đãi ngộ đối với thương binh, người có công với cách mạng nên gia đình chú đã được chính quyền địa phương quan tâm, chia sẻ. Chú được phường giới thiệu vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền là 30 triệu đồng. Với bản tính siêng năng, cần cù, hai vợ chồng chú đã mạnh dạn mua con giống để chăn nuôi gia cầm tại nhà và còn trồng thêm rau sạch để bán cho bà con trong xóm và bán cho các chợ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau các đợt thu hoạch rau, bán gà vịt và trừ các chi phí thì vợ chồng chú lãi được vài triệu đồng. Ngoài chăn nuôi gia cầm, trồng rau, chú Vượng còn dùng thời gian rảnh chạy thêm xe ôm, ai thuê gì chở đó để trang trải cuộc sống. Khi hỏi về chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương đối với gia đình, chú Vượng chia sẻ: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm và tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn làm ăn, đặc biệt nhất là việc chăm lo, thăm hỏi thường xuyên về mặt tinh thần, vào những dịp lễ, Tết thì có các đồng chí cán bộ phường, khu phố đến thăm hỏi, động viên và tặng quà”. Được biết gia đình chú Vượng từ hộ nghèo đến nay đã vươn lên thoát nghèo, hiện chú có 3 người con và ai nấy cũng đã trưởng thành, có gia đình riêng, chú có 7 đứa cháu nội và 1 đứa cháu ngoại. Khi hỏi mong muốn của chú trong thời gian tới, chú chỉ mong chính quyền địa phương các cấp sẽ tạo điều kiện cho vay nhiều nguồn vốn nhưng không chỉ đối với những người có công, thương binh mà cả những hộ dân còn nghèo, có cuộc sống khó khăn để họ có nguồn vốn bước đầu khởi nghiệp thoát nghèo.

Có thể nói, với những nỗ lực của bản thân và gia đình, chú Vượng đã phát huy bản chất của người bộ đội Cụ Hồ, hăng say, tích cực tham gia sản xuất, vượt qua mọi khó khăn để phát triển kinh tế gia đình ngày một đầy đủ hơn, thực hiện theo lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”./.

PHAN MINH


Số lượt người xem: 1044    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày