Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
3
0
6
7
1
Y tế - Dân số 30 Tháng Năm 2019 8:00:00 SA

Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 9 năm 2019

Bệnh Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm được biết đến từ nhiều năm nay, rất phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh SXH lây truyền qua trung gian muỗi vằn - loại muỗi lưu hành tại vùng nhiệt đới và gắn liền với đời sống dân cư đô thị. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng ảnh hưởng biến đổi khí hậu càng làm cho bệnh SXH trở thành gánh nặng cho sức khỏe cũng như kinh tế đối với các quốc gia vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Nam.

Giám sát dịch tễ ghi nhận, số ca bệnh SXH có khuynh hướng tăng dần qua các năm. Trong năm 2018, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 28.000 người nhập viện và có 10 trường hợp tử vong do SXH. Chính vì vậy, phòng bệnh SXH luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền, của ngành y tế và của mọi tầng lớp Nhân dân. Cho đến nay vắc xin phòng bệnh SXH chỉ mới được thử nghiệm tại một số ít quốc gia. Việt Nam vẫn chưa có vắc xin này. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là chủ động diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác của mọi người, mọi thành phần trong xã hội. Bên cạnh sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức thì cũng còn một bộ phận chưa tích cực tham gia hoặc sự tham gia cũng chưa đồng bộ giữa các thành phần trong xã hội. Đó chính là thách thức đối với hoạt đông phòng chống SXH của Việt Nam và của nhiều quốc gia khác.

Do đó, cuộc họp lần thứ 10 Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN (năm 2010) đã đồng thuận lấy ngày 15 tháng 6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”. Đây là một sự kiện vận động xã hội được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh sốt xuất huyết, huy động các nguồn lực của cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh, thể hiện sự quyết tâm của khu vực trong giải quyết những thách thức trong phòng chống sốt xuất huyết. Sự kiện này được các quốc gia ASEAN hưởng ứng rất tích cực. Năm 2015, Bộ Y tế đã chọn thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng cấp quốc gia.

Năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức“Chiến dịch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 9", gồm có phát động chiến dịch tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố lồng ghép với diệt lăng quăng và tổng vệ sinh môi trường; tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết vào đợt cao điểm từ 02/5 đến 30/6/2019 và duy trì thường xuyên các hoạt động này đến hết năm 2019 với các việc làm cụ thể như:

- Thường xuyên thực hiện hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức như xe loa cổ động, băng rôn, truyền thông nhóm, vãng gia, góc truyền thông tại các quận, huyện, phường, xã, khu phố, tổ dân phố.

- Tổ chức các Chiến dịch “Diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa, môi trường” tại các quận, huyện hàng tuần và tại các khu vực đang xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết.

- Huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong việc rà soát các điểm nguy cơ ở từng tổ dân phố, ấp tại địa phương, vận động người dân chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi trong chính ngôi nhà của mình.

- Đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP liên quan đến phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Ủy ban nhân dân Quận 12 kêu gọi các tổ chức và người dân trên địa bàn quận hiểu được ý nghĩa của đợt hưởng ứng này và biến chúng thành những hành động cụ thể: “Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết”, nhằm tiến tới thực hiện các giải pháp, chiến dịch hành động cụ thể để phòng chống bệnh SXH.

BBT


Số lượt người xem: 741    
Xem theo ngày Xem theo ngày