Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
3
3
1
9
3
Văn hóa xã hội 15 Tháng Năm 2020 1:40:00 CH

Ứng xử thế nào để gia đình hạnh phúc

Gia đình có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, gia đình đảm nhận một tổ hợp chức năng, gồm:

Chức năng tái sản xuất người;

Chức năng kinh tế;

Chức năng tâm linh;

Chức năng trao truyền những giá trị văn hóa tinh thần;

Chức năng xây dựng nhân cách;

Chức năng tâm lý tình cảm.

Nghị quyết Đại hội VIII đã nhấn mạnh đến: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người”. Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định rõ nhiệm vụ “xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc thực sự là tổ ấm của mỗi người”. Nghị quyết Đại hội X tiếp tục khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển năm 2011 tại Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là là tế bào quan trọng của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”

Trên thực tế, không có bất kỳ quốc gia nào có thể tạo dựng hạnh phúc cho con người mà thiếu sự đóng góp của từng cá nhân. Nhà nước đóng vai trò tạo ra các cơ chế, chính sách, còn cá nhân từng người dân cũng cần phải tự nỗ lực để mang đến hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Chuẩn mực của gia đình Việt Nam hiện nay gồm 4 yếu tố:

No ấm: Gia đình no ấm là gia đình đủ ăn, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đủ mặc, phù hợp với điều kiện sinh hoạt và làm việc; có nhà ở ổn định, vững chắc; có các tiện nghi, điều kiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình…

Yếu tố này đảm bảo sự phát triển kinh tế của gia đình nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình.

Bình đẳng: Gia đình bình đẳng là mọi thành viên gia đình có khả năng và tùy theo khả năng cùng chia sẻ, bàn bạc, quyết định và tham gia vào mọi công việc. Mọi thành viên trong gia đình đều có cơ hội như nhau để hưởng các quyền lợi trong học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa, tham gia các công tác xã hội và sinh hoạt cộng đồng; có truyền thống tốt đẹp là kính trên, nhường dưới, tôn trọng, quan tâm lẫn nhau; không có biểu hiện phân biệt con trai, con gái; không có bạo hành gia đình.

Biểu hiện quan trọng nhất là các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau và được hưởng mọi quyền lợi về học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi.

Tiến bộ: Gia đình tiến bộ là gia đình lao động giỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Mọi thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh, biết tôn trọng và giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam. Có ý thức rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, không sa vào tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật; các thành viên trong gia đình tích cực học tập. Trẻ em trong độ tuổi được đi học, không bỏ học sớm; các thành viên trong gia đình trong độ tuổi sinh đẻ đều thực hiện kế hoạch hóa gia đình; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; mọi thành viên trong gia đình thực hiện tốt đường lối chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy ước cộng đồng dân cư (làng, xã, khu tập thể…).

Trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế tri thức đã khẳng định được vị trí chủ đạo lớn lao thì hạnh phúc gia đình cũng luôn đi đôi với ý chí không ngừng học hỏi để vươn lên. Học chuyên môn. Học nghiệp vụ. Học văn hoá giao tiếp. Học tất cả những gì cần học và có thể học. Học để thấy mình chẳng những không bị lạc lõng mà còn hoà nhập rất tự nhiên với nhịp sống mới.

Hạnh phúc: Gia đình hạnh phúc là mọi thành viên trong gia đình hoàn toàn hài lòng, toại nguyện với tổ ấm của mình. Biểu hiện các thành viên trong gia đình luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, trình độ, năng lực; có đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Các thành viên trong gia đình gắn bó, thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, để xây dựng gia đình hạnh phúc cần chú ý:

Hạnh phúc gia đình là cho và sống vì người khác.

Mỗi thành viên của gia đình sẽ nhận được nhiều niềm vui hơn khi đem niềm vui cho người khác. Biết hy sinh vì người khác. Biết làm cho những người xung quanh hạnh phúc. Thực tế có ba chìa khóa dẫn tới cuộc sống hạnh phúc là: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác. Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, mà chỉ có hạnh phúc khi cho đi.

Nuôi dưỡng tình yêu bền chặt để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc trên tinh thần trách nhiệm cao cả. Hạnh phúc lứa đôi phải nỗ lực từ hai phía. Mỗi người cần phải điều chỉnh những thói quen cần thiết để hai người thích ứng với nhau. biết bao dung và tha thứ để cùng vun đắp, xây dựng hạnh phúc gia đình. Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc đòi hỏi sự lãng mạn bay bổng; có ứng xử thông minh khi bước vào nhà, hãy để những lo lắng, bực bội ở lại ngoài sân, cùng với những đôi giày”; tính đồng thuận cao "Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn"…

Tôn trọng, bao dung, tha thứ. Người xưa có câu “phu phụ tương kính như tân” nghĩa là vợ chồng dù sống với nhau đã bao nhiêu năm cũng cần trân quý, tôn trọng nhau như thuở ban đầu. Có thái độ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; kế thừa, phát huy các truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của gia đình và dân tộc. Biết tha thứ, khoan dung trước lỗi lầm. Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc.

Trân trọng những gì mình có: Để gia đình hạnh phúc là biết trân trọng những gì mình đang có. Không ai có quyền hưởng thụ hạnh phúc mà không tạo ra nó. Biết lắng nghe, phân tích thấu đáo trên tinh thần xây dựng. Sinh ra đứa con khỏe mạnh, thông minh, chăm sóc tốt để thế hệ tương lai sau này trở thành những công dân tốt cho đất nước…

Đối mặt với thách thức một cách thông minh: Mỗi gia đình là pháo đài kiên cố giữ gìn giá trị đạo đức gia đình; tránh các tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình; tránh tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em./.

Phòng Văn hóa và Thông tin

 

 

 


Số lượt người xem: 977    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày