Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
9
3
8
5
7
Văn hóa xã hội 11 Tháng Mười Hai 2014 2:15:00 CH

Nghị lực từ đôi bàn tay của cặp vợ chồng khiếm thị

 

Nằm khiêm tốn trên con đường TTH07 (khu phố 4, phường Tân Thới Hiệp), cơ sở xông hơi - xoa bóp của nhóm khiếm thị Đồng cảm như cũng thu mình giữa hàng chục bảng hiệu quảng cáo của các cửa hàng lân cận. Niềm nở đón tiếp tôi là một người phụ nữ khiếm thị có thân hình khỏe mạnh, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn mời tôi nằm lên giường sau khi trãi lên một tấm ra trắng sạch sẽ, tinh tươm. Vừa bắt đầu công việc, chị hỏi thăm tôi từ chuyện công việc, sức khỏe đến việc gia đình, con cái, và cũng qua câu chuyện, tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn về cặp vợ chồng khiếm thị giàu nghị lực này.

 

Chị Thủy cùng nhân viên trong nhóm khiếm thị Đồng cảm tại cơ sơ

Vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Phong - Hà Thị  Thủy bị mù từ nhỏ sau một cơn sốt cao và nên duyên vợ chồng vào năm 2005.  Với vai trò trụ cột, là chỗ dựa chính của gia đình, anh Phong dùng sự cần mẫn, chịu thương chịu khó của mình để học và tìm hiểu rất nhiều ngành nghề có thể giúp người khiếm thị tự nuôi sống bản thân. Từ học vi tính đến xoa bóp, day ấn huyệt cho đến học nhạc anh đều đã học qua. Và với một chút năng khiếu, anh trụ lại với nghề dạy đàn - nhạc cho các em khiếm thị tại trường dạy nghề cho người khuyết tật Đồng Nai từ nhiều năm nay. Thu nhập từ công việc dạy học tuy ổn định nhưng cũng khá khiêm tốn nên anh dành thêm nhiều thời gian để học hỏi, tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật xoa bóp, day ấn huyệt và truyền những kiến thức mình thu thập được cho vợ sau khi chị Thủy hoàn thành khóa học massage dành cho người khiếm thị. Đã học thì phải có hành, anh khuyến khích chị xin đi làm nhân viên cho một cơ sở xoa bóp của người khiếm thị tại phường Thạnh Lộc cũng hơn 1 năm nay. Khi thấy vợ và các em nhân viên cùng cảnh ngộ khác thất nghiệp khi cơ sở đóng cửa, anh Phong đã trăn trở rất nhiều. Vợ anh và các nhân viên khác tuy có bàn tay, có nghề, có ý chí, có nghị lực nhưng lại không có một điều kiện thuận lợi để họ tự lao động nuôi sống bản thân. Mô hình xoa bóp do người khiếm thị phục vụ tuy không mới mẻ gì nhưng để thực hiện thành công cũng không phải là điều đơn giản, một sớm một chiều. Tuy biết là sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh quyết định phải thử sức một lần, anh cùng vợ mạnh dạn vận động anh em cùng hoàn cảnh hùn vốn để lập ra cơ sở mới tại phường Tân Thới Hiệp gần được 2 tháng nay. Tiệm mới đi vào hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, chỉ có 3 giường với 4 nhân viên nam, nữ phục vụ cho cả khách nam và nữ dịch vụ xoa bóp, xông hơi.

Không “hoành tráng” nhưng tiệm kéo khách bằng sự sạch sẽ, tươm tất và thái độ phục vụ chu đáo của các nhân viên, trong đó chị Thủy là nhân viên nữ duy nhất của tiệm. Không có đôi mắt sáng nhưng bù lại đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, chị Thủy ân cần, tỉ mỉ làm việc để mang lại sự thư giãn, thoải mái cho khách hàng. Chị cho biết: “Nghề của tôi phục vụ khách bằng đôi tay, chính vì không nhìn thấy gì nên đôi tay của tôi càng phải được tập trung tuyệt đối”. Thời gian đầu mới phục vụ khách, chị cũng không tránh khỏi khởi đầu căng thẳng khi đón những vị khách đầu tiên của cơ sở. Chị kể, lúc đầu làm cho khách, chị hồi hộp đến mức không dám gây ra một tiếng động nhỏ, không dám nói một lời trò chuyện với khách vì sợ mất tập trung. Cảm nhận được sự căng thẳng của chị, cô khách hàng cười xòa, động viên chị cứ thả lõng tinh thần, chị thoải mái thì khách hàng mới thoải mái. Nhờ những lời góp ý chân thành đó, chị Thủy ngày càng tự tin, mạnh dạn hơn trong công việc. Niềm vui lớn nhất đối với chị chính là khi được gặp lại khách hàng cũ, để được nghe họ tiếp tục góp ý cho mình, khi được nghe họ khen tay nghề của mình ngày càng tiến bộ, chị vui đến cả mấy ngày.

Hiện tại, gia đình anh chị ở nhà thuê, con gái còn nhỏ nên thu nhập của hai vợ chồng anh Phong - chị Thủy cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Cơ sở xoa bóp Đồng cảm của những người khiếm thị giàu nghị lực này chỉ mới hoạt động được gần 2 tháng, thu nhập còn rất bếp bênh, thậm chí tháng đầu tiên đã phải chịu “lỗ” khi chi phí thu vào không đủ để chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền điện, tiền nước chứ chưa nói đến các chi phí ăn uống, trả công cho các nhân viên. Cũng vì vậy mà trăn trở vẫn còn đè nặng trên hai đôi vai của vợ chồng anh chị. Nhưng tôi tin rằng, chính nghị lực từ đôi bàn tay sẽ giúp anh chị tự lập trong cuộc sống của chính mình, vươn tới ước mơ một tương lai vững chắc hơn. Dẫu chặng đường ấy vẫn còn nhiều gian nan vất vả nhưng với niềm tin và động lực, “nguồn sáng” sẽ đến với họ - những con người không ngừng cố gắng vươn lên.       

HỒNG LIÊN(BT)

 


Số lượt người xem: 3053    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày