Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
3
4
3
7
Tin tức sự kiện 17 Tháng Chín 2018 10:00:00 SA

Những quy định pháp luật đối với công tác phòng, chống mại dâm

Mại dâm là một loại tệ nạn đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu trong lịch sử xã hội loài người, dần trở nên phổ biến và đã trở thành vấn đề xã hội nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề tệ nạn mại dâm, góp phần bảo vệ và phát huy phẩm chất đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp dân tộc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Ngày 17/3/2003, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, trong đó các hành vi liên quan đến mại dâm được quy định rõ tại Điều 3 và nghiêm cấm các hành vi: Mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm; tổ chức hoạt động mại dâm; cưỡng bức bán dâm; môi giới mại dâm; bảo kê mại dâm; lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm và các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật cũng được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh. Xử lý vi phạm pháp luật đối với người mua dâm; người bán dâm; người có hành vi liên quan đến mại dâm; tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm hoặc phổ biến, tàng trữ, lưu hành các loại sản phẩm có nội dung và hình thức khiêu dâm thì tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự (được quy định từ Điều 22 đến Điều 26 của Pháp lệnh).

Tại Điều 8, Điều 9, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 15 của Pháp lệnh cũng giao trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân và gia đình trong phòng, chống mại dâm tùy theo trách nhiệm, quyền hạn được quy định có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm; Động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý của các tổ chức, cá nhân và gia đình trong công tác phòng, chống mại dâm trên phạm vi cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Đồng thời, tại các Điều 22, 23, 24 và 25 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ cũng quy định rõ tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm; Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi có liên quan đến mua dâm, bán dâm như: cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm, dẫn dắt, dụ dỗ, che giấu, bảo kê, lôi kéo, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác bán dâm,… Ngoài ra còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tại Khoản 6, Điều 24; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua bán dâm và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 đến 12 tháng.

Ngày 27/11/2015 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thống nhất thông qua và ban hành Bộ luật hình sự số 100 (sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 12 năm 2017 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ngày 20/6/2017), trong đó nêu rõ: Người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (tức “Người từ đủ 16 tuổi trở lên” theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Bộ Luật này) nếu là tội phạm của các tội được quy định từ Điều 141 đến Điều 147 và Điều 325 đến Điều 329 Bộ Luật này sẽ bị phạt với mức cao nhất lên đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân, như: Tội hiếp dâm, Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, Tội chứa mại dâm, Tội môi giới mại dâm và Tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, người phạm tội có thể bị tử hình đối với Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Khoản 3, Điều 142 Bộ Luật này).

Ngoài ra, người phạm các tội từ Điều 325 đến Điều 329 Bộ luật này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc tù giam đến 03 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy theo tính chất và mức độ phạm tội. Đồng thời, tội che giấu tội phạm hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Tội không tố giác tội phạm đối với tội mua dâm người dưới 18 tuổi được quy định tại điểm b, h khoản 1 Điều 389 và Khoản 1 Điều 390 cũng sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến 05 năm tù giam.

Pháp luật đã có những quy định về hành vi, cách xử lý hình phạt nhưng nếu không có ý thức chấp hành pháp luật thì pháp luật chỉ là danh nghĩa. Do vậy, mỗi chúng ta phải luôn luôn có ý thức chấp hành pháp luật, có những hành vi, ý thức để tránh xa tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm. Hãy chung tay phòng chống và đẩy lùi tệ nạn mại dâm ra khỏi đời sống xã hội để góp phần bảo vệ và phát huy phẩm chất đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Phòng Văn hóa và Thông tin


Số lượt người xem: 1138    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày