Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
8
3
1
8
8
Hướng dẫn thực hiện pháp luật 22 Tháng Sáu 2018 7:30:00 SA

Một số câu hỏi - đáp về biển, đảo Việt Nam

Hỏi: Diện tích của vịnh Bắc Bộ, bao nhiêu tỉnh, thành phố của Việt Nam, của Trung Quốc bao quanh vịnh Bắc Bộ?

Trả lời: Vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn nhất ở Đông Nam Á, vịnh có diện tích khoảng 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km, nơi hẹp nhất ở cửa vịnh rộng khoảng 220 km.

Vịnh hoàn toàn do bờ biển của hai nước Việt Nam và Trung Quốc bao bọc. Bờ biển phía Nam dài khoảng 763 km, chạy qua 10 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) bao bọc. Bờ biển phía Trung Quốc dài khoảng 695km, chạy qua hai tỉnh Quảng Tây và Hải Nam. Phía Việt Nam có hàng nghìn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vỹ nằm gần giữa Vịnh. Trung Quốc chỉ có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như các đảo Vị Châu, Tà Dương.

Có hai cửa ra vào vịnh: Một là, eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam rộng khoảng 35 km và hai là, cửa chính từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam – Trung Quốc) rộng khoảng 207 km.

Hỏi: Phân định là gì? Tại sao Việt Nam và Trung Quốc phải phân định vịnh Bắc Bộ?

Trả lời: Phân định là một thuật ngữ chuyên môn, hiểu đơn giản là các nước khi xác định các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế mà có sự chồng lấn vùng biển với các nước láng giềng thì cần thiết phải tiến hành xác định đường chia các vùng biển thuộc về mỗi nước. Việc phân định thường được thông qua quá trình đàm phán, mất thời gian khá dài và phức tạp, và phải tuân theo quy định của luật pháp quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế và tính tới hoàn cảnh cụ thể của khu vực biển liên quan để tìm ra một giải pháp công bằng.

Trước đây, Việt Nam và Trung Quốc chưa tiến hành phân định vịnh Bắc Bộ. Năm 1987, Chính phủ Pháp (lúc bấy giờ là nhà nước bảo hộ cho Việt Nam) và triều đình nhà Thanh (Nhà nước Trung Quốc lúc bấy giờ) đã ký một Công ước gọi tắt là Công ước Pháp – Thanh nhưng cũng chỉ tập trung giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước và xác định chủ quyền của mỗi nước đối với các đảo ở khu vực cửa sông Bắc Luân trong vịnh Bắc Bộ.

Vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ, mà cụ thể là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh giữa Việt Nam và Trung Quốc, được đặt ra sau khi có sự phát triển của Luật Biển quốc tế từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước trở lại đây. Trong thực tế, do chưa có đường biên giới và ranh giới rõ ràng trong vịnh Bắc Bộ, nên thường xuyên xảy ra các vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò khai thác dầu khí giữa hai nước, gây ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hữu nghị hai nước, hạn chế việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Vịnh.

Việc Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ để xác định rõ ràng đường biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là cần thiết, hai nước mới có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành việc quản lý, khai thác và bảo tồn các tài nguyên biển của mình trong vịnh Bắc Bộ.

Hỏi: Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán từ khi nào? Tổng cộng có bao nhiêu cuộc đàm phán giữa hai nước?

Trả lời: Quá trình đàm phán giải quyết vấn đề phân định vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trãi qua 27 năm (1974 - 2000), chia làm ba giai đoạn đàm phán chính trong các năm 1974, 1977 - 1978 và từ 1992 – 2000.

Đàm phán đi vào thực chất trong 9 năm (1992 - 2000). Hai bên đã tiến hành hai vòng đàm phán năm 1992 (cấp chuyên viên); bảy vòng đàm phán cấp Chính phủ; ba cuộc gặp không chính thức giữa hai trưởng đoàn Chính phủ và một số vòng ký tắt hai hiệp định; 18 vòng đàm phán của nhóm công tác liên hợp (và bảy vòng họp Tổ kết hợp với họp Nhóm công tác liên hợp); 10 vòng họp Tổ chuyên gia đo vẽ liên hợp (và xây dựng Tổng đồ vịnh Bắc Bộ) phục vụ phân định (trực thuộc nhóm công tác liên hợp) và rất nhiều các cuộc họp kỹ thuật về xây dựng Tổng đồ vịnh Bắc Bộ phục vụ phân định. Tổng cộng khoảng 49 lần họp của 3 cấp đàm phán (trung bình mỗi năm có hơn 5 lần họp).

Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ tại Bắc Kinh với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Trần Đức Lương và Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – Giang Trạch Dân.

Hỏi: Nguyên tắc pháp lý áp dụng trong phân định là gì?

Trả lời: Trong quá trình đàm phán, hai bên đã thống nhất là căn cứ vào luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc và quy định của Công ước Luật biển năm 1982 mà cả hai nước đều là thành viên để giải quyết vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ.

Luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật biển 1982 nói riêng, không quy định một phương pháp bắt buộc áp dụng chung cho việc phân định các vùng biển giữa các quốc gia.

Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật biển 1982 và thực tiễn quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận thông qua đàm phán để phân định vịnh Bắc Bộ, với nguyên tắc giải quyết là “áp dụng Luật biển quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, để tiến hành đàm phán, phân định vịnh Bắc Bộ” và “theo nguyên tắc công bằng, có tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”.

Hỏi: Nội dung chủ yếu của Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ?

Trả lời: Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ là hiệp định mang tính chất tổng thể Việt Nam ký với Trung Quốc, phân định rõ đường biên giới lãnh hải và ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Hai bên thống nhất một đường phân định với 21 điểm kéo dài từ cửa sông Bắc Luân (phía Bắc) đến cửa vịnh phía Nam. Hiệp định quy định rõ:

- Hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ được xác định theo Hiệp định;

- Đối với tài nguyên, Hiệp định quy định rõ trong trường hợp có các cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên hoặc tài nguyên khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên sẽ thông qua bàn bạc, đàm phán hữu nghị để thỏa thuận về việc khai thác cũng như phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác tài nguyên nói trên;

- Hai bên đồng ý tiến hành hiệp thương về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, hợp tác bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế hai nước trong vịnh Bắc Bộ;

- Hai bên cam kết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích và thực hiện Hiệp định được giải quyết hòa bình, hữu nghị thông qua thương lượng;

- Ngoài ra, việc phân định vịnh Bắc Bộ giữa hai nước theo Hiệp định này không ảnh hưởng hoặc phương hại đến lập trường của mỗi bên đối với các quy phạm luật pháp quốc tế về biển.

Hỏi: Trong vùng biển Đông và Tây Nam Bộ, Việt Nam và các nước có vùng biển tiếp giáp đã thực hiện công tác phân định như thế nào?

Trả lời: Trong vùng biển Đông và Tây Nam Bộ vùng biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển các nước là Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Trong các năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tăng cường đàm phán, ký kết với các nước để phân định ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước liên quan để xác định Đường phân định nhằm xác định chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình. Hiện nay, Việt Nam đã ký được các Hiệp định về phân định và chế độ pháp lý phần tiếp giáp với các nước có liên quan đến vùng biển Đông và Tây Nam Bộ ở các cấp độ pháp lý khác nhau. Cụ thể như sau:

- Vùng biển tiếp giáp với Thái Lan: Ngày 09/8/1997, tại Băng Cốc, Thái Lan, hai nước đã ký Hiệp định về biên giới biển Việt Nam – Thái Lan;

- Vùng biển tiếp giáp với Campuchia: Ngày 07/7/1982, hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa hai nước;

- Vùng biển tiếp giáp với Indonesia: Ngày 26/6/2003, Hiệp định giữa nước Việt Nam và Indonesia về phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được ký;

- Vùng biển tiếp giáp với Malaysia: Ngày 05/6/1992, tại cuộc đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao ở Kuala Lampur (Malaysia) hai bên đã ký Bản thỏa thuận (MOU) về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn.

Hỏi: Nội dung cơ bản của bản Hiệp định về biên giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan?

Trả lời:

- Hai bên đã xác định được đường biên giới trên biển là một đường thẳng kẻ từ điểm C (7049’00”B, 103002’30”Đ), tới điểm K (8046’54”B; 102012’11”Đ);

- Đường biên giới biển CK tạo thành biên giới phân định thềm lục địa giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan, đồng thời cũng là đường phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Mỗi bên ký kết đều thừa nhận các quyền chủ quyền và tài phán của bên kia trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nằm trong phạm vi đường biên giới biển được xác lập bởi Hiệp định;

- Trong trường hợp có cấu trúc dầu hoặc khí duy nhất hoặc mỏ khoáng sản có tính chất bất kỳ nào nằm vắt ngang đường biên giới thì hai bên phải có trách nhiệm trao đổi thông tin, cùng tìm kiếm thỏa thuận sao cho các cấu trúc hoặc mỏ này được khai thác một cách hiệu quả nhất và chi phí cũng như lợi tức từ việc khai thác sẽ được phân chia một cách công bằng;

- Hai bên cũng cam kết sẽ tiến hành đàm phán với Malaysia về khu vực yêu sách thềm lục địa chồng lấn giữa 3 nước, nằm trong vùng phát triển chung Thái Lan – Malaysia.

Hỏi: Ý nghĩa của bản Hiệp định về biên giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan?

Trả lời: Hiệp định ngày 09/8/1997 đã mở ra một trang mới không chỉ trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam – Thái Lan mà cả trong lịch sử phân định vịnh Thái Lan. Hiệp định bao gồm những điểm nổi bật sau:

- Đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan. Và cũng là Hiệp định phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 có hiệu lực;

- Hiệp định này đã khẳng định xu thế có thể thỏa thuận về một đường biên giới biển duy nhất phân định đồng thời thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong các vùng biển không rộng quá 400 hải lý giữa các bờ biển đối diện nhau;

- Cùng với việc ký kết Hiệp định về phân định, hai Chính phủ còn đạt được thỏa thuận về hợp tác bảo đảm an ninh trên biển và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật trong vịnh thông qua việc tổ chức tuần tra chung; tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngư dân hai nước tôn trọng quy định về đánh cá và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật;

- Đối với Việt Nam, đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được với các nước láng giềng. Hiệp định có tác động nhất định thúc đẩy các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp biển giữa Việt Nam với các nước hữu quan;

- Hiệp định phân định biển này tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan, góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên biển, đẩy mạnh sản xuất dầu khí giữa hai nước. Nó mãi mãi là một mốc son trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Hỏi: Nội dung cơ bản của bản Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia?

Trả lời: Hiệp định đã xác định giới hạn cụ thể của vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thủy chung của hai nước Việt Nam và Campuchia. Ngoài vùng nước này là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền riêng của mỗi nước.

Hai bên thỏa thuận “lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này”.

Sau khi ký Hiệp định vùng nước lịch sử, hai bên vẫn tiếp tục đàm phán để phân định đường biên giới biển giữa hai nước trong và ngoài vùng nước lịch sử.

Việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này sẽ do hai bên cùng tiến hành.

Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Như vậy, nhân dân hai nước cùng có quyền khai thác nguồn lợi hải sản một cách hợp pháp trong vùng nước lịch sử. Công dân của nước khác không được phép vào đánh bắt trong vùng nước này.

Đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, v.v… trong vùng nước lịch sử sẽ do hai bên cùng thỏa thuận; khi không có thỏa thuận, không bên nào được đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng nước lịch sử.

Hỏi: Ý nghĩa của bản Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia?

Trả lời: Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định này đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa hai nước nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển.

Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam – Campuchia có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã giải quyết được vấn đề chủ quyền các đảo giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý để hai nước quản lý, bảo vệ, khai thác các vùng biển của mình, góp phần tạo môi trường an ninh trật tự chung trên biển, củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Trong thời gian tới, căn cứ vào Luật biển quốc tế và quy định của Hiệp định, hai nước Việt Nam và Campuchia có nhiệm vụ tiếp tục đàm phán, giải quyết vấn đề hoạch định đường biên giới biển trong vùng nước lịch sử và lãnh hải cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa liên quan giữa hai nước ở khu vực này.

Hỏi: Nội dung cơ bản của bản Hiệp định về vùng thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia?

Trả lời: Đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia được xác định bằng các đoạn thẳng nối tuần tự các điểm 20 - H–H1–A4–X1–25. Tọa độ của các điểm này là tọa độ địa lý được tính toán trên Hệ tọa độ trắc địa thế giới năm 1984 (WGS 84) và được thể hiện trên mảnh Hải đồ số 3482, tỷ lệ 1:1.500.000 do Hải quân Hoàng gia Anh xuất bản năm 1997, là Phụ lục được đính kèm Hiệp định.

Hai bên xác định Hiệp định phân định thềm lục địa sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ hiệp định nào được ký trong tương lai giữa các bên ký kết về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Các bên ký kết sẽ tham khảo ý kiến của nhau nhằm phối hợp chính sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường biển.

Trong trường hợp có một cấu tạo mỏ dầu hoặc khí tự nhiên, hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang đường ranh giới, các bên ký kết sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thỏa thuận về việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác đó.

Mọi tranh chấp giữa các bên ký kết nảy sinh trong việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua hiệp thương hoặc đàm phán.

Hỏi: Ý nghĩa của bản Hiệp định về vùng thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia?

Trả lời: Hiệp định đã phân định rõ ràng phạm vi vùng thềm lục địa của hai nước; đề ra cách giải quyết khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ nằm trên đường ranh giới thềm lục địa giữa hai nước.

Việc ký Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, phục vụ cho sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên có thể tiến hành triển khai các hợp đồng dầu khí đã ký với các nhà thầu nước ngoài.

Việc ký Hiệp định cũng góp phần củng cố hơn nữa tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Ý nghĩa quan trọng của sự kiện này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia mà còn đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng khác, vì lợi ích của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hỏi: Nội dung cơ bản của bản Thỏa thuận (MOU) về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn Việt Nam và Malaysia?

Trả lời: Hai bên đã chính thức xác nhận tọa độ khu vực chồng lấn theo đường ranh giới thềm lục địa (với vùng chồng lấn thềm lục địa rộng khoảng 2.800 km2).

Hai bên đồng ý tạm gác vấn đề phân định thềm lục địa để hợp tác tay đôi thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực xác định này theo thời hạn hiệu lực của Thỏa thuận đã ký kết và dựa trên các nguyên tắc sau:

+ Chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia đồng đều lời lãi giữa hai bên;

+ Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sẽ được Petronas (Malaysia) và Petrovietnam (Việt Nam) tiến hành trên cơ sở các dàn xếp thương mại sau khi được Chính phủ hai bên phê chuẩn;

+ Thỏa thuận này không phương hại tới lập trường cũng như đòi hỏi của mỗi bên đối với khu vực chồng lấn.

- Nếu có mỏ dầu khí có một phần nằm vắt ngang sang khu vực xác định và một phần nằm bên thềm lục địa của Malaysia hoặc Việt Nam thì hai bên sẽ thỏa thuận để thăm dò khai thác.

- Do vùng biển nằm xa đất liền, không thuận lợi cho việc triển khai tất cả các hoạt động quản lý nêu trên nên Việt Nam có thể ủy quyền cho phía Malaysia thực hiện các hoạt động kiểm soát đối với các hoạt động dầu khí trong vùng chồng lấn giữa hai nước.

Hỏi: Một số khái niệm và chế độ pháp lý về vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp theo Công ước về Luật biển 1982?

Trả lời: Công ước về Luật biển 1982 quy định đường cơ sở là giới hạn để tính chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế. Có hai loại đường cơ sở: Đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất chạy dọc bờ biển và đường cơ sở thẳng là đường nối các điểm nhô ra biển nhất hay là các đảo và quần đảo ven biển của quốc gia.

Vùng nội thủy (bên trong đường cơ sở), hoàn toàn thuộc quốc gia ven biển, chúng ta quản lý vùng này như đất liền, người và tàu thuyền nước ngoài muốn vào phải xin phép.

Vùng lãnh hải (rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở trở ra), là lãnh thổ quốc gia trên biển, ranh giới phía ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển, nước ven biển có chủ quyền giống như trên đất liền, chỉ khác là tàu thuyền nước ngoài được đi qua không gây hại (không ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước ven biển).

Vùng tiếp giáp lãnh hải tiếp liền với lãnh hải và rộng 12 hải lý từ ranh giới phía ngoài lãnh hải, chúng ta có quyền kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị những vi phạm về nhập cảnh, hải quan, thuế và y tế của người và tàu thuyền nước ngoài.

Hỏi: Khái niệm và chế độ pháp lý về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước về Luật biển 1982?

Trả lời: Vùng đặc quyền kinh tế (rộng 200 hải lý từ đường cơ sở), tại vùng này Việt Nam quản lý mọi tài nguyên sinh vật, khoáng sản và các hoạt động kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên, được xây dựng, thiết lập các công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển. Phía nước ngoài được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do bay cũng như lắp đặt ống dẫn dầu hay dây cáp ngầm ở đây nhưng không ảnh hưởng đến các quyền của Việt Nam nói trên.

Thềm lục địa (đáy và lòng đất dưới đáy biển, rộng tối thiểu 200 hải lý, tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở hay không vượt quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 m nước), Việt Nam có quyền chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên ở trên bề mặt và trong lòng đất của thềm lục địa của mình, cũng như các hoạt động kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên. Việt Nam có thể tiến hành khai thác dầu mỏ hay cho phép các nước khác khai thác dầu mỏ cũng như các loại khoáng sản khác ở khu vực này.

Hỏi: Vị trí địa lý của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Trả lời: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm gần như gilữa biển Đông, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở trên vùng biển rộng khoảng 16.000 km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi – Việt Nam) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất (khoảng 1,5 km2).

Quần đảo Trường Sa nằm về phía Đông Nam của biển Đông, gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm, trên vùng biển rộng khoảng 180.000 km2, cách Cam Ranh ( Việt Nam) khoảng 248 hải lý, được chia thành 8 cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên). Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, đảo Ba Bình là đảo lớn nhất, đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 – 6 m).

Hỏi: Việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Trả lời: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ thứ XVII. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “Đội Hoàng Sa” ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như “Đội Hoàng Sa”. Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo.

Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo.

Sau chiến tranh thế giới lần II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 08/3/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam.

Tháng 1/1974, khi Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.

Hỏi: Quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Trả lời: Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 ngày 23/6/1994 phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 nêu: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Lập trường của Việt Nam là Việt Nam chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ thứ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm

Hỏi : Bảo vệ chủ quyền về pháp lý và ngoại giao trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam?

Trả lời: Điều 1 của Luật Biên giới quốc gia quy định “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng, theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam”. Để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biển, Việt Nam đang xây dựng Luật về các vùng biển Việt Nam.

Trong các kỳ bầu cử, mặc dù công tác trên các đảo đá xa bờ và điều kiện đi lại còn rất hạn chế nhưng quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn đều đặn thực hiện quyền công dân của mình và tham gia các công việc chính quyền khác như bất cứ một đơn vị hành chính nào trên đất liền.

Hàng năm, quần đảo Trường Sa là nơi đón tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các tổ chức xã hội cũng như hàng nghìn lượt cán bộ ra thăm và công tác trên đảo.

Đồng thời với đàm phán giải quyết về vấn đề trên biển với Trung Quốc, ngày 04/11/2002 tại Phnôm Pênh (Campuchia), Việt Nam cùng các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Bản tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển và duy trì ổn định ở khu vực.

Hỏi: Bảo vệ chủ quyền về kinh tế - xã hội trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam?

Trả lời: Vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các ngư trường lớn, đầy tiềm năng của ngư dân các tỉnh ven biển, cung cấp nguồn thủy sản phục vụ cho xuất khẩu của đất nước và chính nhờ nguồn thu từ nghề khai thác xa bờ mà đời sống của bà con ngư dân được cải thiện rõ rệt. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống cầu cảng đang được xây dựng trên đảo Đá Tây nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước ngọt, dầu máy, đá và cũng là nơi thu mua và sơ chế lượng thủy sản khai thác được. Bên cạnh việc khai thác thủy sản xa bờ, ngày nay bà con ngư dân còn khai thác các loại cá cảnh và các loại rong biển có giá trị dinh dưỡng và dùng trong chế tạo mỹ phẩm.

Cùng với nguồn lợi thủy sản, khu vực hai quần đảo còn chứa đựng tiền năng dầu khí và khoáng sản. Mặc dù, nguồn tài nguyên này, đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác nhưng với tốc độ phát triển của ngành dầu khí và khoáng sản Việt Nam như hiện nay, chắc chắn trong một tương lai gần, các tiềm năng này sẽ được đánh thức và góp phần phục vụ đời sống và xuất khẩu. Điều này đặc biệt rõ ràng khi Việt Nam đang thực hiện các thủ tục gia nhập lại Tổ hợp khai thác quặng đa kim đáy đại dương (InterOcean Metal).

Để đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải đi qua khu vực, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều trạm đèn biển trên các đảo như Đá Tây, Đá Lát, An Bang, và Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa.

Vùng nước hai quần đảo là nơi có những rạn san hô phong phú về chủng loại và chưa được khai phá, là nơi lý tưởng để phát triển loại hình dịch vụ lặn biển mà thế giới đang ưa chuộng. Hiện nay, Tổng cục Du lịch và các cơ quan hữu quan đang xúc tiến chuẩn bị đề án phát triển du lịch trên quần đảo Trường Sa, trước mắt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, thăm nom của gia đình cán bộ đang công tác trên quần đảo và lâu dài hơn, tận dụng môi trường thiên nhiên ở đây vào mục đích du lịch biển.

Hỏi: Bảo vệ chủ quyền về tư tưởng, văn hóa, giáo dục trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam?

Trả lời: Nhận thức được tầm quan trọng của biển và đại dương đối với cuộc sống nhân loại, chủ quyền và vị trí chiến lược về quốc phòng – kinh tế - xã hội của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với đất nước, việc tổ chức giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền đã được chú trọng cả về nội dung và hình thức.

Công tác bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trách nhiệm của toàn dân và phải được tiến hành trên mọi lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và tư tưởng, văn hóa, giáo dục, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để thực hiện công tác này hiệu quả trong thời gian tới, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện Luật về các vùng biển Việt Nam, cùng với các văn bản khác, tạo nên một khung pháp lý vững chắc, tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực dầu khí, thủy sản, lắp đặt cáp quang và các tài nguyên biển khác tại khu vực hai quần đảo cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo cho mọi tầng lớp nhân dân.

Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức thiêng liêng và cũng hết sức khó khăn phức tạp, lâu dài, đòi hỏi trí tuệ, công sức và sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ Việt Nam.

Hỏi: Hàng năm, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm biển hai tháng đối với một số nghề từ vĩ tuyến 12 trở lên, tính chất pháp lý của lệnh cấm này?

Trả lời:

- Cũng như nhiều quốc gia ven biển khác, Trung Quốc cũng đứng trước tình trạng khai thác quá mức, làm cho nguồn lợi thủy sản càng ngày càng bị suy giảm. Để thúc đẩy nghề khai thác thủy sản bền vững, các nước có biển trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp như giảm cường lực khai thác, tăng cường cho quá trình phục hồi và tái tạo lại nguồn lợi thủy sản. Trong đó, cấm biển (cấm toàn bộ các nghề hoặc cấm một số nghề trong một thời gian nhất định trong năm) cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để phục hồi tái tạo lại nguồn lợi thủy sản.

- Là một thành viên của Công ước về Luật biển quốc tế 1982, Trung Quốc đã công nhận vùng đặc quyền kinh tế của mình cũng như của các nước ven biển là 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việc Trung Quốc công bố vùng đặc quyền kinh tế của mình (đường lưỡi bò) chiếm trên 80% diện tích biển Đông, tiến sát vào lãnh hải vảy cá nước trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Brunay, Philipine, cách xa đường cơ sở của Trung Quốc ngàn hàng km là không thể chấp nhận được. Việc công bố này, không chỉ vi phạm Công ước về Luật biển 1982 mà còn vi phạm chính những gì mà Trung Quốc đã ký kết.

- Việc Trung Quốc cấm biển chỉ có giá trị đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình, không có giá trị đối với vùng đặc quyền kinh tế các của nước khác cũng như vùng biển cả ở giữa biển Đông. Do nguồn lợi thủy sản trong biển Đông là thống nhất, để việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản có hiệu quả, Trung Quốc cần phối hợp với các nước hữu quan trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển này.

Nguồn: Ban Tuyên giáo


Số lượt người xem: 2090    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày