Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
3
3
4
0
1
Hướng dẫn thực hiện pháp luật 27 Tháng Năm 2019 4:00:00 CH

Những điểm mới của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 với 9 chương, 133 điều đã thể hiện được những điểm tiến bộ rõ nét và tính nhân văn sâu sắc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới nhằm nâng cao chất lượng, sự bền vững của hôn nhân và gia đình, các quy định mới thể hiện sự tiến bộ rõ nét như nâng độ tuổi kết hôn, quy định về mang thai hộ nhằm mục đích nhân đạo, không cấm kết hôn cùng giới tính …

Những điểm mới của luật HNGĐ năm 2014 so với luật HNGĐ năm 2000 gồm:

1. Tăng cường bảo vệ quyền con người:

 Điều 5 quy định bổ sung các hành vi nghiêm cấm, trong đó có: Lợi dụng việc thực hiện các quyền về HNGĐ để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi(điểm I khoản 2 ). Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vụ việc về HNGĐ thì danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ (Khoản 4 ).

2. Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình:

 Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo đó, Điều 7 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, nội dung quy định tại Điều 7 thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

3. Nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ:

 Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 thì nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên (tức chỉ cần nam đã bước sang tuổi 20, nữ đã bước sang tuổi 18) là đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, theo Điều 8 Luật HNGĐ năm 2014 thì độ tuổi kết hôn của nam và nữ sẽ được nâng lên và được tính theo tuổi tròn, bắt buộc nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.

4. Không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính:

Luật HNGĐ năm 2014 bỏ quy định “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, nhưng lại quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2, điều 8).

5. Quy định chế độ tài sản của vợ chồng: 

Luật HNGĐ năm 2014 quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Điểm mới ở đây là chế độ tài sản theo thỏa thuận, theo đó nếu hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản này thì phải lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực (Điều 41). Nội dung cơ bản của thỏa thuận về tài sản bao gồm: “Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan, tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản…”. Thỏa thuận này vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi kết hôn. Quy định này góp phần giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.

6. Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn:

Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì kể từ nay, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (Điều 51).
 Quy định này đã tháo gỡ cho nhiều trường hợp bức xúc muốn xin ly hôn giùm người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do luật cũ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, nhưng họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.

7. Bạo lực gia đình là căn cứ để ly hôn:

 Điều 56 quy định về đơn phương ly hôn như sau: khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Như vậy, luật mới quy định rất rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn; còn đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng…trong đời sống vợ chồng, thì phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.

8. Chia tài sản phải xét yếu tố lỗi:

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn có nhiều điểm mới, đó là trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì được phân chia theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, khi chia theo pháp luật thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có tính đến các yếu tố - trong đó có điểm mới là căn cứ vào yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (Điều 59). 

9. Hạ độ tuổi hỏi ý kiến của con khi bố mẹ ly hôn:

Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn có sự thay đổi so với luật cũ. Cụ thể: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (Luật HNGĐ 2000 quy định nếu con từ đủ chín tuổi trở lên).

10. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

Mang thai hộ là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. 

Theo đó, điều kiện MTH là: Các bên tự nguyện và được lập thành văn bản; vợ chồng nhờ người MTH phải có: xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; người được nhờ MTH phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH; đã từng sinh con và chỉ được MTH một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng MTH; trường hợp người phụ nữ MTH có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc MTH vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản./.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 12


Số lượt người xem: 1545    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày