Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
4
6
7
6
8
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 29 Tháng Chín 2020 7:30:00 SA

Tấm lòng của Bác Hồ đối với người cao tuổi

Bác Hồ luôn dành tấm lòng trân trọng đối với người cao tuổi. Theo Bác, người cao tuổi đã sống cả cuộc đời cho con, cho cháu, là những già làng, trưởng bản có tiếng nói ảnh hưởng đến lớp trẻ, đến cộng đồng làng, xã. Sau 30 năm xa quê hương, đất nước, đặt chân về nước, Người đã gửi lời hiệu triệu đến các vị phụ lão trong cả nước với những lời tâm huyết: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với đất nước thật trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng suy, tồn vong phụ lão đều gánh vác, trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cũng phải lo, đất nước vui, các cụ cũng được vui”.

Bác nhiệt liệt hoan nghênh các cụ phụ lão đóng góp trong công tác xã hội, gương sáng của các cụ ở khu dân cư, phố, phường. Bác tôn trọng các cụ ông, cụ bà nơi bản làng heo hút, mọi sinh hoạt thiếu thốn nhưng tấm lòng nhân ái, sẻ cơm, nhường áo trong đồng bào dân tộc rất đáng khích lệ. Tấm lòng của Bác đối với các cụ thật gần gũi, nặng ân tình và chứa đựng niềm lạc quan hóm hỉnh:

“Càng già, càng dẻo lại càng dai

Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai

Đôn đốc con em làm nhiệm vụ

Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.

Trong suốt những năm lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn theo dõi và cổ vũ sự phấn đấu của người cao tuổi. Quan tâm và thấu hiểu sự cố gắng của các cụ trong sự nghiệp cách mạng nên Người luôn kịp thời động viên, khích lệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, chính vì vậy, trong các tác phẩm của mình, Bác đã thể hiện sự trân trọng cũng như niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh, sự đóng góp của người cao tuổi.

Không phụ lòng mong mỏi của Người, người cao tuổi Việt Nam đã không ngừng rèn luyện, đóng góp sức lực vào sự nghiệp cách mạng. Người cao tuổi không chỉ thực hiện mà còn trở thành tấm gương tuyên truyền có sức lan tỏa mạnh mẽ, kêu gọi các thế hệ trẻ tham gia cách mạng, tạo nên sức mạnh toàn dân cho cách mạng dân tộc. Thực tế, người cao tuổi ở nước ta nói chung đều trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Họ là những người lao động, quân nhân, cán bộ, những trí thức, văn nghệ sĩ... đã từng cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời của họ gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trải qua thời gian, họ vẫn luôn giữ được sự trung thành với cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống giản dị, tiếp tục cống hiến, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Trong số những người cao tuổi có nhiều người có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, có những văn nghệ sĩ, những nhà cách mạng, nhà quân sự có năng lực giỏi và nhiều kinh nghiệm, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hơn nữa, về mặt số lượng, người cao tuổi ở nước ta ngày càng đông, chiếm phần không nhỏ trong cơ cấu dân số. Vì vậy, vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm nhiều đến người cao tuổi. Bên cạnh Luật Người cao tuổi, các chế độ ưu tiên dành cho người cao tuổi ngày càng được xây dựng và chú ý thực hiện trong thực tế. Càng ngày người cao tuổi càng có nhiều cơ hội hoạt động, tích cực xung kích, đi đầu, nêu gương để tạo sức lôi cuốn cho các tầng lớp khác trong xã hội và có sức ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ. Họ chính là lá cờ đầu dẫn dắt các thế hệ đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, thực hiện theo đúng mong mỏi lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

BBT


Số lượt người xem: 793    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày