Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
6
9
3
0
Tin tổng hợp 15 Tháng Giêng 2018 9:00:00 SA

Tình hình triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống

Xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ những năm 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ khoảng 10 năm trở lại đây. Phi-líp-pin đưa Luật Nhiên liệu sinh học vào năm 2006, quy định bắt buộc sử dụng xăng E5 từ năm 2009, xăng E10 bắt đầu từ 2011; Thái Lan sử dụng xăng E5 từ năm 2005, năm 2008 bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ E10. Indonesia cũng bắt đầu buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25. Đến nay, có khoảng trên 50 quốc gia trên thế giới đã sử dụng nhiên liệu sinh học lưu thông trên thị trường.

Ở Việt Nam, Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (Lộ trình).

I.    Kiến thức về xăng sinh học

1.   Khái niệm về xăng sinh học

Nhiên liệu sinh học:

Nhiên liệu sinh học là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc từ động thực vật. Nhiên liệu này có thể chế xuất từ chất béo của động thực vật như mỡ động vật, dầu dừa…; từ ngũ cốc như lúa mỳ, khoai, ngô, đậu tương…; từ chất thải trong nông nghiệp như rơm rạ, chất thải chăn nuôi…; từ sản phẩm thải trong công nghiệp như mùn cưa, gỗ thải…

Loại nhiên liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các nhiên liệu truyền thống (dầu mỏ, than đá…) như thân thiện với môi trường và là nguồn nhiên liệu tái tạo, giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo được.

  Xăng sinh học

Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học (bioethanol) được sử dụng cho các loại động cơ xăng đốt trong như xe ô tô và xe gắn máy.

Nguyên liệu chính để sản xuất cồn sinh học tại Việt Nam hiện nay là sắn lát khô.

Cồn sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu sinh học được sử dụng như một chất chứa oxy thay thế cho các hợp chất pha vào xăng trước đây như chì hay ete. Cồn sinh học được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột, mật rỉ đường các phế phẩm nông nghiệp khác.

Xăng sinh học được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới từ nhiều năm nay.  Đây được coi là giải pháp bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Xăng sinh học E5, E10

Xăng sinh học được ký hiệu là Ex trong đó x là % thể tích cồn trong công thức pha trộn xăng sinh học.

Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 4-5% thể tích cồn sinh học và 95-96% thể tich xăng truyền thống.

Xăng sinh học E10 là nhiên liệu chứa 10% thể tích cồn sinh học và 90% thể tich xăng truyền thống.

2. Tác động của xăng sinh học đến môi tường

Như chúng ta đã biết, khí thải CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Theo các kết quả nghiên cứu, động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Chính vì vậy, loại xăng sinh học E5 được coi là thân thiện với môi trường. Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng sinh học E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO và HC. Thêm vào đó, các loại xe thế hệ mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng sinh học E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.

Theo PGS. TS. Phạm Hững Tuyến, Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Xăng E5 hoàn toàn tương thích với các vật liệu của động cơ như đã dùng các loại xăng truyền thống. Không dừng lại đó, sử dụng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO. Do quá trình cháy E5 được cải thiện nên lượng CO2 tính theo chu trình khép kín giảm do nguồn nguyên liệu sử dụng để sản xuất ethanol sẽ hấp thụ một phần. Ngoài ra, sử dụng xăng E5 giúp bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Cũng theo nghiên cứu của Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, thực nghiệm đánh giá khả năng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường của nhiên liệu E5 RON 92 trên ô tô cho thấy ở hình 1. Từ hình 1 cho thấy khi sử dụng E5 RON 92 trên ô tô, trung bình hàm lượng phát thải CO giảm 27,76%, HC giảm 16,23% so với xăng RON92. 

Kết quả thử nghiệm lượng khí thải của nhiên liệu E5 RON 92 trên ô tô

3. Tác động của xăng sinh học đến động cơ

Theo nghiên cứu của Viện Cơ khí động lực – Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiên liệu E5 RON 92 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết. Việc sử dụng xăng sinh học E5 giúp cải thiện tính năng động cơ, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội. Quá trình sử dụng xăng sinh học E5 rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa xăng sinh học E5 và xăng thông thường.

Cũng theo các nghiên cứu này, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học E5 cho thấy ngoài việc giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường thì còn giảm suất tiêu hao năng lượng. Hình 2 biểu diễn các kết quả thử nghiệm nhiên liệu E5 RON 92 trên ô tô, kết quả cho thấy so với xăng RON92 thông thường, khi sử dụng E5 RON 92, công suất trung bình tăng khoảng 3,31%, suất tiêu hao nhiên liệu giảm 5,18%. 

Kết quả thử nghiệm nhiên liệu E5 RON 92 trên ô tô

Do ethanol có trị số octan cao tới 109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Thêm vào đó, với hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng, giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ. Đó là lý do vì sao nhiên liệu xăng sinh học được coi là nhiên liệu của tương lai, được cả thế giới quan tâm.

II.     Lộ trình xăng sinh học tại Việt Nam

1.   Thông tin về Lộ trình

Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20 tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

Để thực hiện Đề án, ngày 22 tháng 11 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (Lộ trình) với một số mục tiêu chính như sau:

“1. Xăng E5

a) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E5.

b) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.

2. Xăng E10

a) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E10.

b) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10”.

  Sau gần 10 năm Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và 02 năm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, kết quả chính cho thấy các mục tiêu của Quyết định 177/2007/QĐ-TTg về xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, hình thành và phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học, năng lực sản xuất cồn nhiên liệu đã đạt được và một số chỉ tiêu vượt mục tiêu. Tuy nhiên một số mục tiêu cụ thể của Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5, E10 chưa đạt được như mong muốn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc báo cáo đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học theo Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Báo cáo đính kèm Công văn số 1636/BCT-KHCN ngày 01 tháng 3 năm 2017 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo đánh giá toàn diện việc thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg. Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nêu cụ thể về tình hình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng đối với nhiên liệu sinh học; phát triển ngành sản xuất nhiên liệu sinh học; phát triển hệ thống kinh doanh và phân phối xăng sinh học; phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, những hạn chế, thách thức, các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình thực hiện lộ trình, từ đó xây dựng đề xuất giải pháp thực hiện.

Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế xăng khoáng A92, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo số 255/TB-VPCP ngày 06 tháng 6  năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

  Nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 255/TB-VPCP, Bộ Công Thương đã Ban hành Quyết định số 3055/QĐ-BCT ngày 07 tháng 8 năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; Ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22 tháng 9 năm 2017 về việc tăng cường triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.  Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình: Đảm bảo kịp tiến độ kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

2.     Văn bản điều hành, quản lý chất lượng xăng dầu và xăng sinh học E5

Văn bản chỉ đạo của Chính phủ:

- Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

- Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống;

- Thông báo số 255/TB-VPCP ngày 06 tháng 6  năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Văn bản quản lý chất lượng, thiết bị đo lường và điều hành xăng dầu:

- Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24 tháng 10 năm 2014 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

- Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

- Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và trình tự, thủ tục đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu tại Việt Nam.

- Thông tư số 78/2015/TT-BTC ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2015/BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 và sửa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN ngày 22 tháng 5 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về chất lượng xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học. và sửa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02: 2014/BCT ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học E10 tại cửa hàng xăng dầu.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01: 2013/BCT ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu.

- TCVN 7717:2007 Nhiên liệu điêzen sinh học gốc (B100) – Yêu cầu kỹ thuật.

- TCVN 7716:2011 Etanol nhiên liệu biến tính dùng để trộn với xăng sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đánh lửa – Yêu cầu kỹ thuật.

- TCVN 10625:2014 Etanol nhiên liệu không biến tính dùng để trộn với xăng sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đánh lửa – Yêu cầu kỹ thuật.

- TCVN 8063:2015 Xăng không chì pha 5% etanol – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

- TCVN 8064:2015 Nhiên liệu điêzen pha methyl este axit béo - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

- TCVN 8401: 2015 Xăng không chì pha 10% etanol - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

III. Kết quả triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống

Qua quá trình rà soát, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhà máy sản xuất etanol nhiên liệu, tình hình sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại và kế hoạch triển khai đến cuối năm 2017 của các doanh nghiệp cụ thể như sau:

1.   Năng lực sản xuất và kinh doanh etanol nhiên liệu

Về năng lực sản xuất của các nhà máy etanol nhiên liệu

-  Hiện nay, việc cung cấp etanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 RON 92 chủ yếu từ 02 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất: 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm) đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (3,0 triệu tấn) xăng sinh học E5 RON 92/năm.

-  Ngoài 02 nhà máy của Công ty Tùng Lâm, hiện trong nước còn 02 nhà máy với công suất 100.000 m3/năm (100 triệu lít/năm) tại Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy này đang khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch để đưa nhà máy hoạt động trở lại, dự kiến sẽ khởi động lại chậm nhất là cuối năm 2017. Như vậy, khi cả 04 nhà máy cung cấp etanol nhiên liệu đi vào hoạt động với 100% công suất thiết kế thì nguồn cung sẽ đạt 400.000 m3/năm.

Ngoài nguồn cung etanol nhiên liệu được sản xuất trong nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 255/TB-VPCP, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách về thuế nhập khẩu etanol phù hợp, chống độc quyền trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung etanol nhiên liệu cho thị trường.

Về cây nguyên liệu sắn

-  Cây sắn được trồng từ Bắc tới Nam với diện tích trồng sắn vào khoảng 550 nghìn ha, tuy nhiên diện tích tập trung nhiều nhất ở các tỉnh vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích sắn toàn quốc phát triển ổn định trong giai đoạn 2010 -2016. Ngành sắn thu hút khoảng 50.000 lao động trong các nhà máy, cơ sở chế biến sắn và trên 1,2 triệu lao động trồng sắn. Ngoài lợi ích về giá trị kinh tế cao, cây sắn còn có giá trị lớn về an ninh lương thực, an ninh quốc phòng và xã hội do cây sắn được trồng chủ yếu ở các vùng miền núi, vùng xa, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người nông dân miêng núi, vùng xa và đồng bào dân tộc.

-  Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết các vùng trồng sắn trên cả nước trong đó có tính đến các nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol nhiên liệu cũng như các mục đích khác. Bộ cũng đã xây dựng và triển khai chương trình phát triển giống mới đối với cây sắn để đáp ứng nhu cầu theo Lộ trình. Nhờ việc đưa các giống sắn mới và kỹ thuật canh tác phù hợp, năng suất sắn tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2016, sau 5 năm, năng suất tăng 12,9 tạ củ tươi/ha, năng suất sắn bình quân của cả nước năm 2016 đạt 19,17 tấn/ha.

-  Trong năm 2016, tổng sản lượng sắn củ tươi của Việt Nam đạt khoảng 10,91 triệu tấn (sau 5 năm sản lượng tăng 2,314 triệu củ sắn tươi). Theo thông tin từ Hiệp hội sắn Việt Nam, nhập khẩu sắn tươi làm nguyên liệu sản xuất tinh bột sắn khoảng 1,0 triệu tấn, nhập khẩu sắn lát khô khoảng 0,06 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ sắn củ tươi trong năm 2016 khoảng 14,84 triệu tấn (khoảng 7,19 triệu tấn làm nguyên liệu sản xuất tinh bột sắn, 1,35 triệu tấn làm thức ăn chăn nuôi, 2,0 triệu tấn làm sắn lát phơi khô, 0,6 triệu tấn dùng sản xuất cồn etanol, còn lại dùng xuất khẩu ở dạng sản phẩm khác từ sắn).

-  Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sắn là 3,697 triệu tấn, trong đó kim ngạch xuất khẩu sắn các loại là 1,508 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ sắn là 2,189 triệu tấn.

2.   Tình hình triển khai hệ thống phối trộn xăng E5 RON 92

Trong số 26 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mặt đất (tổng số là 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 03 đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không), 5 thương nhân có hệ thống phối trộn xăng E5 đang hoạt động là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - Công ty TNHH một thành viên (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty TNHH một thành viên - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.

Bên cạnh 5 thương nhân đầu mối đã triển khai hoạt động các trạm trộn xăng E5, có 02 thương nhân đã triển khai trạm trộn nhưng chưa đưa vào hoạt động là Công ty TNHH một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV. Ngoài ra, một số các doanh nhân đầu mối khác cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư trạm trộn để sớm đưa vào hoạt động trong năm 2018 như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức, Công ty CP Thương mại- Tư vấn –Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt, Công ty TNHH MTV Hải Linh...

Như vậy, chỉ tính riêng tổng công suất các trạm trộn xăng E5 RON 92 từ 07 thương nhân đầu mối đã triển khai hoạt động sau khi nâng cấp, cải tạo và đầu tư thêm đạt khoảng 6,2 - 6,7 triệu m3/năm. Nếu tính cả các doanh nghiệp đang đầu tư mới các trạm trộn, theo kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018, tổng công suất của các trạm trộn đạt khoảng 8,6 triệu m3/năm. Các trạm trộn được phân bổ rộng khắp các tỉnh thành từ Miền Bắc, Miền Trung, và Miền Nam.

3.     Dự báo nhu cầu thị trường xăng E5 và E100

Tổng xăng tiêu thụ trên địa bàn cả nước trong năm 2016

Tổng lượng xăng tiêu thụ trên địa bàn cả nước trong năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu m3, trong đó, xăng E5 RON 92 khoảng 590 nghìn m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường; xăng khoáng khoảng 6,81 triệu m3, chiếm khoảng 92%; trong thành phần xăng khoáng, xăng RON 95 chiếm khoảng 2,043 triệu m3, trương đương 30% so với tổng lượng xăng khoáng, xăng RON 92 chiếm khoảng 4,767 triệu m3, tương đương 70% so với tổng lượng xăng khoáng.

Khi chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 RON 92 bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, dự báo tổng lượng xăng E5 RON 92 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,3 triệu m3 (một số người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng khoáng RON 95).

Tổng nhu cầu E100 trên cả nước

Tổng nhu cầu E100 trong năm 2016 chiếm khoảng 29.500 m3. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, khi chuyển đổi toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 RON 92, ước tính nhu cầu nguyên liệu E100 để pha chế E5 RON 92 khoảng 267.000 m3.

Tổng nhu cầu nguyên liệu sắn để sản xuất E100

Ước tính tổng nhu cầu E100 để pha chế E5 RON 92 khoảng 267.850 m3/năm (khoảng 267,850 triệu lít cồn/năm, tương đương khoảng 212.003 tấn cồn/năm), cần khoảng 604,209 tấn sắn khô/năm, tương ứng khoảng 1.510.521 tấn sắn tươi/năm.

Từ tình hình triển khai thực hiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các nhà máy sản xuất E100, hệ thống hệ thống các trạm phối trộn xăng E5 RON 92 trên cả nước cho thấy, nguồn cung xăng sinh học E5 RON 92 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5 RON 92 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

IV.   Đánh giá chung

Từ việc kiểm tra thực tế và báo cáo tại các địa phương, các đầu mối kinh doanh xăng dầu Bộ Công Thương có các nhận xét như sau:

- Các địa phương đang tích cực triển khai để đưa toàn bộ xăng E5 RON 92 vào lưu thông trên thị trường thay thế xăng khoáng RON 92. Đảm bảo kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5 RON 92.

- Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang tích cực triển khai công tác thông tin tuyên truyền để người tiêu dùng yên tâm sử dụng xăng sinh học E5 RON 92.

- Các doanh nghiệp đầu mối lớn về kinh doanh xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Sài Gòn Petro, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đã chủ động triển khai thực hiện Lộ trình, trang bị bồn, bể, mở rộng và đầu tư mới các trạm phối trộn, tồn trữ, vận chuyển phù hợp cho kinh doanh xăng E5 RON 92.

- Một số các doanh nghiệp đầu mối khác cũng đã tích cực chủ động trang bị bồn, bể, đầu tư các trạm phối trộn, tồn trữ, vận chuyển phù hợp cho kinh doanh xăng E5 RON 92 để triển khai thực hiện Lộ trình như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức, Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ - TNHH MTV, Công ty CP Thương mại- Tư vấn –Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt, Công ty TNHH MTV Hải Linh…

           - Các nhà máy etanol nhiên liệu E100 Dung Quất và Bình Phước đang tích cực, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch để đưa nhà máy hoạt động trở lại, chậm nhất là cuối năm 2017.

           - Các Bộ, ngành đang phối hợp tích cực triển khai lộ trình để đảm bảo ổn định nguồn cung về nguyên liệu sắn, nguồn etanol nhiên liệu E100, về giá xăng E5RON 92 hấp dẫn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người sử dụng. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng về xăng E5 RON 92 ra thị trường./. 


Số lượt người xem: 1444    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày