Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
6
4
4
7
Trật tự an toàn giao thông 08 Tháng Mười Hai 2020 8:45:00 SA

Cần giảm thiểu tác hại của rượu bia, chất kích thích trong tham gia giao thông

Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở nam giới có độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân GDP. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện tại có tới 40% tổng số vụ TNGT liên quan đến rượu bia. Trên địa bàn quận, trong năm 2020 có 12/24 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến do Công an quận 12 đảm trách liên quan đến nồng độ cồn (tỉ lệ 50%).

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an quận đã tăng cường xử lý quyết liệt các lỗi là nguyên nhân gây TNGT như: nồng độ cồn, chất kích thích; chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu; lưu thông đường cấm, giờ cấm; không đội mũ bảo hiểm; dừng đỗ không đúng quy định; không có giấy phép lái xe (GPLX)… đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là thực hiện chuyên đề nồng độ cồn, chất kích thích, qua đó Công an Quận 12 đã thực hiện 12 lượt xử lý chuyên đề nồng độ cồn kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi, logo “Đã uống rượu bia - không lái xe” cho 450 người. Công an quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng các nguyên nhân, hậu quả của TNGT bằng các hình thức trực quan, sinh động, dễ nhớ; đẩy mạnh sử dụng hình thức tuyên truyền ứng dụng công nghệ cao tiếp cận đến đông đảo người dân, mọi tầng lớp, lứa tuổi, khu vực...Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không thể tập trung đông người nhưng đơn vị vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, vận động trên 57.000 lượt người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định về ATGT, phòng chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền trực tiếp 27 lượt cho hơn 8.600 người tham dự, phát tổng cộng hơn 31.000 tờ rơi, áp phích, logo đến người dân.

Theo thống kê của Công An Quận 12, trong 11 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện lập biên bản 14.513 trường, ra quyết định xử phạt 15.009, nộp kho bạc nhà nước hơn 15,6 tỉ đồng, tạm giữ 2.719 phương tiện, 11.815 GPLX, 346 đăng ký xe, 137 sổ kiểm định. Trong đó xử lý hơn 1.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 05 trường hợp điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, với số tiền gần 8 tỉ đồng. Thực hiện kế hoạch số 1194/KH-CATP-PC08 ngày 29/7/2020 về tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, Công an quận đã tăng cường bố trí lực lượng mỗi ngày 01 tổ công tác trên các tuyến đường, khu vực địa bàn có nhiều khả năng người điều khiển xe tham gia giao thông sử dụng chất ma túy, rượu bia và các chất kích thích khác như Lê Văn Khương, Song hành QL22, TX25, Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp, Tô Ngọc Vân… Trong đợt cao điểm từ 01/8/2020 đến nay đã xử lý hơn 740 trường hợp vi phạm, số tiền phạt ước tính 3,8 tỉ đồng. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của các chủ phương tiện, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Đồng thời kể từ ngày 01/01/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực, đã có những chế tài mạnh (nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao), đủ sức răn đe đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân có ý thức chưa cao, còn coi thường pháp luật, vẫn “chén chú chén anh” sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong khi nồng độ cồn đã vượt mức quy định, có nhiều trường hợp nồng độ cồn vượt rất nhiều lần, một số trường hợp người vi phạm cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có những lời lẽ không hay, kích động, kéo dài thời gian, thậm chí không kiểm soát được bản thân gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian để xử lý các trường hợp này. Một số quán nhậu bố trí lực lượng cảnh giới để theo dõi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và thông báo cho người điều khiển giao thông hoặc đợi lực lượng chức năng rút khỏi mới báo cho khách ra về… Vì vậy. trong thời gian tới, để công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn quận đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa, các cấp, ngành và lực lượng chức năng sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; có chiến lược truyền thông về văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thanh, thiếu niên. Tuyên truyền các quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ theo nội dung Nghị định 100 của Chính phủ. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuần tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tải trọng xe, lái xe sử dụng ma túy; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. Đặc biệt là thực hiện các đợt ra quân cao điểm đảm bảo an toàn giao thông theo chỉ đạo của Công an thành phố, kết hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn.

Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và chất kích thích đã để lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội, để lại nhiều nỗi đau, mất mát trong tinh thần của người ở lại. Để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chính là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của mỗi người “Đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông”, đối với lực lượng chức năng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần làm giảm tai nạn trên địa bàn Quận 12, góp phần xây dựng một Quận 12 “ Văn minh - hiện đại - nghĩa tình”.

Thanh Phương


Số lượt người xem: 796    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày