Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
7
6
0
5
5
4
Văn hóa xã hội 03 Tháng Tám 2020 2:00:00 CH

Những giá trị cốt lõi trong tiêu chí ứng xử giữa anh, chị, em trong gia đình

Trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ anh chị em chiếm một vị trí đặc biệt. Ở đây vừa có quan hệ trên dưới (anh chị em), vừa có quan hệ bình đẳng (đều là con) nên mối quan hệ này phong phú hơn các mối quan hệ khác.

Giá trị của mối quan hệ giữa anh chị em

Cuộc sống hiện nay đã biến đổi sâu sắc so với ngày xưa, nhất là khi có mạng Internet ra đời. Trong vòng hơn 30 năm trở lại đây, xã hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN, hội nhập toàn diện vào một thế giới rộng mở. Nền kinh tế thị trường đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam, tạo ra nhiều của cải vật chất và những mối quan hệ mang màu sắc quốc tế; đời sống văn hóa, tinh thần cũng có nhiều thay đổi. Một thiết chế xã hội phổ quát và bền vững là gia đình cũng có những thay đổi lớn dễ dàng nhận thấy. Đó là việc gia đình nhiều thế hệ ít đi, gia đình hạt nhân tăng lên, gia đình hỗn hợp xuất hiện ngày càng nhiều, gia đình không đầy đủ (không có bố, hoặc mẹ) cũng gia tăng nhanh chóng, gia đình có yếu tố nước ngoài không ngừng tăng lên… Việc các loại hình gia đình càng ngày càng phong phú khiến các mối quan hệ giữa các thành viên cũng có nhiều điều mới mẻ. Do vậy, việc tạo ra môi trường để các giá trị truyền thống của gia đình Việt phát huy tác dụng là điều cần thiết. Gia đình là nơi con người sinh ra, lớn lên, lĩnh hội những giá trị văn hóa đạo đức cơ bản nhất; do vậy, gia đình cần phát triển ổn định, bền vững, giữ được giá trị truyền thống thì mới làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Việc đưa ra bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực, giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều này là cần thiết để củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người trong hoàn cảnh nền kinh tế thị trường đã bắt đầu phát triển và thể hiện những quy luật khách quan của mình. Về nguyên tắc, giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế là sự phức tạp trong quan hệ xã hội. Khi sức mạnh của đồng tiền được đề cao, ở một khía cạnh nào đó, đời sống văn hóa, tinh thần bị ảnh hưởng; đây đó xuất hiện sự xuống cấp về đạo đức, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực. Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện những tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực xuất hiện trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường.

Bộ tiêu chí ứng xử được soạn thảo dựa trên Hiến pháp, các bộ luật và giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc ta nên nó đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Tiêu chí ứng xử được áp dụng cho các thành viên trong gia đình (theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13) bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại.

Trong các tiêu chí ứng xử chung, Tôn trọng, Bình đẳng, Yêu thương, Chia sẻ được chọn làm các điểm nhấn. Còn trong tiêu chí ứng xử giữa anh, chị, em: Hòa thuận; Chia sẻ được chọn làm điểm nhấn. Nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể: Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị; Cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Rõ ràng, mối quan hệ anh chị em rất nhiều chiều nên phong phú, đang dạng, giàu cảm xúc. Sống trong những mối quan hệ này, con người trở nên linh hoạt, tinh tế, đầy trách nhiệm. Chính vì vậy mà trong kho tàng tục ngữ, ca dao có rất nhiều châm ngôn, danh ngôn sâu sắc về quan hệ anh chị em. Tục ngữ vốn ít chữ, nhiều nghĩa và khúc chiết. Câu tục ngữ “Máu trên nhỏ máu dưới” nói lên quan hệ huyết thống anh em bền chặt. Tương tự câu “Chị ngã, em nâng” chỉ có 4 chữ nhưng đã tạo nên hình ảnh rất cảm động.

Ca dao với đặc trưng câu trên 6 chữ, câu dưới 8 chữ; lại có vần, có điệu nên dễ nhớ đã phản ánh sinh động về quan hệ anh, chị, em. Nếu như câu ca dao: “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” là một lời tâm sự tỉ tê, một lời khuyên chân thành về cách ứng xử; thì câu “Anh em trên kính, dưới nhường/Là nhà có phúc, mọi đường yên vui” đưa ra cách đánh giá giá trị của cách ứng xử tốt đẹp, đúng đạo lý giữa anh và em. Và nhiều câu khác nữa : “Anh em như thể chân tay/Cùng cha, cùng mẹ hăng say việc nhà”; “Anh em một họ, một nhà/Thương nhau chân thật, đường xa cũng gần”; “Chẳng thi, chẳng đỗ, chẳng sao/ Anh em không được người nào bỏ nhau”.

Quả thật, từ xa xưa đến nay, người Việt Nam chúng ta có truyền thống xem trọng huyết thống, xem trọng tình cảm anh em. Dù trong hoàn cảnh nào thì anh em ruột thịt vẫn luôn là những người đầu tiên quan tâm, lo lắng cho nhau.  Mối quan hệ anh em được xác định bằng nhiều tiêu chí nhưng điểm nhấn của mối quan hệ này là Hòa thuận, Chia sẻ, Nhường nhịn./.

Phòng Văn hóa và Thông tin


Số lượt người xem: 1034    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày