Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
7
6
1
4
1
7
Văn hóa xã hội 04 Tháng Tám 2020 2:05:00 CH

Quyền và trách nhiệm của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ

Cũng giống như các đối tượng khác trong gia đình, con cái có những quyền lợi và nghĩa vụ phù hợp với vai trò và bổn phận của mình. Những quyền lợi và nghĩa vụ này phù hợp với các quy định của luật pháp cũng như của quan niệm của xã hội khi nhìn nhận về vai trò của người làm con trong gia đình.

1. Quyền của người con

          - Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

          - Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

          - Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

          - Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

          - Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.

          - Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con

          - Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

          - Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

          - Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

          - Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng.

          2. Trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu với cha mẹ, ông bà

          Không chỉ ông bà, cha mẹ cần có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục đối với con, cháu mà người làm con, cháu cũng có những trách nhiệm, nghĩa vụ để chăm sóc, phụng dưỡng những người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình. Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh lòng hiếu thảo và sự kính trọng của con, cháu trong quan hệ ứng xử với ông bà, cha mẹ của mình. Bên cạnh những trách nhiệm được luật pháp quy định, con cháu trong các gia đình còn có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa, truyền thống đạo đức của gia đình, dòng tộc; chăm lo tới việc thờ tự, cúng giỗ, hiếu hỷ. Người làm con, cháu nào cũng muốn làm tròn bổn phận đối với ông bà, cha mẹ của mình, tuy nhiên việc này cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện riêng. Khi còn trong độ tuổi đi học, việc làm tròn bổn phận của con, cháu đối với cha mẹ, ông bà là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, tích lũy kiến thức và trau dồi đạo đức để khi trưởng thành sẽ tự tin tham gia vào đời sống xã hội, lao động để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình. Khi đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng, việc làm tròn bổn phận của con, cháu là sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức xã hội, chăm lo gia đình riêng của mình chu đáo, chăm sóc, phụng dưỡng, thăm nom cha mẹ, ông bà khi có thời gian, theo khả năng và điều kiện… Nói chung trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, người con làm tròn bổn phận phải là người có ý thức trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm đó phù hợp với đạo lý và luật pháp của xã hội hiện hành.

          - Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

          - Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.

          - Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình.

          - Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

          - Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

          - Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng.

          Quyền và trách nhiệm là hai yếu tố gắn liền của các thành viên trong gia đình, có quan hệ mật thiết tới việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc, sự bền vững trong mối quan hệ gia đình. Việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các thành viên trong mỗi gia đình là không giống nhau bởi các yếu tố tác động như quan niệm, điều kiện, nhu cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mỗi người khi giữ các vai trò đều phải ý thức và nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của mình để tránh việc xao nhãng, không làm tròn bổn phận hoặc vô tình vi phạm pháp luật. Quan trọng nhất, mỗi người trong chúng ta đều cần ý thức được giá trị của gia đình - tổ ấm thiêng liêng để cùng nỗ lực thực hiện tốt những vai trò của mình./.

Phòng Văn hóa và Thông tin


Số lượt người xem: 2902    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày