Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
8
2
8
5
An ninh trật tự 28 Tháng Bảy 2022 4:55:00 CH

Công an Quận 12 tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn Quận 12

Trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên như: trộm cắp, cướp giật; ma túy; bạo lực học đường; xâm hại tình dục trẻ em... xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi trong cả nước đã làm cho dư luận xã hội quan tâm và lo ngại. Tình trạng trên đã và đang gióng lên một hồi chuông báo động không chỉ ở nhà trường, gia đình mà nó lan rộng ra toàn xã hội.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Quận 12 đã xảy ra 145 vụ phạm pháp hình sự, lực lượng Công an quận đã bắt được 182 đối tượng, trong đó nhiều đối tượng tuổi đời còn rất trẻ như vụ hai đối tượng Trần Văn Khuê, sinh năm 2004 (HKTT: Xóm 13, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; chỗ ở: Không nơi cư trú nhất định và Hồ Hữu Đức, sinh năm 2007 (HKTT: Xóm 2, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; Chỗ ở: Không nơi cư trú nhất định) đã thực hiện lại hành vi “Cướp tài sản” của ông Patrick Reocreux; sinh năm 1966 (quốc tịch Pháp) tại phòng trọ số 13, địa chỉ: 173B, Tổ 30, Khu phố 2, phường Thạnh Xuân, Quận 12 vào ngày 02/7/2022 tại phường Thạnh Xuân, Quận 12...

 

Do đó, để chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn quận. Công an Quận 12 khuyến cáo về phương thức, thủ đoạn và cách phòng ngừa đối với loại tội phạm trên, cụ thể:

* Đối tượng: Mọi đối tượng là thanh, thiếu niên, trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị dẫn dụ, khống chế, lôi kéo, ép buộc vào các hoạt động phạm tội như: trộm cắp, cưóp giật; bạo lực học đưòng; mua bán, sử dụng chất ma túy; nguy cơ xâm hại tình dục..., không phân biệt giới tính, gia đình nghèo hay khá giả.

* Nguyên nhân: Do thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân (đa số các em có hoàn cảnh éo le: cha, mẹ không có việc làm, cờ bạc, ly thân, ly dị); sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc nắm tình hình học tập, sinh hoạt và quản lý giáo dục học sinh chưa thường xuyên, chặt chẽ; sự xâm nhập các loại văn hóa phẩm đồi trụy, các loại game bạo lực phát tán trên mạng Internet đã gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý, lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên và công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nếp sống văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội chưa được thường xuyên, liên tục; các trang Web có nội dung bạo lực, đồi trụy chưa được kiểm soát chặt chẽ; sống trong môi trường thiếu lành mạnh bị sự tác động lôi kéo, dụ dỗ của bạn bè xấu và bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi, thích hưởng thụ, đua đòi dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội...

Ngoài ra, còn nguyên nhân chủ quan là do đặc điểm lứa tuổi thanh thiếu niên thiếu hiểu biết về pháp luật, không được trang bị những kiến thức cơ bản và cần thiết nên khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, còn lúng túng tìm hướng giải quyết, bế tắc và thiếu trách nhiệm với bản thân dẫn đến những quyết định sai lầm gây hậu quả đáng tiếc.

* Phương thức, thủ đoạn: Tội phạm trong thanh thiếu niên có thể bị tác động dưới nhiều hình thức: Ảnh hưởng bởi game bạo lực; đua đòi; thể hiện bản thân; thành lập băng nhóm, trang bị hung khí (dao lê, mã tấu...) để thanh toán với các băng nhóm khác; thực hiện hành vi phạm tội, với thủ đoạn:

(1)Lợi dụng đêm khuya, rảo quanh các tuyến đường tối, vắng người qua lại khi phát hiện nạn nhân (di chuyển một mình, phụ nữ, người lớn tuổi...), dùng hung khí khống chế cướp tài sản của nạn nhân rồi nhanh chóng tẩu thoát (đối tượng thường rất liều lĩnh, ra tay tàn độc như đâm, chém gây thương tích nặng cho nạn nhân nếu bị chống trả).

(2)Do cần tiền tiêu xài, sử dụng ma túy, nghiện game đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của gia đình và hàng xóm nơi cư ngụ hoặc bị bạn bè, đối tượng xấu dụ dỗ, tác động, xúi giục lôi kéo sử dụng, mua bán ma túy... cũng như các hành vi vi phạm pháp luật.

(3)Lứa tuổi thanh thiếu niên còn có thể bị lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết, thiếu tình cảm của cha mẹ, gia đình và người thân ..., đối tượng xấu dùng thủ đoạn: tặng quà, bao ăn uống... để tạo niềm tin, sau đó dẫn dụ nạn nhân để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Nhằm nâng cao cảnh giác, nhận biết và phòng, ngừa loại tội phạm trên, đề nghị:

* Đối với cấp chính quyền, nhà trường:

Các ban, ngành đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Quyền trẻ em, Luật trẻ em, Luật giáo dục, Bộ luật dân sự....; cách nhận biết, tác hại của ma túy, game bạo lực (với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, dân cư) đến các địa bàn dân cư, nâng cao nhận thức, giúp các tầng lớp nhân dân nhận thức, hiểu biết về tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do đối tượng vị thành niên gây ra.

Phát huy trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ trẻ khi trẻ bị xâm hại đến quyền, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó, cấp chính quyền có sự quan tâm tạo ra các sân chơi lành mạnh để hướng các em vào một môi trường tốt tránh xa các tệ nạn xã hội.

Giáo dục tại nhà trường là một môi trường rất quan trọng giúp trẻ em nhận thức được các giá trị của đạo đức, văn hóa và có cơ hội thực hành các kiến thức đã học, việc giáo dục pháp luật, đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, tác hại của ma túy, game bạo lực..., nhằm tạo kỹ năng sống giúp đứa trẻ phát triển một cách toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Chú trọng việc giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với học sinh cá biệt (những thanh thiếu niên có hoàn cảnh gia đình éo le, bị bạo lực gia đình nếu không được nhà trường và giáo viên quan tâm đúng mức sẽ khiến những đứa trẻ đó bị tách khỏi cộng đồng, dễ có những suy nghĩ tiêu cực và nhận thức không đầy đủ về cuộc sống).

Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh, nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhà trường, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.

Thực hiện tốt các nội dung ký kết phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trường học với Công an địa phương, bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực bên trong, bên ngoài cũng như khu vực xung quanh trường học, giữ mối liên hệ với Công an địa phương để nắm về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong thanh thiếu niên và phối hợp xử lý kịp thời khi có sự việc xảy ra.

* Đối với gia đình:

Các cháu trong độ tuổi thanh, thiếu niên nằm trong độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính bộc phát thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội, do đó trẻ em sống trong môi trường gia đình là môi trưòng tốt nhất, an toàn nhất để phát triển và hình thành nhân cách, vì vậy:

Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý giáo dục con em mình về đạo đức, lối sống, mối quan hệ, thái độ học tập, điểm... của con em mình. Phải nắm bắt kịp thời về diễn biến tâm sinh lý, hành vi của học sinh để phối hợp ngăn chặn, uốn nắn hoặc xử lý kịp thời hành vi sai phạm của con em mình.

Phải quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các cháu khi sinh hoạt ngoài cộng đồng cũng như trong thờòi gian ở nhà, phải dành thời gian gần gũi con em mình để giải thích, giáo dục các em về nhân cách sống, cách nhận biết và tác hại của ma túy; thủ đoạn lợi dụng thanh thiếu niên để phạm tội; tội phạm lợi dụng sơ hở dụ dỗ, lừa đảo, xâm hại các cháu.

Phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, thường xuyên chia sẻ với con mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết, nắm bắt các mối quan hệ bạn bè, nhũng biểu hiện, thái độ của các cháu, hướng dẫn con em mình vào các hoạt động lành mạnh, tránh xa tác hại của các loại game bạo lực, các loại văn hóa phẩm đồi trụy... Không đăng tải hình ảnh trẻ em lên các trang mạng xã hội, kiểm tra chặt chẽ việc con em sử dụng các trang mạng xã hội, các diễn đàn Internet để phòng ngừa bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; hạn chế việc cho trẻ sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh, nếu thật sự cần thiết chỉ nên sử dụng các thiết bị phục vụ nhu cầu nghe, gọi hoặc nhắn tin; trang bị cho các em biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý đồ xấu như: xâm phạm thân thể... Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan Công an để được hướng dẫn, xử lý.

Cuối cùng tình thương, trách nhiệm chính là phương thuốc hiệu nghiệm nhất để phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn Quận 12./.

CÔNG AN QUẬN 12


Số lượt người xem: 662    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày