Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
7
5
9
9
4
7

 

 

Giới thiệu sơ nét về Mặt trận Tổ quốc quận 12
Quận 12 được chia tách ra từ huyện Hóc Môn (cũ) từ năm 1997 theo tinh thần Nghị định số 03/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập các quận, phường mới thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó với cơ sở ban đầu từ 7 xã chuyển thành 10 phường, 38 ấp chuyển thành 38 khu phố và dân số khoảng 110.000 người đến nay (năm 2010) quận 12 có 11 phường với 80 khu phố và dân số trên 400.000 người mà chủ yếu tăng cơ học do dân nhập cư hầu hết từ các quận, huyện và tỉnh, thành trên cả nước đều có mặt trên địa bàn, tạo nên một sự đa dạng và phong phú về quan niệm, lối sống, văn hóa ứng xử... Với tình hình, đặc điểm như vậy đã tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quận 12 đồng thời cũng đặt ra không ít những khó khăn về mặt quản lý nhà nước, sự choáng ngợp của người dân bản địa trước sự biến đổi nhanh từ đời sống nông thôn lên thành thị, sự thích nghi và hòa hợp của người dân nhập cư từ các địa phương khác…
Chính vì vậy, trong suốt 13 năm qua, Mặt trận quận luôn xác định nhiệm vụ thực hiện vai trò là một tổ chức liên minh chính trị, thực hiện chức năng tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân. Luôn thực hiện công tác đổi mới phương thức hoạt động, nội dung tuyên truyền, thể hiện là đầu mối phối hợp tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật Nhà nước thông qua các chương trình hành động của Mặt trận hàng năm, trong đó đặc biệt chú trọng công tác giáo dục truyền thống anh hùng Chiến khu An Phú Đông – Vườn Cau đỏ… song song với việc phối hợp tuyên truyền các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng tại địa phương như “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Vì người nghèo”... đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng và được nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hằng năm hộ gia đình văn hóa đạt từ 80% đến trên 90 %. Khu phố văn hóa được xây dựng và phát triển, trong những năm gần đây cùng với sự phát triển đô thị hóa nhanh dẫn đến công tác quản lý xã hội càng phức tạp nên từ năm 2007, khu phố văn hóa có giảm đi về lượng nhưng phong trào hướng về chất cao hơn. Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một hoạt động nổi bật hàng năm của hệ thống Mặt trận để kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11). Nhiều hoạt động chào mừng bằng các công trình dân sinh như phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm để bê tông hóa hẻm nội bộ ở các khu dân cư ngày càng tạo nên cảnh quan đô thị như: Giáo xứ Tân Hưng huy động bà con giáo dân gần 1 tỷ đồng để bêtông hóa tất cả hẻm nội bộ khu dân cư khu phố 1 (phường Tân Thới Hiệp), đường Lê Thị Riêng là tuyến đường đang được thành phố xây dựng tuyến đường điểm là một minh chứng cho việc nhân dân hiến đất và làm nền hạ tầng trên 3 km để nhà nước đầu tư mở rộng thành đường trung tâm hành chính của quận nhà; các hoạt động chăm lo như giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhà tình thương, chống dột…, đặc biệt là kịp thời tuyên dương gương “Người tốt – việc tốt” (từ 600 – 1000 gương) trên các lĩnh vực trong dịp tổ chức Ngày Hội, qua đó giới thiệu gương tiêu biểu khen thưởng cấp Quận, Thành phố góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đồng thời phối hợp lồng ghép vào cuộc vận động là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước như “Nếp sống văn minh – mỹ quan đô thị”, phong trào “Toàn dân tham gia chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; phòng chống ma túy; phong trào xây dựng khu phố không có tội phạm ẩn náu, chuyển hóa địa bàn đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đáng chú ý, cuộc vận động “Vì người nghèo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Mặt trận. Hiệu quả từ chương trình này đã góp phần cùng chính quyền quận xóa hộ đói, giảm hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố. Qua đó đến năm 2008 quận đã hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 6 triệu đồng/ người/ năm. Riêng chương trình “Vì người nghèo” do Mặt trận quận tổ chức vận động qua 13 năm đã thu được số tiền gần 11 tỷ đồng (trong đó đặc biệt với 02 chương trình văn nghệ Nghĩa tình An Phú Đông và Giai điệu tình thương 10 đã được nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp 5,8 tỷ đồng) để thực hiện công tác chăm lo cho gia đìng chính sách và dân nghèo với 254 căn nhà tình nghĩa, 835 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 760 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương…, hàng ngàn suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ, hàng trăm xe đạp làm phương tiện đi học để giúp trẻ em nghèo tiếp tục có điều kiện đến trường. Ngoài ra Mặt trận còn vận động nhân dân ủng hộ trên 2,4 tỷ đồng để đóng góp về Mặt trận Thành phố cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai bão lũ trong những năm qua; vận động trên 113 triệu đồng quỹ “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc” theo phân bổ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Một trong những công tác Mặt trận quận hoạt động có hiệu quả đó là tạo được sự gắn kết mật thiết với các chức sắc tôn giáo – dân tộc trên địa bàn, được thể hiện qua việc hàng năm Mặt trận phối hợp cùng Quận ủy - Ủy ban nhân dân tổ chức các Đòan đến thăm, chúc mừng các cơ sở thờ tự, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân các ngày lễ trọng và Tết cổ truyền của dân tộc; qua các năm 2007, 2008, 2009 phối hợp tổ chức Đoàn đại biểu đại diện giới Công giáo trên địa bàn gồm một số vị Linh mục, các vị trong Hội đồng mục vụ của 6 giáo xứ trên địa bàn đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành bạn. Bên cạnh đó, Mặt trận đã vận động được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào có đạo, nhất là chức sắc, chức việc các tôn giáo đóng góp cho các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, qua đó hàng năm đã đóng góp cho Mặt trận quận, phường hàng tỷ đồng để tham gia các hoạt động từ thiện – xã hội, tặng quà tết cho dân nghèo, hỗ trợ xây tặng nhà tình thương, vận động giáo dân tham gia thực hiện phong trào xã hội hóa đường nông thôn…
Đặc biệt, từ năm 2007, hệ thống Mặt trận phối hợp triển khai cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, mỗi đảng viên trong chi bộ, từng gia đình trong nhân dân đã có sức lan tỏa làm cho cuộc vận động thu hút được xã hội quan tâm, thông qua các hình thức hội thi kể chuyện, những mẫu chuyển kể về đạo đức Bác Hồ, những điển hình học tập và “làm theo”, hưởng ứng phong trào treo ảnh Bác trong nhà, trong cơ quan đã tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức dẫn đến hành động trong toàn xã hội. Riêng trong năm 2010, với chuyên đề về Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận đã tổ chức hội nghị học tập chủ đề trên cho các đối tượng chức sắc, chức việc các tôn giáo, dân tộc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và 80 Ban công tác Mặt trận cơ sở. Kết quả có 150 vị là chức sắc, tu sĩ, chức việc trong các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận, cán bộ Mặt trận cơ sở là người ngoài Đảng tham dự.
Thực hiện công tác phát huy dân chủ cơ sở thông qua công tác giám sát, xây dựng chính quyền:
 Mặt trận phối hợp tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri với Tổ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố, phối hợp tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tiếp xúc cử tri nơi ứng cử đã tạo nên mối quan hệ giữa nhân dân và người đại biểu tốt hơn, tâm tư nguyện vọng bức xúc của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc được tổng hợp và kiến nghị chính quyền các cấp xem xét giải quyết cho nhân dân. Trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân quận, Mặt trận đều có tham luận góp ý xây dựng chính quyền, thể hiện được vai trò giám sát của Mặt trận.
Hiện nay khi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, hệ thống Mặt trận từ quận đến cơ sở đều xây dựng chương trình và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; tổ chức hội nghị thông tin để qua đó thể hiện được vai trò giám sát của mặt trận và tăng cường mối quan hệ phối hợp với chính quyền trong giải quyết kiến nghị của nhân dân.
Đặc biệt, từ năm 2004 Mặt trận quận đã phối hợp tổ chức triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Hội đồng nhân dân phường bầu (Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường). Việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền; giúp cho Quận ủy có cơ sở đánh giá đúng về năng lực cán bộ, đồng thời cũng qua đó giúp cho cán bộ lãnh đạo ở địa phương tự hoàn thiện mình để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Việc tổ chức thí điểm ở 2 phường Tân Thới Nhất và Trung Mỹ Tây thực hiện Nghị quyết liên tịch 05 về công tác Mặt trận Tổ quốc giám sát cán bộ công chức, đảng viên ở khu dân cư đã góp phần thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được rõ hơn.
Song song đó, hệ thống Mặt trận triển khai thực hiện có hiệu quả bước đầu các nội dung của Pháp lệnh 34 để tăng cường họat động của thanh tra nhân dân và giám sát cộng đồng dân cư thể hiện qua việc đầu tư, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Từ đó tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.   
Có thể nói, việc tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng của hệ thống Mặt trận quận gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã góp phần xây dựng quận 12 trở thành “Quận đô thị - Văn minh – Nghĩa tình” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ IV đề ra./.
  
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ:                     Số 1, đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12.
Điện thoại:                38917483