Trong 5 chính sách, có 3 chính sách mới về địa chất. Điều đó cho thấy, việc đổi tên Luật Khoáng sản thành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết để bao hàm đầy đủ phạm vi, đối tượng áp dụng cũng như các quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất.
*Chính sách thứ nhất, là chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản. Chính sách này bổ sung mới quy định làm rõ nội hàm của “tài nguyên địa chất”, “các điều kiện địa chất khác”; làm rõ các nội dung liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất (điều tra địa chất công trình - thủy văn, địa chất tai biến, di sản địa chất, công viên địa chất...); ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về điều tra cơ bản địa chất để thống nhất áp dụng cho các ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, bổ sung mới quy định làm rõ “tài nguyên địa chất” gồm: tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các ngành kinh tế khác; quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất nhằm để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các ngành, địa phương, chuyển đổi số để xây dựng “cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản”. Ngoài ra, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn theo Quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt, đồng thời, dự trữ khoáng sản để phát triển ổn định, lâu dài; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong điều tra cơ bản địa chất.
*Chính sách thứ hai là chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản đối với công tác bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác nhằm luật hóa quy định về quản lý tài nguyên địa chất, quản lý, kiểm soát hệ thống điều tra địa chất, hiệu quả dữ liệu địa chất nhằm bảo đảm an ninh đảm bảo nguồn nguyên liệu, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành địa chất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản theo mục tiêu sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo quan điểm về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính.
*Chính sách thứ ba, là chính sách về khu vực khoáng sản, nhằm sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định về khu vực khoáng sản, bao gồm Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; Khu vực cấm hoạt động khoáng sản; Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia về khái niệm, tiêu chí khoanh định, điều chỉnh khu vực,... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tiễn thi hành.
*Chính sách thứ tư, là chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đặt mục tiêu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đối với các nhóm quy định về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo một số hướng. Cụ thể, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường theo mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn; hoàn thiện chính sách tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội,... đảm bảo quyền lợi cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản. Ngoài ra, hoàn thiện chế định về cấp phép thăm dò, khai thác đối với các loại khoáng sản nói chung, trong đó, có quy định riêng đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khoáng sản, góp phần hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây tổn thất tài nguyên, trong đó, có phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản (đến cấp huyện).
*Chính sách thứ năm, là chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản. Mục tiêu của chính sách này là hoàn thiện quy định về tài chính về địa chất nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời, bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến trình cải cách dịch vụ công và sự ổn định hoạt động của bộ máy Nhà nước, hướng tới mục tiêu phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, giảm thu ngân sách Nhà nước.
VHTT