Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, tiếp tục đấu tranh đánh đuổi Pháp ở miền Nam. Chính phủ Việt Nam đã nhân nhượng và ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946 nhằm cứu vãn tình thế. Nhưng với mưu đồ cướp nước ta một lần nữa, Pháp ngày càng đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh; mọi biện pháp vãn hồi hòa bình đã bị cản trở.
Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người vạch trần dã tâm xâm lược của Pháp, khẳng định ý chí quyết tâm của cả dân tộc là: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ . . . Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” . Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã nhất tề đứng lên kháng chiến đánh đuổi Pháp xâm lược.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với hơn 200 từ nhưng rất súc tích, cô đọng, thể hiện những tư tưởng lớn, có giá trị sâu sắc. Tác phẩm, bút tích của Người trở thành một trong 5 “Bảo vật Quốc gia” theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chính thức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hịch, cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân; khơi dậy truyền thống anh hùng dân tộc; khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc nhất định thắng lợi; là mệnh lệnh tiến công cách mạng cổ vũ, động viên nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 78 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân Quận 12 tích cực thi đua hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, thực hiện tốt Chủ đề năm 2024 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn Quận 12./.
Phòng VHTT