Thực hiện Kế hoạch số 10462/KH-UBND-YT ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Quận 12 về triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025.
Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân được vui Xuân đón Tết, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025. Ủy ban nhân dân Quận 12 đề nghị các tổ chức, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn quận thực hiện tốt một số nội dung như sau:
1. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
- Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh thực phẩm.
- Tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.
2. Đối với người tiêu dùng:
- Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Kiểm tra kỹ nhãn mác.
- Bảo quản tốt thực phẩm.
- Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.
3. Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân và cách xử trí ngộ độc thực phẩm:
3.1. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm:
- Buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu.
- Đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu) có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C.
3.3. Nguyên nhân và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm:
- Thực phẩm đã qua giết mổ: Chọn cửa hàng có bảo hành chất lượng. Thực phẩm đồ hộp quan sát kỹ hạn sử dụng, không mua các loại đồ hộp bị phồng, méo mó, hộp đã gỉ; Thực phẩm sau khi mua về cần chế biến ngay hoặc phải bảo quản trong tủ lạnh; Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần bọc kín, để riêng thức ăn sống và chín, nơi chế biến thức ăn cần tránh xa nhà vệ sinh, cống rãnh,…
- Thịt để trong vòng 1 giờ nên bảo quản trong tủ lạnh. Để thịt, cá, hải sản không bị mất chất nên dự trữ ngăn đá khoảng 02 ngày, thịt bò, bê 3-5 ngày.
- Khi chế biến thức ăn, phải vệ sinh tay thật sạch. Không dùng chung dụng cụ khi chế biến thức ăn sống và chín.
- Thức ăn nên dùng ngay sau khi chế biến hoặc chậm nhất sau 24-48 giớ nếu bảo quản tốt; Thức ăn cũ chỉ nên sử dụng lại một lần, tránh mất chất dinh dưỡng; Thức ăn an toàn là khi được nấu chín ở nhiệt độ 60-100 độ.
- Giữ cho nhà bếp luôn sạch sẽ và khô thoáng, bát đũa sau khi rửa cần được sấy khô và bảo quản chỗ khô ráo.
3.3. Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm:
- Người bị ngộ độc còn tỉnh táo: Làm chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt.
+ Cách làm: Dùng 02 ngón tay để ngoày họng hay 01 thìa nhỏ đưa vào gốc lưỡi để gây nôn. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.
- Bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng: bù nước và chất điện giải.
+ Cách làm: Cho uống Oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa. Cho bệnh nhân ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu.
- Nếu không cải thiện mà mất nước nặng, li bì, sốt cao hay phân có máu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Ủy ban nhân dân quận đề nghị các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo nêu trên, góp phần đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình để mọi người, mọi nhà cùng đón một mùa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn./.
(Đính kèm tài liệu tuyên truyền).



Phòng VHTT