Trong những năm qua, việc thực hiện Kết luận kiểm tra được tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, cá biệt còn có chủ thể kiểm tra coi kết thúc cuộc kiểm tra là hết trách nhiệm, việc còn lại thuộc về cấp ủy quản lý đối tượng kiểm tra… Nhận thức này dẫn đến Kết luận kiểm tra do chủ thể kiểm tra ban hành không được đối tượng kiểm tra chấp hành nghiêm túc, việc chỉ đạo khắc phục hậu quả do các vi phạm gây nên thiếu kiên quyết, kém hiệu quả, làm giảm tác dụng tích cực của công tác kiểm tra, thậm chí gây nên hoài nghi, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để các Kết luận kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, cấp ủy đảng cần tăng cường trong công tác kiểm tra nói chung và nhất là sau khi đã kết thúc hoạt động kiểm tra, tạo tác dụng tích cực thực sự với đối tượng được kiểm tra, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Trên thực tế, bất cứ cuộc kiểm tra nào cũng có tổ (đoàn) công tác thực hiện, là đại diện trực tiếp cho chủ thể kiểm tra (có thể là cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp hoặc đại diện cho các ban tham mưu của cấp ủy). Do vậy, khi kết thúc hội nghị kiểm tra mới chỉ dừng lại ở việc thông báo dự thảo kết luận, sau khi chủ thể kiểm tra ban hành kết luận, chính thức công bố để chấp hành mới có thể coi là cuộc kiểm tra đã kết thúc. Một số chủ thể kiểm tra ở thời điểm công bố dự thảo kết luận có nhận thức “đã hoàn thành nhiệm vụ”, với đối tượng kiểm tra thì cho rằng “mình đã kiểm tra xong”. Cấp ủy một số nơi do không giám sát, đôn đốc việc chấp hành kết luận kiểm tra nên không nắm rõ thông tin việc chấp hành kết luận kiểm tra đã ban hành như thế nào, thậm chí có đối tượng được kiểm tra tiếp tục tái phạm lỗi đã mắc trước đó, nhưng tâm lý “mình đã kiểm tra” nên không có ý thức nghiêm túc trong tu dưỡng, rèn luyện.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm phát huy tác dụng tích cực của công tác kiểm tra theo đúng phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, sau mỗi cuộc kiểm tra, cấp ủy lãnh đạo các chủ thể kiểm tra và cấp ủy quản lý đối tượng kiểm tra cần nhận thức đúng và thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là, sau hội nghị kiểm tra, tổ (đoàn) kiểm tra khẩn trương hoàn thiện kết luận kiểm tra, báo cáo chủ thể kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra gửi tới đối tượng kiểm tra và tổ chức đảng quản lý đối tượng kiểm tra. Căn cứ tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm tra, tổ (đoàn) kiểm tra chủ động báo cáo với chủ thể kiểm tra toàn bộ kết quả kiểm tra và dự thảo kết luận. Đây là công việc thường xuyên sau mỗi cuộc kiểm tra, tuy nhiên cũng cần đặt ra các yêu cầu cụ thể:
+ Đối với chủ thể kiểm tra: Chủ động yêu cầu tổ (đoàn) kiểm tra báo cáo chi tiết quá trình kiểm tra, những thuận lợi, khó khăn, kết quả phối hợp khi kiểm tra, công tác thẩm tra, xác minh, thái độ và nhận thức của đối tượng kiểm tra (hợp tác hay không hợp tác..), xem xét kỹ các tài liệu để lên kế hoạch mở hội nghị nghe báo cáo kết quả kiểm tra, thống nhất ban hành kết luận kiểm tra; chuẩn bị các nội dung chỉ đạo tiếp theo sau khi đã ban hành kết luận kiểm tra.
+ Đối với đối tượng kiểm tra: Căn cứ dự thảo kết luận và ý kiến chỉ đạo tại hội nghị kiểm tra, cấp ủy triển khai các nội dung cụ thể với các tổ chức, cá nhân liên quan, khi có kết luận chính thức cuộc kiểm tra do chủ thể kiểm tra ban hành cần thông báo theo quy định và chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của kết luận.
+ Đối với tổ, (đoàn) kiểm tra: Báo cáo trung thực, đầy đủ các nội dung đã kiểm tra và kết quả, dự thảo kết luận kiểm tra, trả lời các chất vấn của chủ thể kiểm tra, căn cứ chứng cứ thu thập được để bảo vệ kết quả kiểm tra, không thỏa hiệp thay đổi kết luận kiểm tra một cách tùy tiện, thiếu căn cứ. Chủ động tham mưu với chủ thể kiểm tra kế hoạch ban hành kết luận kiểm tra, sau khi hoàn thành việc ban hành kết luận kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ kiểm tra, bảo quản theo quy định tài liệu “Mật” của Đảng. Tổ (đoàn) kiểm tra chỉ hoàn thành nhiệm vụ sau khi đã ban hành kết luận kiểm tra.
Hai là, cấp ủy chỉ đạo giám sát, đôn đốc việc chấp hành kết luận kiểm tra đã ban hành. Căn cứ nội dung kết luận kiểm tra đã ban hành, chủ thể kiểm tra giao cho các bộ phận chức năng giám sát, đôn đốc việc chấp hành kết luận kiểm tra của đối tượng kiểm tra và các tập thể, cá nhân liên quan, yêu cầu duy trì chế độ thông tin, báo cáo hằng tuần với cấp ủy cấp trên. Nếu quá trình chấp hành kết luận kiểm tra có khó khăn, khó bảo đảm tiến độ, cấp ủy quản lý đối tượng kiểm tra báo cáo và phải được sự đồng ý của chủ thể kiểm tra. Thông thường, trong mỗi kết luận kiểm tra, có nội dung cụ thể cho các tập thể, cá nhân liên quan; do vậy, cần gắn trách nhiệm quản lý của các tổ chức với cá nhân để việc chấp hành kết luận bảo đảm chất lượng và thời gian theo tiến độ.
Ba là, các cấp ủy đảng chỉ đạo khắc phục hậu quả về vật chất và tinh thần do hành vi vi phạm của cá nhân hoặc tổ chức gây nên.
Trong các cuộc kiểm tra, khi phát hiện các sai phạm của tập thể, cá nhân và xác định mức độ, tính chất, tác hại… các cấp ủy đảng phải có yêu cầu cụ thể khắc phục. Trên thực tế, có những hậu quả do hành vi sai phạm gây nên là vật chất hoặc tinh thần. Cấp ủy yêu cầu đối tượng kiểm tra khắc phục hậu quả về thời gian và nội dung khắc phục, duy trì chế độ báo cáo chất lượng khắc phục để phân loại những tập thể, cá nhân có ý thức chấp hành tốt, những trường hợp chây ỳ không chịu khắc phục, coi đó là cơ sở để cân nhắc các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ khi xử lý kỷ luật (nếu có).
Bốn là, chỉ đạo xử lý kỷ luật nếu có (kỷ luật về Đảng phải xem xét cả cá nhân vi phạm và tổ chức đảng quản lý; kỷ luật về chính quyền: Xem xét về hành chính; về kinh tế; kỷ luật về Đoàn thể mà cá nhân đảng viên là thành viên tham gia. (Kỷ luật về Đảng không thay thế cho hình thức kỷ luật về chính quyền).
Khi sai phạm của tổ chức đảng hay cá nhân đến mức phải thi hành kỷ luật, cấp ủy chỉ đạo xử lý kỷ luật theo quy định, có xem xét đến thái độ và hiệu quả khắc phục hậu quả để có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng khi áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp. Bên cạnh đó, cấp ủy cần lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị xử lý kiên quyết, đồng bộ giữa hình thức kỷ luật của đảng, chính quyền, đoàn thể. Khi xem xét thi hành kỷ luật cá nhân đảng viên, phải xem xét trách nhiệm của chi bộ quản lý đảng viên, kỷ luật cấp ủy viên phải xem xét trách nhiệm của tập thể cấp ủy mà đảng viên đó tham gia. Với cá nhân đảng viên bị kỷ luật thuộc thẩm quyền cấp ủy cấp trên theo phân cấp quản lý, cấp ủy chủ động tham mưu đề xuất, bảo đảm thi hành kỷ luật đúng phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”.
Năm là, họp rút kinh nghiệm cuộc kiểm tra: Việc tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc kiểm tra vô cùng quan trọng, có thể tiến hành ngay sau khi kết thúc kiểm tra, hoặc sau khi đã xử lý kỷ luật các đối tượng có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Thông thường các nội dung cần rút kinh nghiệm như: Rút kinh nghiệm về xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra có phù hợp giữa nội dung kiểm tra và bố trí lực lượng hay không; thời gian, thời điểm kiểm tra; trong phân công các thành viên tham gia kiểm tra, công tác phối hợp với các ngành chức năng khi kiểm tra; công tác thẩm tra, xác minh; về điều hành trong quá trình kiểm tra, việc quản lý tài liệu; xử lý các tình huống khi kiểm tra; việc cung cấp thông tin cho báo chí…
Sáu là, lập và lưu trữ, niêm phong hồ sơ kiểm tra, đánh bút lục theo số thứ tự các loại tài liệu lưu trong hồ sơ. Hồ sơ kiểm tra là tài liệu mật theo quy định của Đảng. Do đó, sau kiểm tra phải quản lý chặt chẽ hồ sơ kiểm tra, xếp theo thứ tự thời gian, công việc, mô tả các loại tài liệu có trong hồ sơ và niêm phong. Việc mở hồ sơ phải tuân thủ quy định của cấp ủy.
Bảy là, thông báo kết luận kiểm tra tới các tổ chức đảng và đảng viên theo quy định. Thông thường, nội dung kết luận kiểm tra của chủ thể kiểm tra gửi cho đối tượng kiểm tra biết và để chấp hành. Tuy nhiên, có những nội dung của kết luận kiểm tra có thể thông báo một phần tới các tổ chức đảng hoặc đảng viên không kiểm tra biết, có tác dụng phòng ngừa các vi phạm trong đảng bộ. Nội dung trích kết luận này phải được sự đồng ý của cấp ủy quản lý theo phân cấp.
Tám là, xây dựng Kế hoạch phúc tra (nếu cần). Trong quá trình kiểm tra, chủ thể kiểm tra phát hiện ra các lỗi vi phạm của đối tượng kiểm tra, đưa vào nội dung kết luận. Trên thực tế, có những lỗi rất có thể tái phạm, do đó, chủ thể kiểm tra cần cân nhắc các nội dung của kết luận đã ban hành để xây dựng kế hoạch phúc tra toàn bộ kết luận, hoặc phúc tra một nội dung của kết luận. Kế hoạch phúc tra này thường gắn với hình thức kiểm tra bất thường, vừa có tác dụng xác định ý thức, trách nhiệm chấp hành kết luận kiểm tra của đối tượng đã kiểm tra, đồng thời đánh giá trách nhiệm của cấp ủy quản lý đối tượng kiểm tra về việc lãnh đạo triển khai kết luận kiểm tra đã ban hành.
(Nguồn: Tạp Chí Kiểm tra Trung ương năm 2020)