Tiếp đảng viên và công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua hoạt động tiếp đảng viên và công dân, Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Làm tốt công tác tiếp đảng viên và công dân là thể hiện quan điểm của Đảng “dân là gốc”, dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những đường lối, chủ trương, chính sách, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Một số vấn đề về kỹ năng tiếp đảng viên và công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của đảng viên và công dân, cụ thể như sau:
Thứ nhất, giai đoạn tiếp xúc ban đầu: Giai đoạn này cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần chú ý thực hiện: Có thái độ, tác phong, cử chỉ, lời nói lịch sự, nhã nhặn, bình tĩnh, khiêm tốn, đúng mực ngay từ khi tiếp xúc ban đầu với đảng viên và công dân, cũng như trong suốt quá trình tiếp đảng viên và công dân. Yêu cầu đảng viên và công dân xuất trình giấy tờ tuỳ thân như: Giấy chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu cần)... và tiến hành các thủ tục kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ đó cũng như ghi chép, phản ánh vào Sổ tiếp đảng viên và công dân các thông tin cơ bản về nhân thân của đảng viên và công dân.
Thứ hai, quá trình làm việc: Giai đoạn này, cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung sau: Lắng nghe, ghi chép thành biên bản nội dung trình bày của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì cán bộ tiếp đảng viên và công dân yêu cầu họ cử đại diện để trình bày trung thực sự việc. Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan (nếu có). Nghiên cứu, đánh giá, phân loại và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, giai đoạn kết thúc: Kết thúc buổi tiếp đảng viên và công dân cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần làm tốt những công việc sau: Đọc biên bản làm việc và yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ký xác nhận. Ghi nhận đầy đủ nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vào Sổ tiếp đảng viên và công dân.
Đây là những nét khái quát, cơ bản nhất về quy trình tiếp đảng viên và công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Sự phân chia các bước, các giai đoạn cũng như tên gọi của nó trong quy trình này cũng chỉ mang tính chất tương đối. Trong thực tế, việc phân chia, định danh các bước, các giai đoạn của quy trình tiếp đảng viên và công dân có những thay đổi, điều chỉnh nhất định phụ thuộc vào loại đối tượng được tiếp và tính chất, nội dung sự việc. Bên cạnh đó, cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần có cách thức tiếp phù hợp với từng loại đối tượng cụ thể:
Khiếu nại hoàn toàn khác với tố cáo, việc khiếu nại, tố cáo mang tính chất đơn lẻ, cá biệt cũng có nhiều điểm đặc thù so với khiếu nại, tố cáo đông người, tập thể (nhiều người khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung). Do đó, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc tiếp đảng viên và công dân, cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần có cách thức tiếp phù hợp với từng loại đối tượng. Tiếp người đến tố cáo, nhìn chung cũng tương tự như tiếp người đến khiếu nại, song do tính chất nội dung của tố cáo khác với khiếu nại, cho nên về nghiệp vụ việc tiếp người đến tố cáo cũng có những điểm khác biệt nhất định với việc tiếp người đến khiếu nại.
Thực tế cho thấy, tố cáo thường xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, hoặc vì trách nhiệm của đảng viên và công dân chân chính hoặc vì bè phái, mâu thuẫn nội bộ, thậm chí có thể là vu cáo, bôi nhọ người khác... Cho dù vì động cơ gì, trước hết cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần chú ý các quyền của người tố cáo do pháp luật quy định, nhất là việc giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo, bảo đảm cho người tố cáo không bị đe dọa, trù dập, trả thù. Sau khi làm thủ tục kiểm tra, đối chiếu giấy tờ tuỳ thân của đảng viên và công dân đến tố cáo, cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần lưu ý 3 trường hợp sau:
Nếu việc tố cáo có tính chất khẩn cấp: Như tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hiện còn đang diễn ra, có khả năng gây hậu quả thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, tập thể, công dân, thì cán bộ tiếp đảng viên và công dân phải nhanh chóng thông tin cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời.
Nếu việc tố cáo có liên quan đến những cá nhân giữ những trọng trách của địa phương, của ngành, thuộc diện quản lý của cấp ủy cấp trên, của Trung ương, hoặc những việc nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì phải báo cáo ngay với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị để chỉ đạo việc tiếp, nếu cần thì đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp người tố cáo.
Đối với các loại tố cáo khác thì tiến hành tiếp nhận, phân loại và xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trường hợp người đến tố cáo có đơn tố cáo cần kiểm tra đơn đã có chữ ký hay chưa, nếu là bản phôtô phải yêu cầu người tố cáo ký lại. Nếu người tố cáo không có đơn mà trực tiếp trình bày thì sau khi ghi chép lại nội dung tố cáo, cán bộ tiếp đảng viên và công dân phải yêu cầu người tố cáo ký và ghi rõ họ tên vào biên bản hoặc vào Sổ tiếp đảng viên và công dân.
Nếu người tố cáo có yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết, cán bộ tiếp phải ghi rõ yêu cầu này vào biên bản, hoặc Sổ tiếp đảng viên và công dân, để sau này cơ quan có thẩm quyền giải quyết thông báo kết quả giải quyết cho người tố cáo.
Sau khi tiếp nhận đơn và các tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo do đảng viên và công dân cung cấp, nếu là việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình, cũng như thủ tục tiếp nhận việc khiếu nại, cán bộ tiếp đảng viên và dân phải viết giấy Biên nhận đơn (thành 2 bản), ghi rõ danh mục các tài liệu được tiếp nhận có chữ ký của mình và của người tố cáo rồi giao cho người tố cáo một bản, một bản còn lại đưa vào hồ sơ để giao cho cán bộ thụ lý. Nếu là việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cán bộ tiếp đảng viên và dân cần làm thủ tục chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời gian luật định.
Thực tế cho thấy, các việc khiếu nại, tố cáo có đông người tham gia ngoài nguyên nhân cơ bản do tính chất sự việc bức xúc, có thể còn do mâu thuẫn nội bộ, do một số người có động cơ không đúng kích động xúi giục và lôi kéo người trong gia đình, dòng họ, người thuộc diện chính sách... và một số quần chúng khác đi cùng, gây sức ép với các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Trong những tình huống đó, cán bộ tiếp đảng viên và công dân phải hết sức bình tĩnh, có cách ứng xử linh hoạt. Trước hết cần nhanh chóng nắm bắt nội dung cơ bản của việc khiếu nại, tố cáo, các thông tin về nhân thân những cá nhân “đại diện” trong việc khiếu nại, tố cáo, một mặt báo cáo nhanh với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xin ý kiến chỉ đạo, huy động thêm cán bộ, mặt khác liên lạc với cơ quan thẩm quyền ở địa phương để thu thập thông tin nhanh về nguồn gốc, diễn biến và quá trình giải quyết ở địa phương, xét thấy cần thì chủ động đề nghị địa phương cử cán bộ có trách nhiệm, thẩm quyền đến cùng phối hợp tiếp. Trên cơ sở thông tin ban đầu này và ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiến hành việc tiếp công dân gồm các bước sau:
Một là, đề nghị những người đến khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung cử người đại diện để trình bày sự việc. Đối với những cá nhân có động cơ xấu (bằng mọi cách để phát hiện ra) thì phải tìm được lý do để từ chối không để họ làm đại diện, nhằm tách họ khỏi đám đông, không còn tác dụng lôi kéo quần chúng.
Hai là, sau khi có danh sách người đại diện thì mời người đại diện vào trình bày, đồng thời mời số còn lại vào chờ tại khu vực khác để việc trình bày của người đại diện được thuận tiện. Đề nghị người đại diện trình bày các nội dung cơ bản của việc khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu giải quyết. Điều quan trọng là cần xác định chính xác nguyên nhân, động cơ của việc khiếu nại, tố cáo là do chậm giải quyết, do giải quyết chưa thoả đáng, do người khiếu nại, tố cáo cố tình lợi dụng quyền dân chủ hay vì một lý do nào khác... để đề xuất biện pháp xử lý, tháo gỡ.
Trong quá trình tiếp, cần chú ý phân loại các ý kiến, người có quyền lợi trực tiếp với việc khiếu nại, tố cáo, người lợi dụng, kích động, người đi theo, đối tượng chính sách... để có cách ứng xử thích hợp.
Sau khi nghe toàn bộ ý kiến, đề nghị của những người đại diện trình bày, cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần tóm tắt lại những nội dung cơ bản của việc khiếu nại, tố cáo là những vấn đề gì và xác định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết từng nội dung cụ thể là những cơ quan nào. Để từ đó có văn bản chuyển những nội dung tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị đến từng cơ quan thẩm quyền. Trước khi phát hành văn bản hướng dẫn, cần trao đổi, giải thích cho người đại diện biết rõ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thẩm quyền trách nhiệm của cơ quan có liên quan và cách thức chuyển những nội dung khiếu tố đến cơ quan có thẩm quyền và đề nghị người đại diện có trách nhiệm giải thích cho những người cùng đi biết, thực hiện sự hướng dẫn của cán bộ tiếp đảng viên và công dân.
Một số vấn đề cần lưu ý trong việc tiếp đảng viên và công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh điểm quan trọng đầu tiên mà mỗi cán bộ tiếp người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng dân cần quan tâm đó là phải nhanh chóng nắm bắt các tiêu chí cơ bản phản ánh đặc điểm của một việc khiếu nại, tố cáo, để từ đó làm cơ sở cho việc xử lý, khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn đảng viên và công dân. Các tiêu chí cơ bản này bao gồm:
Nhóm yếu tố phản ánh nhân thân người đến khiếu nại, tố cáo: Cần nắm họ và tên người trình bày (hoặc người gửi đơn), là người khiếu nại, tố cáo trực tiếp, hay là người được ủy quyền (đối với trường hợp khiếu nại). Địa chỉ thường trú, tạm trú, hay địa chỉ liên lạc hoặc nơi công tác. Ngoài hai tiêu thức cơ bản trên, cần chú ý các tiêu thức có liên quan như: Tuổi, giới tính, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, đối tượng chính sách (thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công...)
Việc nắm được các tiêu thức trên là nhằm một mặt xác định đảng viên và công dân đó là người khiếu nại, người tố cáo hay là người được ủy quyền khiếu nại, mặt khác giúp cho cán bộ tiếp đảng viên và công dân có thái độ và cách ứng xử thích hợp với người trình bày, nhất là trong trường hợp trực tiếp nghe đảng viên và công dân trình bày. Nếu có cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng sẽ tạo được tâm lý thoải mái, tháo gỡ bức xúc bị dồn nén cho đảng viên và công dân và chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc hướng dẫn, giải thích tiếp theo cho đảng viên và công dân.
Nhóm tiêu chí phản ánh nội dung sự việc gồm các tiêu thức: Nơi phát sinh sự việc: khu phố, phường, quận (hay cơ quan, đơn vị). Thời gian phát sinh: ngày, tháng, năm (hoặc khoảng thời gian). Diễn biến sự việc theo trật tự thời gian hoặc quá trình giải quyết. Họ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan: người có quyền và lợi ích liên quan, người bị khiếu nại, người bị tố cáo, các cơ quan, tổ chức đã giải quyết (các văn bản có liên quan, hình thức văn bản...). Lý do khiếu nại, tố cáo (các căn cứ do người trình bày đưa ra).
Nhóm tiêu chí do cán bộ tiếp đảng viên và công dân xác định trong quá trình tiếp đảng viên và công dân. Nhóm này bao gồm các tiêu thức: Sự việc thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản nào của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thẩm quyền giải quyết tiếp theo thuộc cơ quan nào, có thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình hay không, căn cứ vào quy định nào của văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Sử dụng các mẫu văn bản thích hợp (Phiếu hướng dẫn, Phiếu chuyển đơn, Phiếu biên nhận đơn, phiếu báo tin...) để tiếp nhận hoặc trả lời hoặc hướng dẫn đảng viên và công dân...
Việc nắm bắt được các tiêu thức cơ bản nêu trên là rất cần thiết để cán bộ tiếp đảng viên và công dân đưa ra các lý lẽ và cách thức giải thích, hướng dẫn, trả lời đảng viên và công dân một cách đúng đắn, chính xác. Để đạt mục tiêu đó, trong quá trình tiếp đảng viên và công dân đến khiếu nại, tố cáo, cán bộ tiếp đảng viên và công dân cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Song cho dù là người đến khiếu nại hay người đến tố cáo cũng đòi hỏi người cán bộ tiếp đảng viên và công dân, với tư cách là người thay mặt cho cơ quan Đảng, Nhà nước đón tiếp đảng viên và công dân, về phía mình phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo trước mỗi ngày làm việc, trước mỗi buổi tiếp và trước mỗi một đảng viên và công dân. Cán bộ tiếp đảng viên và công dân phải tự giác thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp đảng viên và công dân, nội quy nơi tiếp đảng viên và công dân, có tác phong trang nhã, đúng mực, thái độ, lời lẽ chân tình cởi mở. Tất cả sự chuẩn bị chu đáo đó sẽ tạo cảm giác tin cậy, gần gũi ban đầu đối với người được tiếp và bảo đảm việc tiếp đảng viên và công dân đạt hiệu quả cao hơn./.
(Nguồn: Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 3 năm 2020)